Theo Đại tá Nguyễn Duy Ngọc, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội, Công an TP đã tổ chức quán triệt, chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm túc Thông tư 12; chỉ đạo niêm yết công khai tại các cơ sở đăng ký xe để người dân tra cứu, tìm hiểu; yêu cầu các phòng nghiệp vụ, công an các quận, huyện, thị xã không đặt ra thêm quy định, giấy tờ gây phiền hà cho dân. Lực lượng cảnh sát khu vực sẽ trực tiếp đến từng hộ gia đình nắm tình hình số người có nhu cầu đăng ký sang tên, di chuyển xe; tuyên truyền, vận động các hộ gia đình chấp hành quy định về sang tên, di chuyển xe; phát giấy khai, sau đó, cảnh sát khu vực sẽ mang về công an phường làm xác nhận và trực tiếp mang đến nhà trả cho dân.

"Công an TP đã chỉ đạo trưởng công an các huyện báo cáo lãnh đạo các quận, huyện chỉ đạo cơ quan thuế, kho bạc Nhà nước cùng cấp phối hợp với lực lượng công an xuống từng xã, phường, thị trấn, trên địa bàn làm thủ tục đăng ký sang tên, di chuyển xe cho nhân dân. Thông báo công khai lịch hàng tuần để người dân biết. Các đơn vị sẽ bố trí cán bộ hướng dẫn nhân dân làm thủ tục và tổ chức tiếp nhận, giải quyết hết các trường hợp nhân dân đến làm thủ tục này trong ngày" - Đại tá Nguyễn Duy Ngọc nói.

Như vậy, từ ngày 3/5, khi Công an huyện Phúc Thọ xuống tận các xã để giúp người dân thực hiện tốt việc sang tên đổi chủ, Công an TP Hà Nội chính thức triển khai cách làm này trên toàn địa bàn Thủ đô. Mô hình này được đánh giá là đầu tiên trên cả nước và được nhân dân, dư luận đồng tình, khen ngợi bởi tính hiệu quả, thiết thực.

Được biết, sau 15 ngày thực hiện Thông tư 12 của Bộ Công an, Công an TP Hà Nội đã tiếp nhận 7.403 hồ sơ đăng ký sang tên, di chuyển xe ô tô, tăng gần 3.700 xe so với trước, trong đó, có 5.167 trường hợp là sang tên trong TP; tiếp nhận 1.473 hồ sơ sang tên, di chuyển mô tô, xe máy.
 
Hạnh Quỳnh