Từ miếng bánh là căn nhà 1.268 tỷ đồng

Theo cáo trạng, 5 thành viên HĐQT, Ban Điều hành TrustBank gồm: Hoàng Văn Toàn, Nguyễn Vĩnh Mậu, Trần Sơn Nam, Lâm Hồng Trinh, Hứa Xường, là những người trực tiếp quản lý và quyết định hoạt động của NH, biết rõ các quy định của Nhà nước về mua sắm tài sản cố định đối với NH, nhưng vẫn quyết định mua bất động sản số 5 Phạm Ngọc Thạch với giá 1.260 tỷ đồng là trái với quy định tại Điều 140 Luật các Tổ chức tín dụng năm 2010 (quy định tỉ lệ đầu tư mua sắm tài sản cổ định không vượt quá 50% vốn điều lệ và Quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ của NH); vi phạm điểm q khoản 2 Điều 59 Luật các Tổ chức tín dụng năm 2010 khi mua căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch với giá 1.260 tỷ đồng, tương đương 42% vốn điều lệ (trên 20% vốn điều lệ mà không thông qua họp Đại hội Cổ đông).

Cáo trạng còn thể hiện, ngoài việc làm sai trái trên, bị cáo Hứa thị Phấn còn nâng khống giá trị căn nhà trên gấp 8 lần.

Tại toà, ông Phạm Công Danh, cựu Chủ tịch NH Đại Tín cũng cho biết, khi mua lại NH do không có thời gian để nghiên cứu chi tiết, lại chưa có kinh nghiệm về tài chính NH, nhưng ông Danh tin vào bà Phấn và tin vào NH Đại Tín thực hiện đúng quy định pháp luật và những tài sản của NH là chuẩn mực.

Ông Danh yên tâm việc, NH có dư nợ thấp và khoản vay rõ ràng chủ yếu cho nhóm Phú Mỹ và Công ty Phương Trang, yên tâm khoản vay có tài sản đảm bảo trong hồ sơ sổ sách. “Tôi từng làm bất động sản, việc chênh lệch 10-20% đã là quá lắm rồi nhưng nâng khống gấp 7-8 lần giá trị thực thì ngoài sức tưởng tượng. Nếu biết thực trạng như thế này thì không bao giờ tôi dám đụng vào. Đây là sai lầm rất lớn của tôi khi có niềm tin đối với bà Phấn" ông Danh trình bày.

Tại tòa, luật sư Hà Hải, người bảo vệ quyền lợi cho ông Danh khẳng định: Trong hồ sơ chuyển nhượng không có bất cứ thông tin nào liên quan đến việc mua đi bán lại căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch. Điều này chứng tỏ ông Danh đã mắc bẫy miếng bánh bất động sản của NH Đại Tín.

Ông Danh tin bà Phấn và NH Đại Tín là một, tin vào hồ sơ sổ sách chặt chẽ của NH. Và vì tin nên ông Danh đã dính bẫy vào hồ sơ sổ sách mà NH Đại Tín đưa ra. Khi mắc bẫy nên phải đâm lao, ông Danh đi vay khắp nơi để cứu NH. Nhưng mọi việc đã bị vỡ lở, ông Danh phải vào tù.

Kế hoạch bán NH hay bán những “vi phạm” của các cựu lãnh đạo NH Đại Tín

Những tưởng đã nhìn thấu được chân tướng của kịch bản “bẫy nợ” của nhóm bà Phấn và đồng phạm. Nhưng không ngờ đến ngày 17/1/2018 ông Danh lại thốt lên: “Bây giờ thông qua luật sư tôi mới được biết chính xác từ Kết luận điều tra rất rõ ràng các vấn đề trong NH Đại Tín. Riêng với khoản vay của Công ty Phương Trang chỉ nợ NH là 3.936 tỷ đồng chứ không phải 9.437 tỷ đồng, như bà Phấn và NH Đại Tín ghi nợ.” Như vậy sau 6 năm mua NH Đại Tín và cho đến khi bị kết án, đến một đại án khác, ông Danh mới phát hiện thêm một lần nữa mình bị lừa.

Hồ sơ điều tra cho thấy từ 2007 đến 2012, bà Phấn và đồng phạm tại NH Đại Tín đã thực hiện nhiều hành vi, thủ đoạn rút ruột NH trước khi đẩy sang cho ông Phạm Công Danh.

29 hồ sơ vay đứng giùm bà Phấn, trong đó có các thành phần là cựu lãnh đạo NH Đại Tín và một số thành viên nhóm Phú Mỹ. Nghĩa là, tại thời điểm này Phú Mỹ, Đại Tín và bà Phấn đã là ba trong một.

Chính vì là ba trong một, nên tài sản thế chấp của 29 hồ sơ vay chủ yếu là đất nông nghiệp của quận Nhà Bè và quận 2 được bà Phấn và đồng phạm “tô vẽ” bằng mồm là “đất dự án” để vay được 3.581 tỷ đồng từ NH Đại Tín.

Câu hỏi đặt ra là: Tài sản đất nông nghiệp này được định giá cao gấp 300-400 lần để vay vốn, có hay không việc các cựu lãnh đạo NH Đại Tín câu kết?

Đến nay Cơ quan Cơ quan Điều tra đã xác định giá trị thực tài sản của 29 hồ sơ vay này chỉ bằng 1/3 số tiền mà bà Phấn và đồng phạm đã lấy ra.

Thủ đoạn rút ruột NH từ 29 hồ sơ vay này, cũng như thủ đoạn mua bán căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch, đều bị nâng khống.

Ngoài ra, bà Phấn và các cựu lãnh đạo NH Đại Tín, còn nhiều thủ đoạn khác để rút ruột NH, số tiền lên tới 12.000 tỷ đồng.

Đầu năm 2012, NH Đại Tín đã mất vốn chủ sở hữu, âm vốn hàng ngàn tỷ. Lúc này bà Phấn và các cựu lãnh đạo NH Đại Tín tìm mọi cách bán cho ông Danh.

Vì muốn bán thật nhanh nên bà Phấn sẵn sàng cho ông Danh mượn tài sản để vay 500 tỷ ở NH Ocebank (trong vụ án Hà Văn Thắm). Cũng trong thời điểm này, ông Hoàng Văn Toàn, Trần Sơn Nam - cựu lãnh đạo NH Đại Tín đã nhanh chóng giải ngân 650 tỷ cho cho 2 công ty ảo của ông Danh vay tiền, giúp ông Danh có tiền ngay để mua NH Đại Tín.

Điều đó cho thấy, “kịch bản” bán NH Đại Tín cho ông Danh của bà Phấn và các cựu lãnh đạo NH Đại Tín không đơn giản là bán cổ phần mà là đi bán “xác chết” bán đi những “vi phạm”. Vì cùng chung một “hành vi phạm tội” nên các cựu lãnh đạo NH phải giúp bà Phấn bán NH Đại Tín cho nhanh.

Qua “kịch bản” bán NH Đại Tín cho thấy, bà Phấn không thể một mình làm mọi thứ nếu như không có các “đồng phạm” “bày trận”, trong việc sử dụng các nghiệp vụ  tài chính NH.

Cũng không thể nào có chuyện NH lập được gần 200 chứng từ thu chi khống, rồi đầy nợ 5.200 tỷ đồng cho Công ty Phương Trang, nếu không có sự câu kết giữa các cựu lãnh đạo NH với kế toán, cầm đầu là bà Phấn.

Ngoài ra, bà Phấn còn sắp xếp cho người nhà như em trai, em gái, cháu trai, cháu gái, họ hàng… vào giữ các vị trí chủ chốt trong NH. Và chính kịch bản do bà Phấn cầm đầu đã đẩy hàng loạt người nhà của chính bà Phấn phải đứng trước vành móng ngựa.

 Nghiêm Lan