Tại buổi tập huấn, toàn bộ lực lượng QLTT ở 64 điểm cầu sẽ được HIS chia sẻ về công tác điều tra vụ việc liên quan đến các sản phẩm trang thiết bị, vật tư y tế, đặc biệt việc buôn bán vắc - xin Covid - 19 giả và kết quả điều tra của các văn phòng của HIS trên toàn thế giới.

Tiếp theo đó, đại diện Pfizer sẽ thông các nội dung liên quan đến đặc điểm an ninh của sản phẩm, quy cách và tính chất đóng gói và các đặc điểm khác được sử dụng để xác định một vắc-xin có hợp pháp và đảm bảo nguồn gốc cho toàn lực lượng QLTT.

HIS và đại diện Pfizer cũng sẽ giải đáp những câu hỏi, thắc mắc về những nội dung liên quan đến việc phân biệt vắc-xin Pfizer của lực lượng QLTT.

Trước đó, Bộ Y tế đã đưa ra cảnh báo về tình trạng lừa đảo tiêm vắc - xin ngừa Covid - 19. Chính vì vậy, việc Tổng cục QLTT phối hợp với HIS Hoa Kỳ và Pfizer tổ chức sự kiện trực tuyến chia sẻ thông tin liên quan đến các đặc điểm an ninh để xác định vắc-xin hợp pháp và đảm bảo nguồn gốc là rất cần thiết giúp lực lượng QLTT có kỹ năng nhận biết giữa hàng giả và hàng chính hãng góp phần phục vụ tốt công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Mới đây, ngày 12/6, Bộ Y tế đã phê duyệt có điều kiện vắc-xin Pfizer cho nhu cầu cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Đây là vắc-xin do Công ty Pfizer và BioNTech phối hợp sản xuất, dạng bào chế hỗn dịch đậm đặc pha tiêm, mỗi liều 0,3ml chứa 30mcg vắc xin mRNA Covid-19. Bộ Y tế giao Cục Quản lý dược cấp phép nhập khẩu vắc-xin Pfizer khi nhận được hồ sơ của cơ sở nhập khẩu, thực hiện đúng quy định của pháp luật về quản lý nhập khẩu, quản lý chất lượng vắc-xin.

Đến thời điểm này, Pfizer là vắc-xin phòng Covid-19 thứ tư được Việt Nam cấp phép khẩn cấp, sau AstraZeneca, Sputnik V và Sinopharm.

Lê Phương