Ông Đinh Văn Huy, trú tại khóm 2, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời phản ánh, thực tế hiện nay là giữa chủ tàu và ngư phủ không có hợp đồng làm việc với nhau. Do đó, khi ra khơi đi đánh bắt rất dễ dẫn đến các mâu thuẫn, bên cạnh đó còn có tình trạng “cò” ngư phủ và nhiều tệ nạn phức tạp khác. “Chúng tôi đề nghị các ngành chức năng hướng dẫn, tạo điều kiện cho chủ tàu làm hợp đồng đánh bắt với ngư phủ một cách rõ ràng, minh bạch. Từ đó, công tác quản lý cũng dễ dàng hơn”, ông Huy đề xuất, đồng thời cho biết thêm, chúng ta có lực lượng biên phòng, thủy sản, kiểm ngư, cảnh sát biển… làm nhiệm vụ trên biển.

Thực tế, bên cạnh tình trạng thiếu ngư phủ đi biển, thì trình độ của ngư phủ còn hạn chế, nên còn nhiều bất cập trong hợp đồng lao động. Vấn đề này, ông Nguyễn Việt Triều giải thích: “Đây là giao dịch dân sự giữa chủ tàu và ngư phủ. Cộng đồng chủ tàu phải đồng lòng, siết chặt cách quản lý ngư phủ. Đồng thời, phải rõ ràng trong làm hợp đồng lao động; các quy định, chế độ khi làm việc phải rõ ràng, sau đó có thể đem ra xã công chứng”.

Một số ngư dân tại thị trấn Sông Đốc cũng nêu một bất cập khác là phải có giấy chứng nhận ở cảng cá chỉ định nhằm chứng minh nguồn gốc hàng hóa. Thực tế, Cà Mau có hơn 80 cửa sông thông ra biển; trong đó, các cửa biển lớn dài từ Tây sang Đông thì đều có tàu từ 15m trở lên, nhưng cảng cá chỉ định hiện nay chỉ có cảng Sông Đốc (Trần Văn Thời) và Rạch Gốc (Ngọc Hiển).

Về luật quy định, tất cả tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên khi ở biển vào bờ đều phải cập bến ở cảng chỉ định. Như vậy, các tàu cá ở xa như Khánh Hội… phải tốn nhiều chi phí di chuyển đến cảng cá chỉ định. Tuy nhiên, nếu không cập bến cảng cá chỉ định thì không có biên nhận để phục vụ xuất khẩu.

Giải đáp vấn đề này, ông Nguyễn Việt Triều thông tin thêm, giấy chứng nhận chỉ để chứng minh tàu khai thác cá ở đâu, có hợp pháp hay không. Ngành chức năng đang tham mưu cho UBND tỉnh, các cơ quan quản lý phải chứng minh sản phẩm hàng hóa đó hợp pháp mà tàu không cần cập bến cảng cá chỉ định.

Tính từ đầu năm 2021 đến nay thông qua các cuộc thanh tra, kiểm tra, lực lượng thanh tra chuyên ngành thuỷ sản thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phát hiện và xử lý 37 vụ vi phạm, thu phạt với số tiền là 725 triệu đồng. Trong đó, số vụ vi phạm liên quan đến khai thác là 19 vụ; số vụ vi phạm về nhật ký khai thác là 10 vụ; số vụ vi phạm về vùng khai thác là 9 vụ.

Để tăng cường công tác chống khai thác IUU, ngành chức năng tỉnh Cà Mau cũng “mạnh tay” trong việc không cấp giấy phép khai thác thuỷ sản cho những tàu tái phạm, không xem xét cho chủ tàu, thuyền trưởng thụ hưởng các chính sách hỗ trợ có liên quan của Nhà nước về thủy sản.

Ngoài ra, tổ chức mở lớp tuyên truyền, phát thanh trên hệ thống truyền thanh, trên tần số của các đài trực canh dân sự, nhắn tin qua điện thoại, in ấn tờ rơi, pano, sơ đồ, bản đồ… Đồng thời, thực hiện các phóng sự chuyên đề nhằm tuyên truyền sâu rộng đến người dân về chống khai thác IUU, khai thác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, triển khai thi hành Luật Thủy sản.

Ông Nguyễn Việt Triều, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Thủy sản Cà Mau nhấn mạnh, giải pháp được xem là quan trọng nhất tạo bước đột phá trong gỡ cảnh báo “thẻ vàng” IUU chính là việc đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan phải đảm bảo người dân liên tục được cập nhật, tiếp cận thông tin đầy đủ, kịp thời.

Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát trên các vùng biển luôn được tăng cường, ngoài công tác thường xuyên, còn tăng cường các đợt thanh tra, kiểm tra đột xuất. Song song đó là quản lý tàu cá theo hạn ngạch được phân bổ; không kiểm tra cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá và giấy phép khai thác thủy sản nếu chủ tàu cá không đánh dấu tàu theo đúng quy định.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, việc tổ chức triển khai lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên và thực hiện đúng các quy trình xử lý thông tin tàu cá vượt ranh giới cho phép trên biển, quy trình xử lý thông tin tàu mất kết nối khi hoạt động trên biển, quy chế chia sẻ thông tin hệ thống giám sát tàu cá đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24m trở lên.

Bên cạnh đó, ngành chức năng cũng kịp thời phát hiện trên hệ thống nhằm tuyên truyền, cảnh báo, kêu gọi chủ tàu, thuyền trưởng thực đúng quy định của pháp luật khi hoạt động trên biển và làm cơ sở cho xử lý vi phạm…

Cà Mau cũng tiếp tục rà soát kế hoạch hành động ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định của tỉnh Cà Mau đến năm 2025 để điều chỉnh cho phù hợp. Thường xuyên kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện, tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao, nhất là hoạt động tuyên truyền.

Để nâng cao hiệu quả trong hoạt động tuần tra, kiểm soát hơn nữa, mới đây, UBND tỉnh ban hành Công văn số 6280/UBND-NNTN về tăng cường tuần tra, kiểm soát, tuyên truyền nâng cao hiệu quả chống khai thác IUU.

Theo đó, UBND tỉnh Cà Mau cũng chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp chặt chẽ với lực lượng cảnh sát biển, cơ quan chức năng tỉnh Kiên Giang tăng cường tuần tra, kiểm soát, tăng cường sự hiện diện của các lực lượng chức năng trên biển. Điều này nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý hoặc đề xuất cấp thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm khai thác IUU và các hành vi môi giới, móc nối đưa tàu cá Việt Nam đi khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài.

Huỳnh Anh