Để phòng, chống tham nhũng hiệu quả thì cần quyết liệt phòng, chống tội phạm rửa tiền.

Qua vụ việc đường dây đánh bạc ngìn tỷ do Phan Sào Nam và Nguyễn Văn Dương cầm đầu bị triệt phá, các đối tượng đã “rửa” các khoản tiền kiếm được từ việc tổ chức đánh bạc theo rất nhiều cách khác nhau như: chuyển tiền cho người thân mua bất động sản, nhờ người thân ở nước ngoài cất giữ, lập doanh nghiệp nâng khống vốn để liên danh góp vốn đầu tư ... qua đó, biến các khoản tiền đó thành “tiền sạch” và đương nhiên, họ trở thành các đại gia với hình ảnh hào nhoáng trong mắt mọi người

Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, hàng năm có hàng nghìn tỷ USD có nguồn gốc phi pháp được tìm cách hợp pháp hóa qua mọi kênh trên toàn thế giới. Trong thời đại công nghệ hiện nay, hệ thống ngân hàng đang trở thành mắt xích quan trọng để tội phạm công nghệ cao lợi dụng để “rửa tiền”

Thực tế tại Việt Nam, chống “rửa tiền” có nguồn gốc tham nhũng luôn gặp rất nhiều khó khăn khi phải chứng minh, xác định chủ thể, tội danh. Chính vì vậy, mặc dù công tác đấu tranh, phòng chống tham nhũng đã đã được những kết quả khả quan nhất định, nhưng việc thu hồi tài sản có nguồn gốc tham nhũng vẫn còn nhiều hạn chế.

Để công cuộc phòng, chống tham nhũng đạt thêm những bước đột phá mới, các cơ quan chức năng cần phải đưa việc phòng, chống “rửa tiền” song hành cùng với công tác phòng chống tham nhũng, từ đó nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng. Các biện pháp chống rửa tiền có nguồn gốc tham nhũng phải thực hiện đồng bộ, kịp thời và nghiêm minh theo quy định của pháp luật, trên cơ sở bảo đảm chủ quyền, an ninh quốc gia; bảo đảm hoạt động bình thường về kinh tế, đầu tư; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; chống lạm quyền, lợi dụng việc phòng, chống rửa tiền để xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân có liên quan.

Như đã nói ở trên, hệ thống ngân hàng đang trở thành mắt xích quan trọng trong “hành trình” rửa tiền bẩn thành tiền sạch của tội phạm thời công nghệ 4.0. Bản thân Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại cũng đã nhận ra và chủ động đưa ra các biện pháp đối phó với xu hướng này như: ban hành các quy định quản lý chung và nội bộ; trực tiếp tham gia các hoạt động thực tế về nhận diện, báo cáo, xử lý các tin tức, giao dịch đáng ngờ có liên quan...

Quốc hội và Chính phủ Việt Nam cũng chủ động tham gia các hoạt động của các tổ chức quốc tế về phòng chống rửa tiền: là thành viên của Nhóm châu Á - Thái Bình Dương về chống rửa tiền (APG) cam kết thực thi đầy đủ 40 khuyến nghị về chống rửa tiền của FATF; phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng và thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống rửa tiền vào năm 2009; năm 2012, Quốc hội ban hành Luật số 07/2012/QH13 về phòng, chống rửa tiền; Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố giai đoạn 2015-2020... nhằm xây dựng cơ chế phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố có hiệu quả ở Việt Nam và thực hiện nghĩa vụ thành viên của Việt Nam trong APG.

Hoàng Nam