Ngày 7/9, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức phiên giải trình về thực trạng, giải pháp phát triển điện lực đến năm 2030 nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội.

Nguy cơ thiếu điện trong 5 năm tới

Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, 5 năm gần đây, nhu cầu điện tăng cao nhưng tăng trưởng nguồn điện giảm đáng kể, bình quân chỉ đạt 8% một năm. Hai nguồn điện đóng góp lớn trong tỷ trọng cơ cấu nguồn là thuỷ điện và nhiệt điện than chỉ đạt bình quân lần lượt 5% và 10%.

Nguyên nhân là thủy điện đã khai thác gần hết; nhiệt điện than gặp nhiều khó khăn trong công tác xây dựng. Năng lượng tái tạo có sự bùng nổ về số lượng dự án và công suất đưa vào vận hành nhưng tỷ trọng thấp. Nhiệt điện khí và dầu không phát triển mới trong suốt giai đoạn 2011 - 2019.

Tổng công suất các nguồn điện truyền thống có thể đưa vào vận hành trong giai đoạn 2016-2020 chỉ đạt gần 60%. Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, giai đoạn 2016-2030 có 116 dự án nguồn điện cần đầu tư và đưa vào vận hành. Song thực tế hàng loạt dự án điện lớn đã không được thực hiện.

Cạnh đó, chính sách với ngành điện còn thiếu đồng bộ, chậm đổi mới, nguồn lực đầu tư hạn chế, dàn trải. Các địa phương không có sự phối hợp trong triển khai dự án điện, một số nơi chưa nghiêm túc thực hiện quy hoạch được duyệt.... "Đây là nguy cơ thiếu điện trong 5 năm tới", ông Tuấn Anh nói.

leftcenterrightdel
Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh. Ảnh: H.G 
 

Về cân đối cung cầu điện giai đoạn 2021-2030, Bộ trưởng Công Thương nhận định, do ảnh hưởng của Covid-19, nhu cầu phụ tải giai đoạn tới về cơ bản thấp hơn so với các kết quả dự báo trước đây. Nhu cầu điện thương phẩm sẽ duy trì mức tăng khoảng 8% trong giai đoạn 2021-2030. Năm 2025 dự kiến đạt khoảng 337,5 tỷ kWh và năm 2030 dự kiến đạt khoảng 478,1 tỷ kWh.

Công suất nguồn điện năm 2030 dự kiến khoảng 138.000 MW, trong đó nhiệt điện than chiếm 27%, nhiệt điện dầu và khí khoảng 19%, thủy điện 18%, điện gió và mặt trời tầm 28%, nhập khẩu 5%, còn lại là nguồn khác.

Giá điện “chỉ tăng, chưa bao giờ giảm”

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu, hiện giá điện đầu vào và giá điện bán ra chưa bám sát cơ chế kinh tế thị trường. “Điều này có làm giảm động lực phát triển của điện năng?", ông Hiển hỏi.

Quan tâm đến giá điện, theo Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách Hoàng Quang Hàm, từ 2011 đến nay đã 9 lần điều chỉnh giá điện nhưng đều tăng chứ chưa bao giờ giảm.

leftcenterrightdel
ĐB Hoàng Quang Hàm. Ảnh: H.G 
 

“Có thời điểm hỗ trợ tiền điện phải nộp do kinh tế khó khăn áp dụng trong thời gian ngắn như Covid vừa qua nhưng không phải là giảm giá thành điện bán lẻ”, ông Hàm nói và đề nghị Bộ Công Thương giải trình trách nhiệm khi "chưa nỗ lực hết mình để giảm giá thành bán lẻ điện".

Tư lệnh ngành Công thương cho hay, “chúng ta đang hướng tới mục tiêu xây dựng thị trường điện cạnh tranh”. Hiện, mới hình thành thị trường phát điện cạnh tranh, thị trường bán buôn điện cạnh tranh. Còn thị trường bán lẻ điện cạnh tranh thì đến năm 2024 hoàn thành.

 “Chúng tôi cũng thấy tiếc và bức xúc khi chưa giảm được giá điện nhưng tới đây khi hình thành thị trường điện cạnh tranh thì câu chuyện giá điện sẽ thực sự công khai, minh bạch. Tôi tin rằng lúc đó giá điện có lên, có xuống và phù hợp với sự vận hành của thị trường”, ông Tuấn Anh nêu.

Bộ trưởng Công thương nói thêm, thời gian qua, dù mong muốn xây dựng giá điện theo cơ chế thị trường nhưng theo Luật Giá, vai trò của Nhà nước phải điều tiết giá và hỗ trợ cho các đối tượng an sinh xã hội, người nghèo.

Trao đổi lại, theo ĐB Hàm, trong Quy hoạch điện VIII tới đây, Quy hoạch điện VII điều chỉnh, ngoài tính đủ điện cũng phải tính tỷ trọng các nguồn điện theo yếu tố giá để bảo đảm “đủ điện nhưng giá thấp”. “Điện khí, điện than nhập khẩu giá cao thì phải giảm xuống để dùng năng lượng tái tạo”, ông Hàm ví dụ.

Không để lợi ích cục bộ của bộ, doanh nghiệp chi phối

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách mong Bộ trưởng Công thương quan tâm đến việc tạo cơ chế thị trường cạnh tranh như khí VPGas nếu đấu thầu mua với giá thấp nhất thì phải tạo điều kiện. “Nhà nước độc quyền về giá điện, nhưng là độc quyền Nhà nước chứ không phải độc quyền doanh nghiệp”, ông Hàm lưu ý.

Ngay sau đó, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế Đỗ Văn Sinh nhấn mạnh: “Bộ trưởng có nói thị trường bán buôn cạnh tranh đã có, nhưng tôi thấy bán buôn hiện đang tập trung vào Tập đoàn Điện lực (EVN)”.

leftcenterrightdel
 Toàn cảnh phiên giải trình. Ảnh: H.G
 

Theo ông Sinh, 5 tổng công ty điện lực (Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, miền Trung, miền Nam, TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh) tham gia mua điện trên thị trường điện vẫn thuộc EVN “cái bánh bán buôn như vậy có đảm bảo minh bạch, công bằng, cạnh tranh hay không”, ông Sinh băn khoăn.

Sau giải thích của Bộ trưởng Công Thương, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, hiện giá mua điện chưa hấp dẫn, lợi tức đem lại thấp, khó có thể thu hút các nhà đầu tư.

“Thiếu điện thì người cung cấp khốn khổ mà người thụ hưởng càng khổ hơn. Nếu giá điện tính không hợp lý cả khâu mua và bán sẽ là nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp tới an ninh năng lượng", ông Hiển nhận xét.

Để khắc phục cách tính chưa hợp lý, Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Bộ Công Thương tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện giá bán buôn, bán lẻ điện với nguyên tắc theo cơ chế thị trường, tính đúng, đủ và tạo nguồn lực tài chính tái đầu tư vào ngành năng lượng, khắc phục cho được cách tính giá điện chưa hợp lý như hiện nay.

Cũng theo ông Hiển, phát triển năng lượng là sự phát triển tổng thể, phải đặt trong mối quan hệ chặt chẽ với sự phát triển của cả nước, của các ngành, các lĩnh vực, là bao trùm, là cốt lõi, là đi trước. “Cương quyết không để lợi ích cục bộ của bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp chi phối. Đây là điều phải hết sức lưu ý”, Phó Chủ tịch Quốc hội kết luận phiên giải trình.

“Ai nói bỏ ngay điện than là không tưởng”

Ông Tuấn Anh cho hay, hiện Quy hoạch điện VIII vẫn chưa được xây dựng xong nên chưa thể có con số tuyệt đối về cơ cấu từng nguồn điện, trong đó có điện than.

Tuy nhiên, theo tinh thần Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị, Quy hoạch điện VIII sẽ tập trung cho nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, điện khí... còn điện than sẽ được quản lý một cách chặt chẽ. “Điện than chắc chắn còn vai trò nhưng sẽ giảm nhiều so với Quy hoạch điện VII”, ông Tuấn Anh nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển lưu ý, cơ cấu điện phải hợp lý giữa nhiệt điện, thủy điện, điện tái tạo…

"Trong điều kiện hiện nay và thậm chí trong một vài thập kỷ tới, vai trò của điện than vẫn cần thiết, chưa thể tiết giảm được đâu. Ai mà nói là phải bỏ ngay điện than, tôi nói đó là không tưởng mà sẽ ảnh hưởng tới an ninh năng lượng. Cho nên, trong Quy hoạch điện VIII, phải tính hệ số tỷ lệ điện than hợp lý", ông Hiển khẳng định, và lưu ý việc thay thế điện tái tạo là cần thiết nhưng cũng phải đồng bộ. 

Hương Giang