Xâm hại tình dục trẻ em: Xử “nhẹ” do sợ oan sai hay hạn chế nghiệp vụ?

Tại phiên chất vấn sáng ngày 4/6, ĐB Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) cho hay, thời gian gần đây xã hội rất quan tâm tội phạm xâm hại tình dục, ấu dâm, cưỡng dâm, hiếp dâm trẻ em, hiếp dâm phụ nữ, có trường hợp do chính người thân gây ra.

“Bộ trưởng cho biết nguyên nhân chủ quan, khách quan để đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn?”, ĐB Hoà đặt câu hỏi.

Chung mối quan tâm, ĐB Nguyễn Thị Thuỷ (Bắc Kạn) nêu quan điểm, việc đánh giá tội phạm xâm hại tình dục trẻ em tăng hay giảm sẽ giúp cơ quan chức năng có biện pháp phòng chống phù hợp.

ĐB Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) đặt vấn đề, thời gian qua công tác điều tra 1 số vụ án xâm hại tình dục trẻ em của công an các huyện gây bức xúc dư luận.

Cụ thể là, vụ hiếp dâm bé gái 9 tuổi xảy ra tại huyện Chương Mỹ (Hà Nội) xảy ra tháng 2/2019, lúc đầu Cơ quan Điều tra Công an huyện ra quyết định khởi tố bị can về tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi và không bắt tạm giam đối tượng mặc dù dấu hiệu của tội hiếp dâm rất rõ ràng.

Sau đó, nhờ sự vào cuộc của dư luận, Cơ quan Điều tra Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố bị can tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi và bắt tạm giam.

“Bộ trưởng cho biết xảy ra tình trạng nêu trên là do áp lực sợ bị oan sai dẫn đến việc 1 số cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát quá thận trọng trong việc đánh giá, sử dụng chứng cứ xác định tội danh hay là do còn hạn chế về nghiệp vụ, phương hướng khắc phục triệt để tình trạng nêu trên?”, ĐB hỏi.

Bà Hoa cũng chuyển câu hỏi này tới Viện trưởng Viện KSND Tối cao Lê Minh Trí.

Tháo gỡ khó khăn

Trả lời các ĐB liên quan tới tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, Đại tướng Tô Lâm cho hay, bên cạnh việc tham mưu với các cấp, các ngành trong công tác phòng ngừa, Bộ đã có nhiều chỉ đạo các lực lượng công an, các đơn vị địa phương tăng cường công tác phòng ngừa, phát hiện điều tra xử lý tội phạm này.

Bộ đã phối hợp với Viện KSND, Tòa án thống nhất có văn bản hướng dẫn công tác phòng ngừa nghiệp vụ, tiếp nhận giải quyết tố giác tin báo, kiến nghị, khởi tố về xâm hại tình dục với người dưới 16 tuổi.

Cũng theo Đại tướng Tô lâm, Bộ đã ban hành, đưa ra quy trình tố tụng, cách thức xử lý với loại tội phạm này.

Ông nhấn mạnh, việc tích cực của các cơ quan chức năng xem xét xử lý vụ việc tạo ra lòng tin của nhân dân. Đồng thời sự hợp tác cũng được tăng cường, người dân mạnh dạn tố cáo, lên án các loại tội phạm nên việc phát hiện và xử lý số lượng đối tượng này cũng có tăng lên.

“Chia lửa” cùng Bộ trưởng Công an Tô Lâm, Viện trưởng Viện KSND Tối cao Lê Minh Trí cho hay, với vụ hiếp dâm bé gái ở Chương Mỹ, lúc đầu cơ quan điều tra đề nghị, Viện KSND huyện đồng ý và phê chuẩn theo hướng đó.

Tuy nhiên, sau khi dư luận phản ánh, Viện trưởng Viện KSND Tối cao đã chỉ đạo Viện KSND TP Hà Nội kiểm tra vụ việc, chỉ đạo Viện KSND huyện Chương Mỹ yêu cầu phục hồi trở lại, khởi tối và phê chuẩn theo tội hiếp dâm trẻ em.

“Tôi cũng đã chỉ đạo Viện trưởng Viện KSND Hà Nội kỷ luật Phó Viện trưởng Viện KSND huyện Chương Mỹ và kiểm sát viên thụ lý vụ án này với lý do, đây là loại tội phạm xã hội đang bức xúc, thường chủ yếu dựa vào lời khai, chứng cứ yếu nhưng vụ này qua kết quả giám định thấy thương tích cũng như tổn hại của cháu bé khá rõ”, ông Trí báo cáo trước QH.

Viện trưởng Viện KSND Tối cao nhấn mạnh, ông đã chỉ đạo kỷ luật về thái độ trách nhiệm trong xử lý công việc. Hiện, vụ án đang trong quá trình thụ lý theo quy định pháp luật.

Theo báo cáo của Bộ Công an, 5 tháng đầu năm 2019, xảy ra 289 vụ hiếp dâm phụ nữ, trẻ em (trong đó có 162 vụ hiếp dâm người dưới 16 tuổi); 05 vụ cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (Điều 144 Bộ luật Hình sự); 244 vụ giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (Điều 145 Bộ luật Hình sự); 114 vụ dâm ô với người dưới 16 tuổi (Điều 146 Bộ luật Hình sự).

Công tác điều tra, xử lý loại tội phạm này còn gặp một số khó khăn như: nhận thức pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế, tâm lý xấu hổ, mặc cảm… nên khi vụ việc xảy ra thường ngại tố giác, trình báo, nhiều trường hợp cam chịu, hoặc trình báo muộn, hoặc chấp nhận dàn xếp, xử lý nội bộ, sau một thời gian do việc dàn xếp không đạt được mới tố giác nên khó khăn cho việc tiếp nhận và xử lý.

Kết quả giám định thường chậm kéo theo việc xử lý, giải quyết tố giác nhiều vụ bị kéo dài, gây hoài nghi trong dư luận; nhiều vụ việc do trình báo muộn nên không thu thập được dấu vết, dẫn đến khó khăn trong việc xử lý, khởi tố.

Pháp luật quy định về loại tội xâm hại tình dục trẻ em có tội còn chưa rõ ràng, dẫn đến nhận thức và vận dụng còn nhiều ý kiến khác nhau. Điển hình như hành vi “quan hệ tình dục khác”, tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi hoặc tội sử dụng trẻ em dưới 18 tuổi vào mục đích khiêu dâm, chưa có văn bản xác định khái niệm “dâm ô”, “quan hệ tình dục khác”, “sử dụng vào mục đích khiêu dâm” nên không thống nhất được tội danh...

Hương Giang