Lô hàng gồm 20.000 quả dừa tươi, 12 tấn bưởi da xanh và 3 tấn thanh long do Tập đoàn Vina T&T xuất khẩu sang EU bằng đường tàu biển và hàng không.

Trong tháng 9, tại Ninh Thuận, cũng đã xuất khẩu nông sản sang EU như: Tôm nước lợ; cà phê, chanh leo tại Gia Lai. Ước tính sơ bộ cho thấy giá trị xuất khẩu vào EU tháng 8/2020 là 350 triệu USD, tăng trưởng ở mức 17% so với tháng 7/2020.

Theo Bộ NN&PTNT, EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của rau quả Việt Nam. Rau quả là một trong những mặt hàng nông sản được hưởng lợi ngay khi EVFTA có hiệu lực khi 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả và các sản phẩm chế biến từ rau quả được xóa bỏ.

Thống kê sơ bộ, trong tháng 8, sau 1 tháng EVFTA có hiệu lực giá trị xuất khẩu các sản phẩm rau quả của Việt Nam sang thị trường EU ước đạt 14,7 triệu USD, tăng 25,2% so với tháng trước, và tăng 6% so với cùng kỳ năm 2019.

Diện tích cây ăn quả trên toàn quốc những năm gần đây liên tục tăng nhanh, năm 2019, diện tích cây ăn quả đạt 964 nghìn ha, tăng 56,4 nghìn ha so với năm 2018, sản lượng đạt 9,3 triệu tấn, tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm đạt trên 6%/năm.

Những năm gần đây, Việt Nam có sự tăng trưởng mạnh cả về kim ngạch xuất khẩu lẫn mở rộng thị trường cho mặt hàng trái cây. Hiện đã có khoảng 40 loại rau quả Việt Nam được xuất khẩu sang 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Bên cạnh những thị trường truyền thống, trái cây Việt đã từng bước khẳng định chất lượng, chinh phục được những thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản, Canada, Australia, New Zealand....

Hiện EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ tư của rau, quả Việt Nam. Rau quả là một trong những mặt hàng nông sản được hưởng lợi ngay khi EVFTA có hiệu lực, thuế cắt giảm sâu (từ 6-30%) và theo lộ trình tương đối nhanh (nhiều mặt hàng 1- 6 năm), cụ thể: Xóa bỏ ngay khi Hiệp định có hiệu lực 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả và các chế phẩm từ rau quả (trong đó có nhiều sản phẩm là thế mạnh của Việt Nam như vải, nhãn, chôm chôm, thanh long, dứa, dừa, bưởi...).

Phần lớn các dòng thuế EU cam kết xóa bỏ ngay hiện đều đang có mức thuế MFN trung bình là trên 10%, cá biệt có những sản phẩm rau quả đang chịu thuế trên 20%. Do đó, mức cam kết này của EU được đánh giá là sẽ tạo ra lợi thế lớn về giá cho rau quả Việt Nam (đặc biệt trong cạnh tranh nhập khẩu vào EU với các nước có thế mạnh về rau quả chưa có hiệp định tự do thương mại với EU như Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia, Indonesia...)

Trái cây là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam tại thị trường EU, 7 tháng đầu năm 2020 xuất khẩu trái cây đạt 59,18 triệu USD (chiếm 73,54% tổng giá trị xuất khẩu rau quả sang EU), trong đó các loại trái cây chưa qua chế biến (tươi, khô, đông lạnh...) chiếm tới 49,6% (so với cùng kỳ 2019 là 49,9%), trái cây chế biến chiếm 33,4% (cùng kỳ 2019 là 35,9%).

Xuất khẩu trái cây Việt Nam sang EU từ nay đến hết năm dự kiến sẽ tiếp tục tăng mặc dù tốc độ tăng chưa cao do vẫn chịu tác động từ dịch bệnh Covid-19.

Tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ NN & PTNT Lê Quốc Doanh đánh giá dư địa xuất khẩu trái cây sang EU rất lớn do sản phẩm 2 bên có tính bổ trợ nên không phải cạnh tranh trực tiếp.

"EU mở cửa về thuế quan nhưng yêu cầu rất chặt chẽ về hàng rào kỹ thuật nên bà con nông dân, doanh nghiệp chú ý, cần hiểu cặn kẽ yêu cầu thị trường (chất lượng, an toàn thực phẩm và xuất xứ). Đề nghị doanh nghiệp phối hợp chặt chẽ cùng nông dân để xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn, đáp ứng yêu cầu thị trường", Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh.

 

Lê Phương