Khắc phục dần tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”

Trình bày báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, theo Thứ trưởng Lê Quý Vương, năm 2019, Chính phủ, Bộ Công an đã chỉ đạo các lực lượng tập trung giải quyết những vấn đề phức tạp nổi lên về tội phạm, nhất là những vấn đề dư luận xã hội bức xúc.

6 tháng đầu năm đã khởi tố 1.016 vụ, 1.045 bị can về các tội liên quan đến xâm hại trẻ em; khởi tố 436 vụ và 766 bị can về các tội danh liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, bảo kê, đòi nợ thuê…

Qua phòng ngừa, đấu tranh đã góp phần làm giảm 0,78% số vụ phạm pháp hình sự, nhiều loại tội phạm được kéo giảm như: Giết người giảm 11,67%, hiếp dâm giảm 0,32%, trộm cắp tài sản giảm 1,83%, cướp tài sản giảm 8,7%, chống người thi hành công vụ giảm 2,12%, gây rối trật tự công cộng giảm 49,15%, đánh bạc, tổ chức đánh bạc giảm 28,28%...

Các lực lượng chức năng đã phát hiện 14.228 vụ phạm tội và vi phạm pháp luật về trật tự quản lý kinh tế (ít hơn 11,02% so với cùng kỳ 2018); 281 vụ phạm tội, vi phạm pháp luật về tham nhũng và chức vụ (ít hơn 0,35% so với cùng kỳ 2018).

“Đặc biệt, đã đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo, bảo đảm đúng tiến độ, khắc phục được nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác giám định, định giá tài sản, cung cấp hồ sơ, tài liệu, đánh giá chứng cứ, xác định tội danh, thu hồi tài sản”, ông Vương nói.

Công tác phát hiện, điều tra, xử lý tham nhũng ở địa phương có nhiều tiến bộ, từng bước khắc phục dần tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”.

Các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý nghiệm nhiều vụ buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm góp phần răn đe vi phạm, điển hình là Công an Đắk Nông phát hiện vụ sản xuất xăng A95 giả quy mô lớn trên nhiều tỉnh phía Nam.

Công tác đấu tranh với tội phạm ma túy đạt được kết quả nổi bật, đã phát hiện, triệt phá nhiều đường dây mua bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia do người nước ngoài cầm đầu lợi dụng địa bàn Việt Nam để trung chuyển ma túy đi nước thứ ba.

Việc chấp hành pháp luật trong hoạt động điều tra, xử lý tội phạm tiếp tục được quan tâm chỉ đạo, nhất là các giải pháp phòng chống oan, sai, bức cung, nhục hình; công tác xử lý vi phạm hành chính được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật...

cán bộ trong cơ quan bảo vệ pháp luật bảo kê cho tội phạm

Dù đã có nhiều nỗ lực, cố gắng nhưng tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật vẫn diễn biến phức tạp.

Thứ trưởng cho hay, toàn quốc xảy ra 39.776 vụ phạm pháp hình sự. Đáng lưu ý, xảy ra nhiều vụ giết người với hành vi gây án dã man, tàn bạo (giết nhiều người, giết người vứt xác, chặt xác, đốt xác, giết phụ nữ và trẻ em...), nhiều vụ giết người, cố ý gây thương tích do đối tượng bị bệnh tâm thần hoặc bị ảo giác do sử dụng ma túy tổng hợp "ngáo đá" gây ra, làm lo lắng trong nhân dân.

Báo cáo dẫn chiếu như vụ giết, hiếp nữ sinh giao gà tại Điện Biên; vụ Nguyễn Võ Ngọc Bảo “ngáo đá” giết, cướp tài sản của mẹ đẻ và em trai ruột xảy ra tại Ninh Thuận…

Tình trạng bạo hành, xâm hại trẻ em xảy ra nhiều, nhất là tội phạm dâm ô và giao cấu với trẻ em tiếp tục gia tăng. Tội phạm có tổ chức vẫn tiềm ẩn phức tạp, nhất là hoạt động núp bóng doanh nghiệp, bảo kê bến bãi, “tín dụng đen”, cầm đồ, siết nợ, đòi nợ thuê, gắn với hành vi bắt giữ người trái pháp luật…

Tội phạm, vi phạm pháp luật về tham nhũng, kinh tế cũng diễn ra phức tạp, thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi, sử dụng công nghệ thông tin, thiết bị công nghệ cao để phạm tội; sử dụng phần mềm gian lận doanh thu để trốn thuế, kéo dài thời gian thu phí tại các trạm thu phí BOT như vụ xảy ra tại tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh – Trung Lương.

Hoạt động lợi dụng triển khai cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước trong các doanh nghiệp, triển khai thực hiện các dự án, liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư để chiếm đoạt tài sản nhà nước vẫn còn tiềm ẩn phức tạp.

“Tham nhũng vặt” trong giải quyết thủ tục hành chính công diễn ra tương đối phổ biến, nhất là ở cơ sở, gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp...

Thứ trưởng cũng lưy ý, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật trên một số lĩnh vực như tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan, đầu tư, xây dựng, công thương, y tế, giáo dục, quản lý, sử dụng đất đai…

Theo ông, vi phạm pháp luật trong quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai diễn ra phổ biến ở nhiều nơi gây bức xúc dư luận, là nguyên nhân dẫn đến tranh chấp, khiếu kiện kéo dài và phát sinh “điểm nóng” về an ninh trật tự tại một số địa phương.

Tình trạng lừa đảo bán nhà, đất tại các dự án không có thật diễn ra phức tạp.

Vi phạm trong việc giao đất để thực hiện dự án, bán các cơ sở nhà đất không qua đấu giá, cổ phần hóa doanh nghiệp liên quan đến đất đai gây thất thu lớn ngân sách Nhà nước…

Đáng lưu ý, vẫn còn một số vi phạm trong hoạt động điều tra, xử lý tội phạm, cá biệt có trường hợp cán bộ trong các cơ quan bảo vệ pháp luật bảo kê, làm ngơ, tiếp tay cho vi phạm, tội phạm gây dư luận xấu.

Vi phạm hành chính diễn ra phổ biến trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhưng việc xử lý chưa nghiêm, chưa đủ sức răn đe, đã ảnh hưởng đến kỷ cương, phép nước trong một số lĩnh vực.

Thứ trưởng Bộ Công an đề cập đến nhiều nguyên nhân dẫn đến những tồn tại, hạn chế. Trong đó, có hoạt động của tội phạm và vi phạm pháp luật ngày càng tinh vi, xảo quyệt, với nhiều phương thức mới, có nhiều thủ đoạn để che giấu hành vi phạm tội, đối phó với sự phát hiện của các cơ quan chức năng.

Trình độ nghiệp vụ, tinh thần trách nhiệm của một số cán bộ thực thi pháp luật còn hạn chế, thậm chí có sai phạm, tiêu cực trong thực hiện nhiệm vụ... làm ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật…

Hương Giang