Bán nhà hay vay lãi?

Trong bản kiến nghị gửi Báo Thanh tra, bà Trần Mai Anh (nạn nhân của vụ lừa đảo này) trình bày: Ngày 15/9/1998, bà Mai Anh mua một căn nhà của bà Nguyễn Thị Kim Dung (37 Tôn Đản, phường Phạm Hồng Thái, quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng) với giá 250 triệu đồng, tương đương 58 cây vàng. Việc mua bán này được xác nhận của UBND phường Phạm Hồng Thái, do ông Nguyễn Quang Tuất, Phó Chủ tịch UBND phường ký. Lấy lý do đang làm nhà mới nên Dung xin lưu trú lại nhà 1 năm.

Ngày 23/3/1999, bà Mai Anh mới biết đối tượng Dung (vay tiền của nhiều người, trong đó có Ngân hàng Thương mại cổ phần Hải Phòng - sau đây gọi là Ngân hàng) đã bỏ trốn. Căn nhà trên bị công an niêm phong, quản lý.

Khi đến làm việc với cơ quan điều tra, bà Mai Anh được biết, vào tháng 11/1998 (sau thời điểm bà Mai Anh mua nhà), UBND phường Phạm Hồng Thái lại xác nhận vào đơn xin vay tiền của Dung (vẫn khẳng định quyền sở hữu với căn nhà số 37 này) để đối tượng này vay tiền Ngân hàng.

Trước diễn biến kể trên, tháng 4/1999, Cơ quan CSĐT Công an TP Hải Phòng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can với Nguyễn Thị Kim Dung. Lấy lý do Dung bỏ trốn, chưa bắt được nên Cơ quan CSĐT chưa khởi tố với Nguyễn Bảo Khánh (là cán bộ văn thư phường) và Nguyễn Quang Tuất, Phó Chủ tịch UBND phường Phạm Hồng Thái, tội thiếu trách nhiệm.

Vì Cơ quan công an chưa bắt được Dung nên vụ án bị “dậm chân tại chỗ”, sau đó được tạm đình chỉ điều tra vào tháng 12/1999. Điều ngạc nhiên là, trong khi chưa giải quyết xong vụ án thì Cơ quan công an TP Hải Phòng lại xé niêm phong, giao nhà cho Ngân hàng quản lý, sử dụng, kinh doanh trước thời điểm tạm đình chỉ điều tra vài ngày.

Bà Mai Anh có đơn khiếu nại gửi các cơ quan chức năng, nhưng đến tận ngày 26/2/2003, Cơ quan CSĐT mới có Báo cáo số 632/BC gửi ông Đỗ Hữu Ca, Phó Giám đốc Công an TP Hải Phòng (nay là Giám đốc). Báo cáo nhận định, trước thời điểm bán nhà cho bà Mai Anh, bị can Dung đã từng dùng căn nhà này để thế chấp Ngân hàng vay tiền. Và thời điểm bán nhà, Dung vẫn còn nợ Ngân hàng 200 triệu đồng, chưa giải chấp. Mặc dù đã xác nhận việc mua bán nhà giữa bà Mai Anh với bị can Dung, nhưng ngày 17/11/1998, Tuất tiếp tục xác nhận căn nhà này cho Dung, thế chấp vào Ngân hàng để vay 100 triệu đồng...

Tuy nhiên, trên thực tế, việc vay tiền của Dung với Ngân hàng trước thời điểm bán nhà cho bà Mai Anh lại không hề có hợp đồng công chứng, không sổ đỏ (hay các giấy tờ xác nhận sở hữu nhà đất tại nhà 37 Tôn Đản) và không thông báo cho chính quyền địa phương. Điều này cho thấy, nhận định của Cơ quan CSĐT về việc vay nợ của Dung với Ngân hàng thế chấp bằng ngôi nhà 37 Tôn Đản là không có cơ sở pháp lý.

Khai nhận trước Cơ quan điều tra vào ngày 30/7/1999, ông Tuất khẳng định: Sau khi ký xác nhận vào giấy nhượng nhà 37 Tôn Đản vào ngày 15/8/1998 (thời điểm bị can Dung bán nhà cho bà Mai Anh), Tuất lại tiếp tục ký xác nhận cho Dung vay Ngân hàng 100 triệu đồng bằng thế chấp căn nhà 37 vào ngày 17/11/1998 là sai. Việc chứng nhận này đã tạo điều kiện cho Dung lừa đảo, chiếm đoạt của Ngân hàng 100 triệu đồng.

Khai rõ ràng là vậy, nhưng không hiểu sao trong các bản cung sau đó, nhất là sau thời điểm bị can Dung ra đầu thú thì Tuất lại nhận định, việc viết giấy bán nhà của Dung cho bà Mai Anh thực chất là vay nợ tiền, xác nhận để làm tin mà thôi...

Khi các cơ quan chức năng TP Hải Phòng “loanh quanh” không giải quyết đến đầu đến đũa các kiến nghị của bà Mai Anh, bỗng dưng bị can Dung ra đầu thú vào ngày 13/12/2010. Trong các lời khai của mình, Dung luôn khẳng định mình chỉ vay bà Mai Anh chứ không bán nhà. Tuy nhiên, việc vay nợ như thế nào, bao nhiêu tiền thì chẳng hề khớp giữa các lần khai. Và, ngày 20/12/2010, bị cáo Dung cùng gia đình nộp 250 triệu đồng cho Cơ quan điều tra gọi là “khắc phục hậu quả”!

Vụ án được “khởi động” lại và ngày 13/6/2011, Cơ quan CSĐT Công an TP Hải Phòng có bản Kết luận điều tra số 15/KLĐT. Ngày 26/7/2011, Viện KSND quận Hồng Bàng cũng đã có Cáo trạng số 66/CT-VKS. Tuy nhiên, cả Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát này đều có chung nhận định: Dung vay tiền của bà Mai Anh, có trả lãi hàng tháng. Việc vay mượn này chỉ viết giấy, không có tài sản thế chấp, không có xác nhận của chính quyền địa phương. Đến ngày 15/9/1998, Dung lại vay bà Mai Anh 150 triệu đồng để trả lãi Ngân hàng, lãi vay và kinh doanh, nhưng bà Mai Anh yêu cầu Dung phải ghi vào giấy vay tiền việc thế chấp căn nhà 37 Tôn Đản để ràng buộc trách nhiệm. Lý do UBND phường Phạm Hồng Thái xác nhận việc vay nợ thành mua bán nhà là vì phường không có chức năng xác nhận vay nợ. Nếu làm giấy bán nhà thì phường sẽ xác nhận. Thậm chí, Tuất còn thông báo cho bà Mai Anh là căn nhà này đã được thế chấp ở Ngân hàng. Đến ngày 20/3/1999, thấy không còn khả năng thanh toán trả nợ tiền vay Ngân hàng, nên vợ chồng Dung đã bàn giao căn nhà trên cho Ngân hàng (ủy quyền cho chị gái làm việc này), rồi Dung bỏ trốn.

Đối với Nguyễn Quang Tuất và Nguyễn Bảo Khánh (cán bộ UBND phường Phạm Hồng Thái) có hành vi xác nhận vào giấy nhượng nhà ở của Nguyễn Thị Kim Dung cho bà Trần Thị Mai Anh ngày 15/9/1998 có dấu hiệu của hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo khoản 2, Điều 221 Bộ luật Hình sự 1985, nhưng do thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đã hết nên Cơ quan điều tra Công an TP không khởi tố.

Ngày 9/1/2012, TAND quận Hồng Bàng đã đưa vụ án ra xét xử. Vẫn nhận định giống bản kết luận điều tra và cáo trạng, Hội đồng xét xử (HĐXX) đã tuyên xử phạt bị cáo Nguyễn Thị Kim Dung 36 tháng tù, nhưng cho hưởng án treo; trả cho bà Mai Anh 250 triệu đồng.

Chuyện chỉ có ở Hải Phòng


Đối chiếu với hồ sơ, chúng tôi thấy có nhiều điều bất ổn (cả trong kết luận điều tra, cáo trạng và bản án sơ thẩm). Đó là, việc Tuất thay đổi lời khai 180o (từ việc khẳng định chuyện mua bán nhà giữa bị can Dung với bà Mai Anh là có thật, đến việc nhận lỗi vì tiếp tục xác nhận vào giấy vay của Dung với Ngân hàng sau đó... rồi quay ngắt thành vay nợ giữa Dung và bà Mai Anh).

Khẳng định quan hệ làm ăn giữa Dung và bà Mai Anh là vay tiền để kinh doanh (có trả lãi hàng tháng, việc vay mượn thể hiện bằng viết giấy vay, không có tài sản thế chấp, không có xác nhận của chính quyền địa phương) nhưng Cơ quan điều tra lại không hề có chứng cứ chứng minh mà chỉ dựa vào lời khai một chiều của bị can Dung. Khẳng định là ngày 15/9/1998, Dung vay của bà Mai Anh 150 triệu đồng, nhưng phần cuối lại kết Dung phải trả bà Mai Anh 250 triệu đồng. Toàn bộ ghi nhận trong những lần ghi cung ban đầu của bà Mai Anh, Tuất và ngay chính trong bản Báo cáo 632 của Cơ quan CSĐT đều thể hiện có việc Dung bán nhà cho bà Mai Anh. Và, sau mua bán này, Tuất tiếp tục xác nhận nợ cho Dung vay Ngân hàng 100 triệu đồng bằng căn nhà 37 Tôn Đản vào ngày 17/11/1998, nay bỗng dưng “bay” khỏi bản Kết luận điều tra số 16, bản Cáo trạng số 66 và trong nhận định của HĐXX án sơ thẩm!

Nhiều nhận định của 3 loại văn bản trên đều dựa vào những lời khai không có căn cứ xác thực. Ngay trong những ngày đầu tranh chấp giữa Ngân hàng với bà Mai Anh về sở hữu căn nhà 37, phía Ngân hàng không có một chứng lý nào cho thấy việc vay tiền của bị can Dung được thế chấp bằng nhà này, thì sau đó lại xuất hiện giấy bàn giao nhà của vợ chồng Dung với Ngân hàng vào ngày 20/3/1999.

Vụ án bị “chìm xuồng” trong ít tháng điều tra, Dung trốn truy nã nên cả Tuất và Khánh được “hoãn” khởi tố. Ngay sau đó, Tuất điềm nhiên được phong lên Chủ tịch UBND phường Phạm Hồng Thái, tiếp tục lên làm cán bộ trên quận rồi TP cho đến nay. Đến khi hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự với Tuất và Khánh thì bỗng dưng Dung xuất hiện ra đầu thú. Tất cả lời khai của bị can Dung và “hoãn bị can” Tuất, Khánh đều chĩa mũi nhọn vào bị hại Mai Anh. Từ việc mua nhà 250 triệu đồng = 58 cây vàng, sau 14 năm thành chuyện “vay nợ”, được Tòa tuyên trả nguyên 250 triệu đồng = khoảng hơn 5 cây vàng.

Toàn bộ hành vi không chấp hành quy định của ngành Ngân hàng trong việc cho vay của một số cán bộ Ngân hàng được xác định trong Báo cáo 632 (theo báo cáo này, do chưa xác định được hậu quả nên Cơ quan điều tra chưa khởi tố bị can) cũng không được nêu trong Kết luận điều tra, cáo trạng và nhận định của HĐXX. Và, cũng từ việc vay nợ với Ngân hàng bằng những giấy tờ giả mạo, bằng sự vi phạm quy trình làm việc của cán bộ ngân hàng, Cơ quan CSĐT đã bỏ qua mọi quy định, nhanh chóng bàn giao nhà cho cơ quan này. Để rồi, HĐXX cho rằng, đây là giao dịch dân sự để Ngân hàng và bị cáo tự giải quyết.

Việc không gửi giấy mời luật sư của bà Mai Anh, không gửi giấy mời trực tiếp cho bị hại dự tòa, không chấp nhận giấy xin hoãn phiên tòa (khi bà Mai Anh đang điều trị tại bệnh viện) không thông báo kết quả xử án cho bị hại để họ thực hiện quyền kháng nghị theo luật định của HĐXX cấp sơ thẩm thuộc TAND quận Hồng Bàng ẩn chứa điều gì?

Mong rằng, HĐXX cấp phúc thẩm thuộc TAND TP Hải Phòng tránh được những khiếm khuyết này, đem lại công lý đúng như tôn chỉ mà Đảng và Nhà nước giao phó.

Lục Khả Bình