Bà Võ Thị Lĩnh từ chối lệnh triệu tập!

Như chúng tôi đã thông tin đến bạn đọc tại các số báo trước, việc Phan Xuân Lương mượn đất của Công ty Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm, sau đó lừa các hộ ông Triệu Vần Phúc và Đặng Chòi Chán là đất của mình và cho thuê lại để trục lợi được Công an huyện CưM’gar xác định là bất chính và “có dấu hiệu tội phạm". 

Căn cứ tài liệu thu thập xác minh vụ việc, trình tự thủ tục pháp luật quy định, ngày 29/12/2017, cơ quan này đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Triệu tập bà Võ Thị Lĩnh (vợ ông Phan Xuân Lương) - người được cơ quan chức năng xác định có liên quan đến vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại xã Ea KIết 

Ngày 9/3/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện CưM’gar đã có giấy triệu tập bà Võ Thị Lĩnh, yêu cầu công dân này trực tiếp ký nhận. 

Tuy nhiên, sáng ngày 18/3/2018, Đại úy Đoàn Trường Sơn - điều tra viên trực tiếp điều tra vụ án này xác nhận với PV, bà Lĩnh đã tự tay viết vào tờ giấy biên nhận với nội dung từ chối nhận giấy triệu tập, đồng thời bày tỏ thái độ không chấp hành lệnh triệu tập của cơ quan công an. 

Trả lời câu hỏi của PV xung quanh động thái của bà Võ Thị Lĩnh - công dân được cơ quan chức năng xác định người có liên quan đến vụ án “ lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, ông Sơn cho biết, sẽ báo cáo sự việc này lên lãnh đạo và ý kiến chỉ đạo.

Hàng loạt vụ người dân nộp sản lượng bị phá hoại tài sản

Đó là sự thật đã và đang hiện hữu tại địa bàn xã Ea Kiết, huyện CưM’gar khiến người dân hoang mang, lo sợ. Họ khẩn cầu sự vào cuộc quyết liệt từ phía các cơ quan chức năng, đặc biệt là các phòng, ban nghiệp vụ của Công an tỉnh Đắk Lắk.

Ngay sau loạt bài đăng trên Báo Thanh tra, những phán quyết của tòa án các cấp, nhiều hộ dân nhận khoán với Công ty Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm đã nhận thức được vấn đề và thấy rõ bộ mặt thật của những kẻ kích động, chống đối. Họ đã chủ động chấp hành nghĩa vụ đóng sản lượng theo đúng hợp đồng giao khoán.


Phán quyết của Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk cho thấy sự thật về những lời hứa hão của những kẻ xúi giục kích động   

Khi không còn lôi kéo được những hộ dân này, các đối tượng giấu mặt đã ngay lập tức giở trò bằng hàng loạt vụ hủy hoại tài sản của người dân.

Từ đầu năm 2017 đến nay, hàng chục hộ dân tại xã Ea Kiết đã bị kẻ xấu chặt phá cây hồ tiêu. Theo xác nhận của cơ quan chức năng, tính đến nay đã có gần 200 gốc hồ tiêu trên địa bàn bị chặt phá, với tổng thiệt hại hơn 100 triệu đồng. Trong đó, thiệt hại nặng nhất là gia đình ông Nguyễn Xuân Trường (trú tại thôn 5). Ngay sau khi chủ động lên công ty nộp sản lượng về thì trong một đêm, gia đình này đã bị chặt hạ 61 gốc hồ tiêu, loại đang trong thời kỳ cho thu hoạch.

Nạn nhân của những vụ hủy hoại tài sản này được xác định là cán bộ, công nhân viên của Công ty Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm và những người dân chấp hành tốt việc thực hiện hợp đồng giao khoán với công ty này.

Liên quan đến những vụ xúi giục người dân vi phạm hợp đồng giao khoán với Công ty Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm, từ cuối năm 2017 đến đầu năm 2018, Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã mở 4 tòa, xét xử phúc thẩm 4 vụ kiện vi phạm nghĩa vụ trả nợ tiền thuê khoán tài sản.

Tại các bản án của 4 vụ án dân sự này, Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã quyết định: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện và khởi kiện bổ sung của Công ty Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm; giữ nguyên bản án sơ thẩm, không chấp nhận kháng cáo của bị đơn (các hộ nhận khoán vi phạm hợp đồng giao khoán); buộc bị đơn phải trả nợ cho nguyên đơn là Công ty Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm theo đúng như thỏa thuận trong hợp đồng giao khoán.

Những luận điệu xuyên tạc, vu khống bị Báo Thanh tra vạch trần. Cùng với phán quyết của tòa án đã làm cho các hộ dân ban đầu có nhận thức suy nghĩ khác nay  thức tỉnh và thay đổi sau một thời gian dài, họ đã nhẹ dạ nghe theo lời hứa hão của những kẻ xúi giục kích động vi phạm những thỏa thuận trong hợp đồng giao khoán mà chính họ đã ký chỉ để cho những kẻ cầm đầu mưu lợi. 

 Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này đến bạn đọc trong các bài viết tiếp theo!

Nhóm PV