Vượt khó

Trước ngày 30/4/1975, Cần Giờ là một vùng đất nghèo, có căn cứ quân sự tiền tiêu của địch, canh phòng cho con đường thủy huyết mạch từ biển Đông vào Sài Gòn. Xung quanh đồn bốt địch là những vùng dân cư nghèo nàn, lạc hậu, gánh chịu nhiều cuộc hành quân bố ráp của địch. Mảnh đất này đã phải hứng chịu hơn 2 triệu tấn bom đạn, hơn 4 triệu lít chất hóa học nên cảnh quan sau ngày thống nhất chỉ là mảnh đất cằn cỗi, sinh lầy.

Trong khó khăn thì bản lĩnh của người Cần Giờ càng được phát huy dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc của chính quyền.

Hệ thống giao thông được từng bước hoàn thiện làm tiền đề cho công cuộc cải tạo kinh tế - xã hội, phục hồi môi trường sinh thái.

Từ một vùng dân cư nghèo nàn, không có điện, nay lưới điện quốc gia đã phủ toàn huyện Cần Giờ kể cả xã đảo Thạnh An. Từ 30.000 dân trong tình trạng thiếu đói; trình độ học vấn thấp nay không còn hộ nghèo theo chuẩn quốc gia; hệ thống giáo dục, cơ sở vật chất trường học đã khang trang, đáp ứng nhu cầu học tập cho mọi người dân; từ những trạm y tế chỉ để làm công tác sơ cấp cứu đến nay hệ thống y tế đáp ứng nhu cầu điều trị bệnh, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được đảm bảo, ngày càng nâng cao chất lượng. Từ vùng đất trơ trụi do chiến tranh Mỹ đã rãi chất độc khai hoang, nay Rừng Sác Cần Giờ đã trở thành rừng bảo tồn cấp quốc gia và được tổ chức UNESCO công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên ở Việt Nam, là điểm du lịch xanh thu hút du khách trong và ngoài nước.

Sau 46 năm ngày giải phóng, lãnh đạo huyện Cần Giờ đã có thể tự hào nói rằng mảnh đất bom đạn ngày xưa nay đã chuyển mình với tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được giữ vững. Đây cũng là huyện được đánh giá là có tỷ lệ giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo đúng thẩm quyền đạt cao, hoạt động thanh tra bảo đảm đúng kế hoạch. Thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân được củng cố. Vai trò lãnh đạo của Đảng được tăng cường, nhận thức của các cấp uỷ, chính quyền và cán bộ, đảng viên, nhân dân về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ an ninh quốc gia được nâng lên.

leftcenterrightdel

Sau 46 năm, huyện Cần Giờ đã chuyển mình mạnh mẽ. Ảnh: TH 

Những thành quả hôm nay đã khẳng định sự nỗ lực vươn lên, tính chủ động, tích cực trong việc triển khai và thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chỉ đạo của Trung ương và thành phố. Những thành tựu đạt được của Đảng bộ, quân và dân Cần Giờ đã được Nhà nước ghi nhận và tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (năm 2000) và Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới (năm 2005).

Thị trấn Cần Thạnh, các xã Lý Nhơn, Long Hòa được tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Đột phá từ biển

Ngay từ ngày xưa, nguồn lợi do biển mang lại đã nuôi sống bao thế hệ người dân Cần Giờ, những luồng lạch, bóng mát của rừng ngập mặn đã che chở cho chiến sỹ đặc công rừng Sác để sống và chiến đấu với kẻ thù. Hàng chục năm sau giải phóng, người dân Cần Giờ vẫn tự hào về hàng chục loại hải sản có giá trị cao, khí hậu và không gian biển của vùng biển phía Nam này cũng đem lại thương hiệu yến Cần Giờ nổi tiếng.

Nhận thấy nguồn lợi từ biển phải được khai thác một cách bài bản hơn, từ năm 2006 với chính sách đầu tư cho vùng căn cứ cách mạng, Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã chủ động xây dựng quy hoạch lấn biển tại khu vực này. Lý do là vùng biển vịnh Cần Giờ khi được cải tạo sẽ là địa điểm du lịch phù hợp cho người dân đô thị.

Vì nhiều lý do, tư duy này vẫn chưa được triển khai mạnh mẽ mà phải chờ đến khi chủ trương phát triển kinh tế biển gắn với an ninh quốc phòng được xác định tại Nghị quyết 36-NQ/TW năm 2018 về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thì hàng loạt nhà đầu tư đã chọn Cần Giờ là điểm đến với nhiều dự án đô thị biển gắn với nghỉ dưỡng sinh thái. Hệ thống giao thông biển cũng được kết nối với tuyến phà cao tốc Cần Giờ - Vũng Tàu, giao thông liên vùng đang được hoàn chỉnh với tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành - Dầu Giây.

leftcenterrightdel
 Đường rừng Sác sẽ kết nối các quận nội thành về với huyện đảo duy nhất của TP Hồ Chí Minh. Ảnh: TH

Những ngày này, khi Sở Nội vụ đang xây dựng đề án để nâng cấp Cần Giờ thành quận thì trên các phương tiện truyền thông tràn ngập nhiều bài viết về tầm nhìn kinh tế biển được các diễn giả phân tích tại Hội thảo “TP Hồ Chí Minh - tầm nhìn kinh tế biển kết nối chuỗi đô thị quốc tế” do UBND TP Hồ Chí Minh phối hợp cùng Ban Kinh tế Trung ương tổ chức ngày 30/3/2021.

Nói về chủ đề này, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan khẳng định: Chúng tôi đang thực hiện nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 để trình Chính phủ phê duyệt trong thời gian tới. Theo đó, mô hình phát triển trong tương lai của TP Hồ Chí Minh là phát triển kinh tế biển, cảng biển gắn với chuỗi đô thị biển, với tư duy chuyển từ phát triển dựa trên đất đai sang phát triển dựa vào biển, trong đó, Khu Đô thị du lịch biển Cần Giờ là động lực mới để phát triển.

Quyết tâm này dựa vào một siêu dự án đô thị lấn biển có quy mô 2.870ha do Công ty CP Đô thị Du lịch Cần Giờ làm chủ đầu tư được tiếp nối từ việc thoái vốn Nhà nước của dự án lấn biển có quy mô 600ha của Thành ủy TP Hồ Chí Minh, và của Tổng Cty Du lịch Sài Gòn. Với số vốn đầu tư hơn 214.000 tỷ, đây sẽ là siêu dự án có không gian biển, gắn với mảng xanh rừng ngập mặn của khu dự trữ sinh quyền thế giới trong một địa bàn dày đặc các di tích lịch sử cách mạng như Chiến khu rừng Sác, Khu Khảo cổ quốc gia Giồng Cá Vồ, cùng một không gian văn hóa thờ cá ông của ngư dân miền biển.

Theo nhận định của các chuyên gia đô thị thì khu lấn biển này sẽ tạo điểm nhấn mới, là tiền đề mới để huyện Cần Giờ sớm vươn mình thành đô thị dù trong thực tế vẫn còn có ý kiến khác nhau về thẩm quyền phê duyệt cho một mô hình mới như siêu dự án này. Vượt qua tất cả, ngày 12/6/2020, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã ký Quyết định số 826/QĐ-TTg về phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư mở rộng Dự án Khu Đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ từ 600ha lên đến 2.870ha. Ngay sau đó UBND TP Hồ Chí Minh đã ký 4 quyết định phê duyệt quy hoạch tỷ lệ 1/500 của 4 khu vực trong tổng thể dự án.

Quyết tâm này đã được Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong nhắc lại tại hội nghị duyệt kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ năm 2021 của UBND huyện Cần Giờ, được tổ chức ngày 1/4/2021 là: Quy hoạch cần phải đưa vấn đề phát triển các vùng Bình Khánh, Cần Thạnh, khu sinh quyển và các vùng đệm, phát triển đô thị biển để Cần Giờ của tương lai sẽ là thành phố theo tinh thần thành phố nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái.

Những ngày tháng 4 lịch sử, trời Cần Giờ như trong hơn trên màu xanh của khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ có quy mô hơn 75.000ha, trong đó có hơn 31.000ha rừng được phục hồi từ vùng đất trắng sau chiến tranh. Người dân huyện đảo này vẫn nhắc nhớ về một thời máu lửa, rồi một thời trồng lại từng mầm xanh, đắp từng đoạn đường rừng Sác, cùng một tương lai mới là vùng đất chua phèn này sẽ đón được làn gió mát lành của chiến lược phát triển kinh tế biển gắn với an ninh quốc phòng với tư duy phát triển bền vững.

Thu Huyền