Hơn 13% trẻ em dưới 6 tuổi bị xâm hại

Thực trạng XHTD trẻ em tại Việt Nam đang ngày càng nghiêm trọng. Thống kê của Tổng cục Cảnh sát Phòng, chống tội phạm (Bộ Công an) cho thấy, mặc dù chỉ là phần nhỏ so với thực tế nhưng mỗi năm trung bình có 1.600 - 1.800 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện, trong số 1.000 vụ XHTD, thì số trẻ em là nạn nhân chiếm đến 65%, đa số nạn nhân là nữ ở độ tuổi 12 - 15 (chiếm 57,46%), tuy nhiên số trẻ em dưới 6 tuổi bị xâm hại là vấn đề rất đáng báo động, chiếm tới 13,2%.

TS Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội bức xúc: Những vụ việc xâm hại trẻ em liên tiếp xảy ra, khiến xã hội bức xúc vì không được giải quyết nhanh chóng, quyết liệt và và triệt để. Vụ bé gái 7 tuổi bị cụ ông 76 tuổi dâm ô ở Vũng Tàu có dấu hiệu bị chìm xuồng rồi đến vụ bé gái 8 tuổi ở quận Hoàng Mai, Hà Nội, bị một nhân viên ngân hàng xâm hại nhiều lần, gia đình cũng phải tự đi tìm chứng cứ, để cầu cứu cơ quan chức năng...

TS Khuất Thu Hồng bày tỏ lo ngại, số nạn nhân trẻ em bị XHTD hàng năm có thể còn cao hơn những số liệu đã công bố.

Tại sao như vậy? Theo TS Khuất Thu Hồng đó chính là do sự im lặng. "Sự im lặng của gia đình nạn nhân, im lặng của cộng đồng, của các cơ quan chức năng và nhiều bên khác đã khiến các vụ bạo lực tình dục, XHTD trẻ em không bị phơi bày ra ánh sáng và vì thế mà kẻ thủ ác vẫn cứ nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật".

Còn “khoảng trống” pháp luật

Sức khỏe cũng như tinh thần của trẻ em bị XHTD có thể bị đe dọa và ám ảnh các em đến suốt cả cuộc đời, nhưng các em lại chưa được pháp luật bảo vệ. Nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng, chính những “khoảng trống” trong hệ thống pháp luật về bảo vệ trẻ em đang khiến những vụ xâm hại trẻ em ngày càng tăng.

Luật sư Lê Văn Luân -  Văn phòng Luật sư Hưng Đạo Thăng Long - Đoàn Luật sư TP Hà Nội (người tham gia bào chữa cho gia đình cháu bé 8 tuổi bị XHTD ở Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: Rất nhiều vụ án XHTD ở trẻ em đến giờ vẫn chưa được phanh phui, giải quyết. Hiện tại, trong hệ thống pháp luật của chúng ta vướng nhất là các tội phạm ấu dâm hình như không bị xử lý, vì phải có dấu vết để lại cho bị can. Vì thế nạn nhân bị XHTD không biết kêu ai và giải quyết như thế nào.

"Ở các nước khác trên thế giới, họ phân hóa hành vi rất rõ ràng. Chỉ cần có sự dụ dỗ, gạ gẫm xem phim sex, hoặc động chạm vào các bộ phận nhạy cảm của người khác mà không được phép đã cấu thành tội. Thế nhưng, ở Việt Nam, chúng ta lại chưa làm được điều này" - luật sư Lê Văn Luân trăn trở.

Trong nhiều vụ án, các cơ quan chức năng yêu cầu phải có chứng cứ vật chất trên thân thể nạn nhân bị xâm hại. Đây là một điều khá vô lý, bởi đối với các vụ dâm ô mà kẻ gây án chỉ tiếp xúc với bộ phận sinh dục của nạn nhân thì làm sao để lại dấu vết? Hoặc nếu gia đình nạn nhân phát hiện muộn cũng khó thu thập chứng cứ” - luật sư Luân nói.

Luật sư Lê Văn Luân lo lắng: Pháp luật hình sự của chúng ta đang có "khoảng trống", đợi đến khi thủ phạm xâm phạm trực tiếp đến trẻ em thì quá nguy hiểm.

Chung quan điểm, TS Khuất Thu Hồng chia sẻ: Luật pháp của chúng ta không đủ sức mạnh để bảo vệ trẻ em. Ở các nước cho trẻ em xem ảnh dâm ô thôi thì đã phải ra toà, bắt trẻ em phải cởi quần áo trước mặt họ cũng phải ra toà rồi.

Bày tỏ quan điểm của mình, bà Nguyễn Vân Anh, Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng khoa học về Giới, Gia đình, Phụ nữ và Vị thành niên cho rằng: Tình trạng thương lượng giữa các gia đình đối với những vụ án hình sự trong vấn đề XHTD trẻ em cũng góp phần làm cho mọi chuyện rơi vào im lặng.

Theo bà Vân Anh, các cơ quan thực thi pháp luật khá lúng túng khi phải giải quyết sự việc XHTD vì tìm chứng cứ cho những sự vụ này không dễ dàng, phải có kinh nghiệm, phải học hỏi thì mới có thể luận tội được.

Có một thực tế là hiện nay giáo dục luật pháp ở trong trường học hầu như chỉ dừng lại ở Luật Giao thông đường bộ, còn những luật như: Luật Nhân thân, quyền danh dự nhân phẩm… cần để học sinh có thể tự bảo vệ lại không có.

"Chúng tôi đã khuyến nghị nhiều lần lên Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các lực lượng chức năng hãy đưa nội dung giáo dục giới tính vào trong nhà trường nhưng đến nay vẫn còn để gác lại ở đâu đó”, bà Hồng chia sẻ.

Hiện nay, Việt Nam có khoảng hơn 10 cơ quan bảo vệ quyền trẻ em. Trước khi chờ những cải cách, sửa đổi của cơ quan chức năng để lấp “khoảng trống” về luật pháp, thiết nghĩ các cơ quan này hãy lên tiếng mạnh mẽ hơn để những vụ xâm hại trẻ em không bị rơi vào im lặng.

Một khảo sát nhanh trên Diễn đàn Góc nhìn Báo chí - Công dân ngày 12/3 về việc “tại sao các vụ XHTD trẻ em chậm được xử lý” với 541 lượt ý kiến. Trong đó 44,2% người cho rằng đó là do cơ quan lập pháp ít quan tâm; 22,9% cho rằng Việt Nam đang thiếu vắng các tổ chức xã hội về bảo vệ trẻ em; 16,3% cho rằng thân nhân và nạn nhân muốn giấu thông tin; 8,7% cho rằng thế lực của kẻ phạm tội rất mạnh; còn 7,9% nhóm cha mẹ chưa biết cách lên tiếng.

Hải Hà