Ngay từ đầu, Ban Thường vụ Thành ủy TP Sầm Sơn xác định công tác GPMB thực hiện các D.A là một trong những nhiệm vụ trọng tâm có tác động rất lớn đến tốc độ phát triển kinh tế xã hội cũng như thực hiện các mục tiêu kinh tế hàng năm mà nghị quyết của Đảng bộ thành phố đề ra. Công tác GPMB là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, tác động sâu sắc đến đời sống của người dân có đất bị thu hồi và tiến độ thực hiện các D.A. Do đó, ngay từ khi có quy hoạch D.A, Ban Thường vụ Thành ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cả hệ thống chính trị thực hiện tốt công tác tuyên truyền trên tất cả các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực về đất đai, bồi thường GPMB, quản lý quy hoạch, trật tự xây dựng, những định hướng phát triển kinh tế - xã hội của thành phố... Đồng thời, ban hành Nghị quyết số 04 về công tác GPMB trên địa bàn giai đoạn 2021-2025. Một trong những nhiệm vụ và giải pháp mà nghị quyết đề ra đó là đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức pháp luật về đất đai, quản lý đô thị và GPMB.

Để thực hiện hiệu quả nghị quyết đề ra, Đảng bộ, chính quyền, các cơ quan, ban, ngành và các đoàn thể trên địa bàn thành phố luôn coi trọng công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến công tác GPMB, nhằm vận động, giáo dục, thuyết phục người dân hiểu, đồng tình ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác GPMB. Bên cạnh đó, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên trong hội đồng tăng cường tuyên truyền tới các cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trên địa bàn; phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể thành phố, các xã, phường đẩy mạnh các văn bản pháp luật, như: Luật Đất đai, Luật Dân sự, các nghị định của Chính phủ, quyết định của UBND tỉnh về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; quy định của HĐND tỉnh về giá các loại đất trên địa bàn tỉnh; các nghị quyết, chương trình hành động, văn bản, kế hoạch của thành phố về công tác GPMB...

Với phương châm kiên quyết, kiên trì, bền bỉ, liên tục và xuyên suốt trong quá trình thực hiện, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luậP được thực hiện dưới nhiều hình thức, như thông qua việc tổ chức các hội nghị để lãnh đạo thành phố, hội đồng bồi thường, hỗ trợ GPMB, UBND các xã, phường đối thoại trực tiếp với người dân; qua hệ thống truyền thanh, cổng thông tin điện tử, các buổi họp thôn, tổ dân phố, các phương tiện truyền thông, câu lạc bộ pháp luật, hội nghị trợ giúp pháp lý, thông qua các tổ hòa giải, tủ sách pháp luật, pa nô, áp phích, tờ rơi, tờ gấp; qua các đợt cưỡng chế thu hồi đất, tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo... Đặc biệt, Sầm Sơn còn thành lập 3 tổ giúp việc cho hội đồng bồi thường, hỗ trợ GMPB thành phố đến từng hộ dân tuyên truyền, vận động các hộ dân có đất bị thu hồi thực hiện bàn giao đất để thực hiện các D.A. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cán bộ và nhân dân về tầm quan trọng của các D.A đang được đầu tư xây dựng có ý nghĩa quyết định đến việc phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống nhân dân thành phố, từ đó ủng hộ và đồng thuận tự giác thực hiện công tác GPMB bảo đảm tiến độ thi công các D.A.

Để người dân đồng thuận, tự giác chấp hành thực hiện D.A, TP Sầm Sơn luôn thực hiện thông báo, đối thoại công khai, minh bạch kịp thời về các D.A; các chính sách, quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để người dân trong vùng D.A nắm rõ. Đối với một số trường hợp hộ dân không đồng ý kê khai, kiểm đếm đất và tài sản trên đất, không tự nguyện chấp hành quyết định thu hồi đất thì các tổ giúp việc cho hội đồng bồi thường, hỗ trợ GPMB phối hợp với chính quyền cấp xã, phường, các tổ chức, đoàn thể đến từng hộ dân để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, giải quyết vướng mắc, đồng thời kiên trì giải thích rõ chính sách cho người dân hiểu... Hộ nào cố tình chây ì, có hành vi chống đối thì thực hiện theo quy định của pháp luật để tạo mặt bằng sạch cho các nhà đầu tư thi công D.A.

Trao đổi với phóng viên Báo Thanh tra, ông Lê Văn Tú, Chủ tịch UBND TP Sầm Sơn cho biết:  Năm nay do diễn biến của tình hình dịch bệnh COVID -19, ngành dịch vụ du lịch ở Sầm Sơn gần như phải đóng cửa, đứng trước tình trạng này, Đảng bộ, chính quyền, các đoàn thể Sầm Sơn đã tập trung vào công tác GPMB ở các D.A trên địa bàn. Trong đó, riêng D.A quảng trường biển, trục cảnh quan lễ hội TP Sầm Sơn (D.A BT) đã được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi tại Quyết định số 3922/QĐ-UBND ngày 10/10/2018; phê duyệt điểu chỉnh, bổ sung tại Quyết định số 1320/QĐ-UBND ngày 16/4/2020.

D.A có quy mô 15,28 ha, gồm khu vực quảng trường 2,24 ha (tượng đài, kỳ đài, sân quảng trường và các công trình phụ trợ) và trục cảnh quan 13,04 ha (đường dạo, đài phun nước, hệ thống cây xanh, công trình phụ trợ). D.A quảng trường biển, trục cảnh quan lễ hội và các D.A đối ứng ảnh hưởng đến 5 đơn vị hành chính, gồm các phường Quảng Tiến, Quảng Châu, Trung Sơn, Bắc Sơn, Trường Sơn. Theo đó, tổng diện tích đất thu hồi GPMB cho toàn bộ D.A là 400,11 ha/7.263 hộ, trong đó đất ở là 41,03 ha/1.869 hộ, đất nông nghiệp 277,66 ha/4.936 hộ, đất khác 84,42 ha/458 hộ. Ngoài ra, cần di chuyển 3 nhà văn hóa phố, 2 bến thuyền với khoảng 300 phương tiện đánh bắt, 1 bãi rác (270.000m2), 4 nghĩa trang (5.000 mộ) và hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật.

Về tiến độ GPMB, tính đến ngày 31/12/2020, TP Sầm Sơn đã GPMB được 125,16 ha/810 hộ, cơ bản là đất nông nghiệp và đất khác. Tiến hành kiểm kê GPMB được 1.600/1.869 hộ đất ở, còn lại 269 hộ chưa kiểm kê.

Cùng  với đó, Sầm Sơn đã phê duyệt D.A đầu tư xây dựng khu nghĩa trang tại xã Quảng Minh, có diện tích 4,5 ha, tổng mức đầu tư 65 tỷ đồng và dự kiến khởi công vào quý II/2021; D.A xử lý triệt để bãi rác tại phường Trung Sơn, có tổng kinh phí 280 tỷ đồng (đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư). Ngoài ra, thành phố tiếp tục đầu tư xây dựng mới và hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật 21 khu tái định cư, với khoảng 1.800 lô/4.100 lô theo yêu cầu của cả D.A.

Quá trình triển khai GPMB, Sầm Sơn đang gặp một số vướng mắc như vẫn còn 269 hộ chưa đồng thuận phối hợp kiểm kê đất, tài sản vật kiến trúc và cây cối hoa màu (tập trung chủ yếu ở phường Trung Sơn (200 hộ) và phường Quảng Châu (69 hộ); khó khăn về quỹ đất đối ứng cho các D.A; kinh phí hỗ trợ các hộ dân thuê nhà ở; nhân lực thực hiện GPMB…

Để bảo đảm tiến độ GPMB, Sầm Sơn kiến nghị UBND tỉnh sớm thành lập Ban Chỉ đạo GPMB D.A, để kịp thời hỗ trợ Sầm Sơn trong công tác GPMB; đồng ý ban giao trước phần diện tích đất xây dựng tái định cư trong quỹ đất đối ứng D.A số 1 và số 2 đã được GPMB xong cho nhà đầu tư để xây dựng hạ tầng kỹ thuật; đồng ý để thành phố tạm bàn giao đất đã GPMB các D.A đối ứng cho nhà đầu tư quản lý và có biện pháp chống tái lấn chiếm; đồng ý cơ chế thưởng cho các hộ dân có đất chấp hành di dời bàn giao mặt bằng trong đợt cao điểm GPMB từ 15/1 đến 30/4/2021, với mức thưởng 26 triệu đồng/hộ; chấp thuận để thành phố được vay Quỹ Đầu tư phát triển của tỉnh để GPMB và khởi công xây dựng các D.A, với kinh phí khoảng 100 tỷ đồng…

 

Văn Thanh