Tuy nhiên, đến nay đã hơn 3 năm trôi qua, DA TĐC cho người dân vẫn chưa hoàn thiện nên các hộ thuộc diện di dời vẫn chưa chịu nhận đất TĐC…

DA Hạ tầng kỹ thuật Khu TĐC Trung tâm Hòa Bắc triển khai trên diện tích hơn 26ha do Ban Quản lý (BQL) DA Đầu tư xây dựng công trình giao thông Đà Nẵng làm chủ đầu tư, dự kiến hoàn thành vào tháng 1/2018.

Trước những bức xúc của người dân bị giải tỏa phải chờ đợi đã hơn 2 năm qua để nhận đất TĐC ổn định cuộc sống, BQL cam kết đến cuối tháng 6/2018 sẽ hoàn thành DA.

Nước sinh hoạt ở Khu TĐC Hòa Bắc quá yếu, không đủ cung cấp nước cho người dân vào mùa nắng. Ảnh: NP

Mãi đến ngày 10/5/2019, Ban Giải phóng mặt bằng UBND huyện Hòa Vang có thông báo cho người dân nhận đất TĐC và nộp tiền sử dụng đất, với nội dung: “Hiện nay, Ban Giải phóng mặt bằng huyện Hòa Vang đã tiếp nhận quỹ đất thực tế từ BQL DA Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP, các lô đất đã có hạ tầng kỹ thuật, đủ điều kiện để giao đất thực tế cho các hộ xây dựng nhà ở… Cụ thể: Khu TĐC Trung tâm xã Hòa Bắc  -  Phân khu B2-3 có từ lô số 9 đến lô 25 và từ lô 28 đến lô 35; Phân khu B2-8 có từ lô 73 đến lô 92”.

Nghe thông báo, người dân bị giải tỏa phấn khởi và 17 hộ gia đình ở  thôn Phò Nam đến đăng ký nhận 29 lô đất TĐC. Tuy nhiên, khi ra hiện trường để nhận đất, cơ sở hạ tầng kỹ thuật vẫn dang dở; chưa được khớp nối hoàn chỉnh; chỉ là khu đất trống chưa có đường điện chiếu sáng, điện sinh hoạt, chưa có nước sinh hoạt, đường giao thông, hệ thống cây xanh...

Ông Hồ Phú Sâm, Trưởng thôn Phò Nam cho biết, sau khi có ý kiến phản ánh người dân, cuối năm 2019, chủ đầu tư DA tiến hành hoàn thiện một số hạng mục như: Thảm nhựa hệ thống đường giao thông, kéo điện sinh hoạt, lắp đặt hệ thống nước sinh hoạt và trồng cây xanh tại khu TĐC. Đến thời điểm này, mới chỉ có 17 hộ dân đăng ký nhận đất TĐC, nhưng vẫn chưa xây dựng nhà ở, hàng chục hộ dân khác còn dùng dằng chưa đăng ký nhận đất TĐC, vì nhiều lý do như:

Bờ kè bao dọc khu TĐC nằm sát với bờ sông Cu Đê có chiều dài hơn 500m, nhưng chỉ gia cố bằng đất, chưa xây dựng kiên cố; người dân lo sợ khi mùa mưa lũ đến, nước sông dâng cao làm bờ kè sạt lở, gây nguy hiểm đến tính mạng, tài sản của các hộ dân tại khu TĐC.

Bên cạnh đó, dọc bờ kè này có nhiều miệng cống từ hệ thống thoát nước của khu TĐC và một cống lớn thoát nước từ trên đường Hồ Chí Minh đổ xuống, chảy qua khu TĐC rồi đổ thẳng ra cánh đồng sản xuất nông nghiệp hơn 30ha của người dân; nếu không được xử lý, thì mùa mưa lũ đến, nước từ miệng cống tuôn ra sẽ tàn phá diện tích hoa màu, tài sản của người dân khu TĐC và cả thôn Phò Nam.

Hệ thống nước sinh hoạt khu TĐC được thi công quá nhỏ, nguồn nước tự chảy dẫn từ Khe Dâu về quá yếu, vào mùa nắng không thể cung cấp đủ nước sinh hoạt cho người dân ở trong khu TĐC. Người dân đề nghị cần phải xây dựng một bể trụ trên cao để trữ nước, rồi từ đó mới phân phối về các hộ dân, mới có thể đủ nước dùng sinh hoạt.

Theo quan sát của PV, tại khu đất TĐC Trung tâm xã Hòa Bắc có hơn 1/3 nền đất bị dốc, không bằng phẳng; nếu muốn xây dựng nhà, ít nhất phải đổ đất cao khoảng 2m nữa, rất tốn công sức và tiền bạc; mà đa phần khu TĐC là hộ khó khăn thì không thể làm được.

Ông Hồ Phú Sâm nói thêm: “Người dân không thể làm nhà được do đất nền bị nghiêng, chúng tôi đã làm tờ trình yêu cầu đơn vị thi công, chủ đầu tư nâng một đầu lên cho bằng phẳng nhưng không được. Giờ muốn làm nhà thì phải tự nâng lên, chứ nền đất dốc như vậy sao làm được".

Ý kiến người dân đã được phản ánh lên chính quyền và ngành chức năng, tuy nhiên BQL cho rằng, các hạng mục bờ kè, hệ thống xử lý thu gom nước, bồn chứa nước sinh hoạt không có trong thiết kế DA, nên không có kinh phí để thi công các hạng mục này.

Về những bức xúc của người dân, ông Thái Văn Hoài Nam, Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc cho biết, UBND xã đã tiến hành kiểm tra thực trạng là đúng như ý kiến người dân phản ánh. UBND xã đã có báo cáo gửi UBND huyện, đề nghị UBND TP xem xét, cấp thêm kinh phí để hoàn thiện các hạng mục còn chưa hoàn chỉnh như đã nêu trên.

 Nguyên Phê