Thực tế xây dựng hiện nay, một số chủ đầu tư xây dựng khu nghỉ dưỡng đã dùng dây thép gai rào chặn lối đi xuống biển của người dân; xây dựng các hạng mục công trình nằm chênh vênh trên đá, chiếm diện tích mặt nước biển; xây dựng một số hạng mục công trình chưa bảo đảm chất lượng và nằm trong hành lang an toàn quốc lộ 1D. Đây là những gì đang diễn ra tại các khu nghỉ dưỡng điểm du lịch số 9E, 9F và số 10 dọc tuyến đường Quy Nhơn - Sông Cầu, TP Quy Nhơn.

Bít lối đi xuống biển…

Tại khu nghỉ dưỡng Ami Resort & Spa, các công trình xây dựng chênh vênh trên đá và lấn ra mặt nước biển. Ảnh: TH

Khu nghỉ dưỡng Avani Quy Nhơn của Công ty TNHH Du lịch Bãi Dài (Cty Du lịch Bãi Dài) Quy Nhơn, tọa lạc bên cạnh quốc lộ 1D, thuộc khu vực Bãi Dài, phường Ghềnh Ráng hiện đã xây xong và đi vào khai thác du lịch. Khi công trình xây xong cũng là lúc người dân địa phương không còn quyền tự do đi xuống biển. Tiếp giáp khu nghỉ dưỡng Avani Quy Nhơn là khu nghỉ dưỡng Ami Resort & Spa của Công ty TNHH Đầu tư Phát triển kỹ thuật Đông Nam (Cty Đông Nam). Kề đó, khu du lịch nghỉ dưỡng Quy Nhơn Sea của Công ty TNHH Sài Gòn Max (Cty Sài Gòn Max). Cả ba khu nghỉ dưỡng này xây liền nhau không chừa một khoảng trống nào để tạo con đường nhỏ cho người dân xuống biển. 

Nhiều người dân phản ánh, doanh nghiệp tự ý chiếm lối đi bằng cách lắp dây thép gai chặn hết xuống biển. Mỗi khi cần xuống biển, họ phải lén chui qua hàng rào thép gai để đi và nếu gặp bảo vệ của khu nghỉ dưỡng liền bị đuổi ra ngoài. Nghĩa là chủ đầu tư khu nghỉ dưỡng tự cho mình cái quyền chiếm hữu biển như một tài sản riêng và không cho ai được sử dụng chung.

Ông P., một người dân sinh sống ở khu vực 1, phường Ghềnh Ráng chia sẻ: Trước đây, chưa có các công trình dự án, con đường xuống bãi Chồn rất dễ dàng. Con đường dân sinh đã được hình thành từ năm 1968, nhưng nay không còn nữa, bởi các chủ đầu tư các khu nghỉ dưỡng đã rào chắn hết lối đi. Trước đây người dân để ghe, tàu thuyền nơi đây nên có đường xuống biển.“Đường xuống biển không chỉ để mưu sinh mà còn giúp cứu người đuối nước. Lấy một dẫn chứng, cách đây hai năm có người bị đuối nước, nhưng vì không có đường xuống biển cứu kịp thời, người phụ nữ đó đã chết rất thương tâm. Chúng tôi đề nghị ba khu nghỉ dưỡng này xây dựng phải chừa lối đi cho người dân xuống biển, không thể xây liền nhau bít kín như thế này. Họ không chỉ xây bít lối đi xuống biển mà còn xây dựng công trình lấn biển, trên đá và vi phạm hành làng an toàn quốc lộ 1D”, ông P. bức xúc nói.

Cùng chung quan điểm với ông P., ông T. cho rằng, các cấp, ngành chức năng cần đòi lại, trả lối đi xuống bãi Chồn, vì bãi biển là của chung, cần trả lại cho cộng đồng, chứ đâu phải do doanh nghiệp tạo ra mà đòi chiếm hữu.

...Và, “cát cứ” để xây dựng trái phép

Khu du lịch nghỉ dưỡng Quy Nhơn Sea cho máy múc, đào đổ đất, đá lấn xuống sát mép nước biển để xây dựng. Ảnh: TH

Không những tự rào chắn bằng thép gai, chặn lối đi xuống biển mà các chủ đầu tư khu du lịch nghỉ dưỡng đã và đang xây dựng mang đến nhiều hệ lụy, mối lo ngại cho người dân địa phương, cũng như phá vỡ đi vẻ đẹp cảnh quan thiên nhiên vùng biển Quy Nhơn xinh đẹp, hiền hòa mà tạo hóa đã ban tặng.

Từ phản ánh của người dân, chúng tôi tiếp cận gần hơn với hiện trường xây dựng các khu nghỉ dưỡng. Tại khu nghỉ dưỡng Ami Resort & Spa của Cty Đông Nam, chúng tôi phát hiện một bể chứa nước xây dựng gần sát hành làng an toàn quốc lộ 1D và đang xây rào bao quanh khu vực. Còn nữa, khu nghỉ dưỡng này cùng với khu du lịch nghỉ dưỡng Quy Nhơn Sea của Cty Sài Gòn Max đều xây lấn trên mặt nước biển, đổ đất đá tràn xuống mặt biển. 
Đáng nói hơn, khu nghỉ dưỡng Ami Resort & Spaxây các hạng mục trong dự án nằm chênh vênh trên đá. Những trụ bê tông thanh mảnh cắm trên bãi đá, bị sóng lớn vỗ liên tục rất nguy hiểm. Chính vì thế,  cóngười dân nơi đây đặt câu hỏi: Liệu công trình này có đảm bảo lâu dài khi đi vào khai thác du lịch, nghỉ dưỡng nhiều năm sau?

Qua trao đổi với CTV Báo Thanh tra, ông Võ Chí Thiện, Chủ tịch UBND phường Ghềnh Ráng cho biết: UBND phường đã nhận thông tin phản ánh của người dân, tuy nhiên chúng tôi phải kiểm tra hiện trạng bản đồ trước kia có đường hay không; trước khi dự án hình thành thì đã có đường hay chưa. UBND tỉnh cấp đất cho chủ đầu tư các khu nghỉ dưỡng có con đường hay không có. Như vậy, chúng tôi mới trả lời báo chí và người dân được. Còn việc xây dựng như thế nào, có đúng theo giấy phép xây dựng và thiết kế hồ sơ dự án hay không thì UBND phường không có thẩm quyền kiểm tra.

Trong khi đó, ông Trần Viết Bảo, Giám đốc Sở Xây dựng Bình Định cho biết: Qua hình ảnh cung cấp của các cơ quan báo chí về các khu nghỉ dưỡng: Avani Quy Nhơn, Ami Resort & Spa và Quy Nhơn Sea tự rào chắn bằng thép gai để bít lối đi xuống biển cũng như xây dựng công trình trên đá lấn ra biển… Sở sẽ cử cán bộ chuyên môn đến kiểm tra những nội dung trên và trả lời cho báo chí. Đồng thời, Sở Xây dựng sẽ kiểm tra chất lượng công trình tại dự án khu nghỉ dưỡng Ami Resort & Spa của Cty Đông Nam.

CTV Thanh Hòa