43 năm liên tục kêu oan

Trong quá trình đi buôn thuốc lào, vào tối 23/6/1970, ông Trần Văn Thêm (xã Yên Phụ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) cùng người em họ (Nguyễn Khắc Văn) có ghé ngủ tại một lều cắt tóc cạnh Cầu Diện, xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phú (nay thuộc tỉnh Vĩnh Phúc). Nửa đêm, có kẻ cướp tấn công hai anh em. Khi 2 người chống cự, kêu cứu thì tên cướp bỏ chạy.

Ông Thêm kể: “Khi dân làng đến cứu thì tôi đang bị thương, trên tay cầm chiếc cọc xe thồ dính máu, còn ông Văn bị thương nặng nằm tại chỗ, được đưa đi bệnh viện cấp cứu, sau đó tử vong. Căn cứ vào tài sản không bị mất, cướp không thấy, chỉ thấy lúc đó trên tay tôi đang cầm cọc thồ dính máu nên cơ quan tố tụng ép cung buộc tội tôi là hung thủ”.

Mặc dù kêu oan, nhưng ông Thêm vẫn bị các cơ quan tố tụng tỉnh Vĩnh Phúc và Trung ương tuyên tội giết người với mức án tử hình.

Năm 1975, sau khi phạm nhân Phan Thanh Nhàn khai mình chính là hung thủ giết hại ông Văn vào đêm 23/6/1970, Ủy ban Thẩm phán Tòa án Tối cao đã mở phiên toà theo thủ tục Giám đốc thẩm tuyên hủy toàn bộ 2 bản án phúc thẩm, sơ thẩm và giao hồ sơ để cơ quan công an điều tra, xử lý lại theo quy định của pháp luật. Trên cơ sở này, cơ quan công an đã tạm tha cho ông Thêm, với giải thích là do có vết thương trên đầu nên Bộ Công an cấp cho một giấy miễn lao động nặng. Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, việc điều tra vẫn chưa được thực hiện, về mặt pháp lý vẫn chưa có quyết định đình chỉ hoặc tiếp tục truy tố đối với ông Trần Văn Thêm. Gần nửa thế kỷ qua, ông Thêm sống với nỗi oan sai khổ nhục, là tù nhân giết em để cướp của.

Sau khi được tạm tha, ông Trần Văn Thêm đã có nhiều đơn kêu oan đến các cơ quan cao nhất của Đảng, Quốc hội, cơ quan tiến hành tố tụng.

Ngày 7/3/2005, TAND Tối cao có Công văn số 1537/CV/PT trả lời khiếu nại yêu cầu bồi thường của ông Thêm với nội dung, nếu bị xét xử oan thì phải có tuyên bố ông không phạm tôi giết người, và phải có quyết định đình chỉ vụ án.

Vì vậy đơn khiếu nại của ông đề nghị được bồi thường thiệt hại cho người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra theo Nghị quyết 388 ngày 17/3/2003 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội là không có căn cứ.

Không cam lòng, ông Thêm vẫn tiếp tục kêu oan. Tại Công văn số 72/TA-TCCB ngày 2/10/2006 của TAND tỉnh Phú Thọ nêu: “Theo nội dung đơn của ông thể hiện vụ án đã xảy ra từ năm 1970, trong thời kỳ chiến tranh, toàn bộ hồ sơ các vụ án chuyển đi sơ tán nhiều nơi, do vậy hầu hết các vụ án thời kỳ này đã bị thất lạc.

Đến nay Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ không còn quản lý hồ sơ các vụ án đó. Mặt khác, theo quy định của pháp luật, người khiếu kiện hoặc có yêu cầu phải cung cấp cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết những tài liệu cần thiết cho yêu cầu của mình. Để có cơ sở xem xét nội dung đề nghị của ông, TAND tỉnh Phú Thọ yêu cầu ông cung cấp cho TAND tỉnh những tài liệu chứng minh cho đề nghị của mình”.

Nếu ông Thêm có đủ giấy tờ thì làm sao ông phải kêu cứu gian nan hàng chục năm như vậy? Tài liệu chứng cứ nằm ở hồ sơ của các cơ quan Nhà nước, ở các cơ quan tiến hành tố tụng chứ không nằm trong tay của người tù nên việc yêu cầu ông phải nộp tài liệu chứng cứ là sự bất hợp lý của pháp luật.

Đi đến cơ quan tiếp dân, cơ quan nào, cán bộ cũng đòi hỏi ông phải cung cấp tài liệu, chứng cứ. Và, nhiều năm qua, mặc dù đã tiếp nhận rất nhiều lá đơn của ông Thêm, các cơ quan chức năng vẫn chưa vào cuộc quyết liệt để giải quyết oan sai cho ông.

Công lý đã đến

Mọi việc chỉ được khơi thông khi ông gặp được luật sư Vũ Văn Lợi (Công ty Luật Hòa Lợi). Sau khi tiếp nhận thông tin, luật sư Lợi đã có công văn tới Giám đốc Công an tỉnh Bắc Ninh đề nghị xác minh và cung cấp hồ sơ liên quan đến vụ án ông Trần Văn Thêm. Cuối năm 2014, Phòng Hồ sơ Công an tỉnh Bắc Ninh có văn bản phúc đáp khẳng định đang lưu giữ hồ sơ vụ án giết người mà bị can trong vụ án có tên Trần Văn Thêm.

Ngay lập tức, luật sư Lợi đã tới Công an tỉnh Bắc Ninh để tiếp nhận, sao chụp hai bản án liên quan đến vụ án ông Thêm. Chính từ hai bản án này, nội dung vụ án đã dần dần được sáng tỏ. Luật sư Lợi cùng với các nhà báo tìm đến người trực tiếp thụ lý vụ án năm xưa để xác minh tiếp.

Ngoài ra, luật sư cũng lặn lội về Vĩnh Phúc để xác minh vụ việc, gặp những cán bộ công an trước đây đã điều tra vụ án. Từ các chứng cứ thu thập được, luật sư Lợi đã có văn bản lên các cơ quan chức năng Trung ương, có ý kiến về vụ án oan này.

Ngày 6/8/2016, đích thân Phó Chánh án TAND Tối cao Bùi Ngọc Hòa đã về quê, gặp ông Thêm để thăm hỏi và tìm hiểu thêm một số tài liệu, chứng cứ liên quan. Chiều 9/8/2016, TAND Tối cao đã họp liên ngành, sau đó công bố kết luận ông Trần Văn Thêm bị kết án oan.

Sáng ngày 11/8/2016, liên ngành Tư pháp Trung ương tổ chức buổi công bố quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với ông Trần Văn Thêm và công khai xin lỗi ông. Như vậy, chỉ sau hai ngày xác định ông Thêm bị oan, liên ngành Tư pháp Trung ương đã đi đến quyết định nhanh chóng, hợp lòng dân.

Minh Hà