Công an TP Hà Nội liên tục tiếp nhận thông tin tố giác

Theo Công an TP Hà Nội, thời gian qua cơ quan chức năng liên tiếp nhận được phản ánh của người dân về việc bị các đối tượng gọi điện thoại tự xưng nhân viên bưu điện, thông báo đang nợ tiền cước điện thoại, có bưu phẩm gửi ở các bưu điện lâu ngày không đến nhận, thiếu nợ tiền ngân hàng do người khác lấy CMND đăng ký mở tài khoản ngân hàng hoặc liên quan đến các vụ án đang điều tra như buôn bán ma túy, rửa tiền xuyên quốc gia…

Các đối tượng lừa đảo còn làm giả lệnh bắt của Công an, Tòa án, Viện Kiểm sát gửi tới “con mồi” để yêu cầu kê khai tài sản, tiền mặt hiện có, tiền trong các tài khoản ngân hàng.

Tiếp đó, yêu cầu người bị hại phải nghe điện thoại, liên tục nói chuyện với nhiều người tự xưng là điều tra viên, cán bộ Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án và không được kể cho người khác việc đang làm với cơ quan pháp luật.

Thậm chí để tạo sự tin tưởng cho bị hại, các đối tượng sử dụng phần mềm, ứng dụng gọi điện thoại qua mạng Internet giả mạo số gọi đến là số điện thoại của Công an TP Hà Nội hoặc các cơ quan của Nhà nước nên khi người bị hại kiểm tra qua tổng đài 1080, qua mạng Internet… cũng không phát hiện được.

Sau đó, các đối tượng vừa dùng lời lẽ đe dọa rồi yêu cầu, thúc ép bị hại chuyển tiền vào các tài khoản chỉ định với lý do xác minh nguồn tiền, phục vụ điều tra và chiếm đoạt tiền.

Cục Cảnh sát hình sự chỉ rõ cách thức lừa đảo

Cũng trong một thông tin cảnh báo vừa được Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an phát ra cho biết loại hình tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản diễn ra phức tạp, hoạt động ngày càng tinh vi, chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn. Người dân cần cảnh giác trước những hành vi lừa đảo nói trên.

Các đối tượng thông qua kết nối mạng Internet (VoIP), các đối tượng gọi điện đến số điện thoại cố định thông báo chủ thuê bao đang nợ tiền cước, đang bị nhà mạng khởi kiện.

Sau đó, chúng nối máy với các đối tượng tự xưng là cán bộ Công an, Viện kiểm sát để giải quyết. Các đối tượng này thông báo với người bị hại đang liên quan đến vụ án rửa tiền, mua bán ma túy xuyên quốc gia, tiền trong tài khoản của bị hại liên quan đến các vụ án này, đã có lệnh bắt giam.

Để chứng minh sự trong sạch phải chuyển tiền đến tài khoản do chúng chỉ định hoặc tài khoản của bị hại nhưng lấy số điện thoại chúng cho trước để đăng ký Internetbanking. Khi người bị hại chuyển tiền theo yêu cầu, các đối tượng nhanh chóng rút tiền hoặc chuyển sang tài khoản khác rồi rút tiền và chiếm đoạt.

Một phương thức khác là thông qua các trang mạng xã hội Facebook, Zalo, Viber để làm quen, hứa gửi hàng, tiền, đô la có giá trị lớn, yêu cầu người bị hại cung cấp địa chỉ, số điện thoại để chúng gửi.

Vài ngày sau, chúng đóng vai nhân viên Bưu điện hoặc Hải quan, kiểm tra phát hiện hàng có vi phạm. Nếu muốn nhận phải đóng phí, thuế, tiền phạt… yêu cầu chuyển tiền, thuế hoặc tiền phạt vào tài khoản do chúng chỉ định và bị chiếm đoạt.

Cũng với thủ đoạn lừa đảo khác là đối tượng sẽ gọi điện thoại cho người bị hại thông báo là người của các công ty xổ số đang thực hiện việc triệt phá các tụ điểm ghi số lô đề trái phép, đề nghị người bị hại phối hợp.

Công ty xổ số sẽ bỏ tiền, còn người bị hại chỉ đi ghi hộ và sẽ trích thưởng thỏa đáng. Nhưng sau đó chúng tạo cớ không đến được đề nghị người bị hại bỏ tiền ghi số đề hộ. Nếu kết quả đúng số lô đề mà chúng cho thì sẽ đề nghị người bị hại chi tiền thỏa thuận và hứa xem xét cho người bị hại tiếp tục trúng số đề những lần sau.

Các đối tượng cũng thông qua trang mạng xã hội đối tượng chiếm quyền kiểm soát tài khoản cá nhân của bị hại. Sau đó, sử dụng tài khoản đó để nhắn tin đề nghị người thân bạn bè của chủ tài khoản chuyển tiền, nạp thẻ điện thoại theo hướng dẫn của chúng và bị chiếm đoạt.

Nhắn tin thông báo người bị hại đã trúng một giải thưởng có giá trị lớn, yêu cầu đóng góp ủng hộ Quỹ người nghèo, tàn tật bằng cách chuyển tiền vào tài khoản chúng cho trước hoặc mua thẻ điện thoại chuyển thông tin cho các đối tượng, sau đó bị các đối tượng chiếm đoạt.

Trước tất cả các hình thức lừa đảo nói trên, Cơ quan Công an khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác, đặc biệt là trong quá trình sử dụng mạng xã hội. Khi phát hiện các trường hợp nghi vấn, có dấu hiệu lừa đảo thì phải báo ngay với Cơ quan Công an gần nhất để kịp thời ngăn chặn, xử lý.

Q. Đông