Mỗi gia đình thêm mối lo con bị xâm hại thì thật kinh khủng

+ Gần đây xuất hiện nhiều vụ việc liên quan đến xâm hại trẻ em, đặc biệt gần dây, dư luận dậy sóng với vụ ép hôn, sàm sỡ bé gái trong thang máy chung cư Galaxy ở TP Hồ Chí Minh. Bà đánh giá gì về thực trạng này?

- Như Thứ trưởng Bộ Công an đã nói, tới đây sẽ có thống kê, báo cáo cụ thể số vụ việc dâm ô trẻ em. Nhưng tôi nghĩ vấn đề không phải nhiều hay ít, mà điều quan trọng là tình trạng dâm ô, xâm hại trẻ em đang là một mối đe dọa. Những việc như thế gây ra tâm lý rất kinh khủng, nặng nề cho trẻ em, gia đình và xã hôi. Mỗi gia đình đã có biết bao nhiêu mối lo rồi, giờ lại thêm mối lo này nữa thì thật kinh khủng.

Riêng với vụ ở TP Hồ Chí Minh, chúng tôi đã có ý kiến. Hiện vụ việc đã xác định được đối tượng thì cơ quan chức năng cần điều tra để đưa ra kết luận rõ ràng, thông báo rộng rãi với công luận.

Qua vụ việc này, thấy vấn đề rất đáng báo động với cháu nhỏ ở nhà chung cư. Bởi các cháu ở nhà chung cư tầm tuổi cháu bé trong vụ việc ở TP Hồ Chí Minh hay có thể lớn tuổi hơn không thể tránh khỏi có lúc đi lên, đi xuống trong thang máy 1 mình hay vui chơi ở nơi công cộng. Có phải bố mẹ lúc nào cũng ở bên cạnh để trông các cháu đâu.

+ Vậy thời gian qua, cá nhân bà và Hội Bảo vệ quyền trẻ em có nhận được nhiều phản ánh về trình trạng dâm ô, xâm hại trẻ em không?

- Chúng tôi có 1 bộ phận riêng để tiếp nhận phản ánh về các vụ việc liên quan đến trẻ em. Như vụ việc ở Chương Mỹ (Hà Nội), sau khi sự việc xảy ra, bố của em bé đã phản ánh hết với chúng tôi. Sau đó, chúng tôi đã có công văn gửi Công an TP Hà Nội và hôm sau có quyết định rút hồ sơ lên để khởi tố, bắt tạm giam. Thậm chí, chúng tôi còn đề nghị xem lại cách xử lý của người đứng đầu Công an huyện Chương Mỹ.

+ Khi con bị xâm hại, các bậc phụ huynh thường có tâm lý giấu kín, không muốn nói ra, hoặc nếu có nói thì sự việc đã xảy ra khá lâu rồi nên điều tra gặp khó khăn về chứng cứ. Bà nghĩ gì về điều này?

- Đó là tâm lý chung của những người làm cha, làm mẹ vì không muốn con mình bị ảnh hưởng. Điều này cũng cần cả hai phía.

Trước tiên, phải làm thế nào để giữ kín thông tin cá nhân, không gây ảnh hưởng đến tâm lý, tương lai của các cháu. Cùng với đó, phải động viên các bậc cha mẹ sớm tố giác khi con mình bị xâm hại.

Không ai muốn như vậy, nhưng khi đã xảy ra rồi thì vẫn phải đối mặt. Nếu thấy được sự ủng hộ của xã hội thì họ sẽ lên tiếng để xử lý nghiêm minh đối tượng, cũng là để răn đe cảnh tỉnh, ngăn ngừa các trường hợp tương tự khác không xảy ra.

Vụ ép hôn, sàm sỡ bé gái trong thang máy khiến dư luận dậy sóng. Ảnh cắt từ clip. Ảnh: HG

 

Rà soát lại luật để sửa một lần cho phù hợp

+ Thực tế, vừa qua, có vụ sàm sỡ, cưỡng hôn trong thang máy nhưng chỉ bị phạt hành chính với mức 200 nghìn đồng, gây bức xúc trong dư luận. Trong khi, với các vụ dâm ô trẻ dưới 16 tuổi thì việc tìm kiếm chứng cứ lại không hề đơn giản. Theo bà, đã đến lúc phải sửa các luật liên quan cho phù hợp tình hình, bảo đảm tính nghiêm minh, đặc biệt đối với các hành vi xâm hại trẻ em?

- Về mức phạt hành chính chắc sẽ phải sớm sửa quy định cho phù hợp, nhưng tôi đồng tình với nhiều ý kiến trong dư luận xã hội là phải xem xét đến yếu tố hình sự, phải đặt vấn đề quấy rối tình dục, chứ không chỉ đơn thuần là sàm sỡ, trêu ghẹo, vì như vậy thì quá nhẹ.

Cái chính là nếu sửa đổi luật thì phải rà soát toàn bộ và sửa một lần cho phù hợp với quy định chung của công ước của Liên Hợp quốc mà chúng ta đã tham gia. Đặc biệt, phải hết sức lưu ý đến vấn đề xác định chứng cứ vì thông thường trong các vụ dâm ô, xâm hại trẻ em, vấn đề này rất khó.

Ví dụ như Luật Giám định tư pháp, có thể sửa vào năm 2020, nhưng có chi tiết đáng chú ý liên quan đến thời gian giám định tư pháp. Tôi cho rằng, với trường hợp bị xâm hại tình dục, sau 7 ngày thường là hết chứng cứ. Các vụ xâm hại tình dục, chứng cứ đã yếu rồi, bây giờ lại đến công đoạn giám định tư pháp như thế nữa thì sẽ rất khó.

Hay một số quy định trong Bộ luật Tố tụng Hình sự cũng cần phải hết sức lưu ý, vì nhiều nội dung cũng chỉ quy định chung cho các loại tội phạm. Nhưng với vụ các cháu bị xâm hại thường sẽ hoảng loạn, nên khi trả lời cơ quan công an, nếu các cháu trả lời không thống nhất thì cũng đừng coi đó là chuyện bất nhất để kết luận không đủ chứng cứ.

Với pháp luật của một số nước, như Mỹ, họ phân biệt rất dễ giữa hình sự và hành chính, chỉ cần có hành động ôm cũng đã đủ căn cứ xử lý rồi, còn chúng ta quy định phải đụng chạm vào chỗ nhạy cảm, sẽ rất khó. Vì ngay việc xác định thế nào là chỗ nhạy cảm cũng khó mà phân biệt rạch ròi.

Có thể có những lỗ hổng luật pháp, cho nên chúng ta phải quy định chi tiết hơn, dù khó nhưng vẫn phải xem xét điều chỉnh.

+ Từ vụ sàm sỡ, ép hôn trẻ em trong thang máy ở TP Hồ Chí Minh vừa qua, bà muốn gửi gắm, mong muốn gì đến các cơ quan chức năng?

- Trước tiên, tôi thống nhất với việc phải khởi tố để điều tra và đưa ra kết luận rõ ràng. Tuy nhiên, cũng phải làm sao để bảo đảm quyền riêng tư, không gây ảnh hưởng đến cháu bé bị xâm hại nếu không sẽ rất khổ cho các cháu về sau này. Điều này cần phải ghi nhớ, còn đó là hành vi gì thì chúng ta cần phải chờ cơ quan điều tra vào cuộc và làm rõ.

Vừa qua, cả Bộ trưởng và Thứ trưởng Bộ Công an đã có chỉ đạo rõ ràng với những vụ việc gây bức xúc trong dư luận. Những vụ việc như thế này, không chỉ đòi hỏi xử lý nghiêm minh mà còn phải kịp thời.

+ Xin cảm ơn bà!

Hương Giang