Ngày 18/11, Bộ Công thương phối hợp với UBND TP Hồ Chí Minh, Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham Vietnam) tổ chức Diễn đàn Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ năm 2020 với chủ đề “25 năm quan hệ kinh tế, thương mại và con đường phía trước”.

Tại diễn đàn, các ý kiến đã nhận định về xu hướng chính sách mới của Hoa Kỳ và Việt Nam cũng như đánh giá về những tác động đối với hoạt động xuất nhập khẩu song phương. Đồng thời, chia sẻ về phương thức tiếp cận, phát triển thị trường; đưa ra giải pháp phát triển xuất nhập khẩu, thu hút chuỗi cung ứng và FDI trong tình hình mới.

Ông Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Trường Đại học Fulbright tại Việt Nam phân tích: “Khi dịch Covid-19 bùng phát ở Việt Nam, chúng tôi suy nghĩ Việt Nam là nền kinh tế dễ bị tổn thương do Việt Nam là nền kinh tế mở. Nhưng nhìn lại gần hết năm 2020 thì tính mở của nền kinh tế lại giúp Việt Nam là nền kinh tế có tăng trưởng, bên cạnh yếu tố quan trọng là kiểm soát dịch Covid-19 tốt”.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hồ Chí Minh Lê Thanh Liêm, trong chặng đường 25 năm qua, quan hệ thương mại giữa Việt Nam nói chung, TP Hồ Chí Minh nói riêng với Hoa Kỳ liên tục phát triển nhanh và ấn tượng. Đây là nền tảng quan trọng, góp phần thúc đẩy quan hệ giữa hai nước.

Kim ngạch thương mại TP Hồ Chí Minh - Hoa Kỳ tiếp tục đà tăng trưởng, mặc dù trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Năm 2019, xuất khẩu của TP sang Hoa Kỳ đạt 6,7 tỷ USD, tăng hơn 23% và 11 tháng đầu năm 2020 ước đạt 6,1 tỷ USD. Trong đó, các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu gồm đệt may, máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện điện tử, giày dép, máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng, sản phẩm gỗ, túi xách…

leftcenterrightdel

Đại biểu thảo luận tại diễn đàn. Ảnh: TN 

Về nhập khẩu, năm 2019, TP nhập khẩu từ Hoa Kỳ đạt 2,3 tỷ USD, tăng 5,3% và 11 tháng 2020 ước đạt 2,3 tỷ USD. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu của doanh nghiệp TP gồm máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng…

Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, trong những năm gần đây, quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ không ngừng được phát triển. Nhiều vấn đề tiếp cận thị trường đã được giải quyết kịp thời, hiệu quả, nhiều hợp đồng thương mại trị giá hàng chục tỷ USD đã được ký kết.

Hàng hóa do Việt Nam và Hoa Kỳ sản xuất hiện diện ngày càng nhiều trong đời sống thường ngày của người dân 2 nước. Các nhà đầu tư Hoa Kỳ cũng đầu tư vào hơn 20 lĩnh vực kinh tế, đứng thứ 11 trong số các nhà đầu tư hàng đầu vào Việt Nam. Hầu hết các tập đoàn lớn nhất của Hoa Kỳ đều đã có mặt tại Việt Nam.

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương, tính chất bổ trợ của 2 nền kinh tế được thể hiện rõ trong việc Hoa Kỳ có nhu cầu nhập khẩu những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh của Việt Nam như dệt may, da giày, đồ gỗ, thủy sản, điện thoại, thiết bị điện tử… Trong khi Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu các loại máy móc, công nghệ nguồn, sản phẩm nông nghiệp, nguyên vật liệu… để đáp ứng tốc độ tăng trưởng cao và sự mở rộng rất nhanh của nền kinh tế.

Đây cũng là lý do kim ngạch thương mại 2 chiều Việt Nam - Hoa Kỳ đã duy trì tăng trưởng ổn định với tốc độ ấn tượng trong suốt 25 năm, đạt kỷ lục 75,7 tỷ USD vào năm 2019.

“Ở góc độ quản lý Nhà nước, chúng tôi kêu gọi và khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam chủ động nghiên cứu nhập khẩu từ Hoa Kỳ các hệ thống máy móc, thiết bị, công nghệ cao phục vụ sản xuất, xuất khẩu. Sản xuất và xuất khẩu đi Hoa Kỳ bằng chính công nghệ, nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ Hoa Kỳ, gắn với xây dựng chuỗi cung ứng khép kín sẽ là bước đi chắc chắn, nhanh và hiệu quả nhất cho doanh nghiệp”, ông Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.

Tuấn Nhật