Theo số liệu khảo sát của lực lượng đặc nhiệm điều tra tài chính về rửa tiền (FATF), trung bình hàng năm trên toàn thế giới, lượng tiền được đưa vào chu trình tẩy rửa lên đến hơn 1000 tỷ USD.

Để che đậy nguồn thu nhập bất hợp pháp đó buộc các đối tượng phạm tội phải tạo ra những vỏ bọc hợp pháp dưới các hình thức kinh doanh, đầu tư, buôn bán bất động sản, kinh doanh vàng bạc, đá quý, lập trang trại, đầu tư vào thị trường chứng khoán (TTCK)… Các hành vi đó được pháp luật quốc tế và pháp luật trong nước xác định là hành vi rửa tiền.

Hoạt động rửa tiền có thể phân thành 3 giai đoạn là sắp xếp, phân tán và quy tụ.

Sắp xếp là giai đoạn tội phạm rửa tiền đưa các khoản tiền bất hợp pháp hoặc tài sản có giá trị khác vào hệ thống tài chính hoặc tổ chức phi tài chính.

Đây là bước đầu tiên của quá trình tẩy rửa, nhằm chuyển tiền từ thu lợi bất chính sang nơi khác, che dấu nguồn gốc xuất xứ, thay đổi hình thái tồn tại của “tiền bẩn” để đi vào hệ thống tài chính, ngân hàng.

Sau khi “sắp xếp” thành công, tội phạm rửa tiền chuyển qua bước 2 là phân tán tiền bẩn. Tại đây, việc tách rời các khoản tiền, tài sản có nguồn gốc từ hoạt động tội phạm được thực hiện thông qua sử dụng các công cụ, các giao dịch tài chính phức tạp. Những giao dịch này được thiết kế nhằm che giấu nguồn gốc tiền, tài sản, chủ sở hữu hưởng lợi cuối cùng. Trong giai đoạn này vai trò của các chuyên gia tài chính, tổ chức tín dụng rất quan trọng, bọn tội phạm có thể tiến hành rửa tiền dễ dàng hay không phụ thuộc rất nhiều vào những nhân tố này.

Quy tụ là giai đoạn đưa tiền trở lại nền kinh tế thông qua hệ thống tài chính, kinh doanh, sản xuất, đầu tư hợp pháp. Sau một quá trình tẩy rửa, đồng tiền trở về với bọn tội phạm với vỏ bọc hợp pháp, chúng có thể đầu tư vào các hoạt động kinh doanh thương mại, trộn lẫn “tiền bẩn”, “tiền sạch” để tiếp tục một chu trình khác và khép lại chu trình trước.

Hoàng Nam