Hội nghị do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) và Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Côn Minh phối hợp với Ủy ban Xúc tiến thương mại Quốc tế Trung Quốc - Chi nhánh tỉnh Vân Nam (CCPIT Vân Nam) tổ chức. Đây là sự kiện giao thương trực tuyến thứ 3 mà Cục Xúc tiến thương mại tổ chức trong năm 2020 sau hội nghị giao thương trực tuyến với các thị trường: Tứ Xuyên, Quảng Tây.

Theo ông Phú, đến thời điểm này, dù Việt Nam và tỉnh Vân Nam đều đã kiểm soát có kết quả dịch Covid-19, nhưng hoạt động xúc tiến thương mại truyền thống thông qua tiếp xúc trực tiếp giữa doanh nghiệp hai bên vẫn chưa thể triển khai như bình thường.

Do đó, việc tổ chức hội nghị giao thương trực tuyến hôm nay là dịp thuận lợi để doanh nghiệp nông sản, thực phẩm Việt Nam duy trì kết nối, tiếp tục thúc đẩy các cơ hội kinh doanh triển vọng tới doanh nghiệp và người tiêu dùng Vân Nam.

Cũng theo ông Phú, thời gian qua, ngành Nông sản, thực phẩm của Việt Nam đã có những bước phát triển đáng kể. Việt Nam đang trở thành trung tâm cung ứng hàng hóa nông sản, thực phẩm dồi dào ở Châu Á cho thế giới. Nhiều sản phẩm của Việt Nam đang được chú trọng cải tiến, nâng cao chất lượng, hình thức và giá trị gia tăng với giá cả cạnh tranh, chắc chắn đáp ứng được tốt hơn các nhu cầu và đòi hỏi ngày càng cao của doanh nghiệp và người dân Vân Nam.

Tham gia hội nghị, 23 doanh nghiệp nông sản, thực phẩm, đồ uống của Việt Nam đã giới thiệu tới các nhà nhập khẩu Vân Nam đa dạng sản phẩm chất lượng của Việt Nam, phù hợp với nhu cầu tiêu thụ của các nhà máy sản xuất, người tiêu dùng Vân Nam nói riêng và thị trường Trung Quốc rộng lớn.

leftcenterrightdel
Tại Hội nghị trực tuyến, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Vũ Bá Phú đã đề nghị phía Trung Quốc đơn giản hóa các thủ tục hành chính, có biện pháp giảm áp lực thông quan, tránh ùn ứ hàng hóa tại các cửa khẩu. Ảnh: MK 

Còn theo ông Hồ Tỏa Cẩm, Tham tán Công sứ Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, nhiều mặt hàng nông, thủy sản của Việt Nam như vải, nhãn, thanh long, cà phê, hạt điều, thủy sản được người Trung Quốc rất ưa chuộng và có nhiều triển vọng tăng cường xuất khẩu sang thị trường này.

Ông Cẩm cho rằng Việt Nam và Trung Quốc nói chung và với Vân Nam nói riêng cần phối hợp chặt chẽ và tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, không chỉ bằng phương thức truyền thống mà còn theo hình thức trực tuyến sẽ giúp thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác thương mại cho doanh nghiệp hai bên, góp phần củng cố quan hệ thương mại đã được xây dựng trên những nền tảng bền vững giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc.

Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Vũ Bá Phú đề nghị phía Trung Quốc đơn giản hóa thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hoạt động thông thương hàng hóa, đặc biệt là nông sản, thủy sản, thực phẩm Việt Nam sang Trung Quốc thông qua các cặp cửa khẩu với Vân Nam; có biện pháp hữu hiệu giảm áp lực thông quan, giảm áp lực ùn ứ hàng hóa.

Bên cạnh đó, phía Trung Quốc cũng cần đẩy nhanh tiến trình mở cửa thị trường cho một số mặt hàng nông sản Việt Nam như thạch đen, tổ yến, khoai lang, sầu riêng, chanh leo, bơ, bưởi, dừa, na, roi...; đưa sản phẩm nông sản Việt Nam xuất khẩu và giao dịch theo phương thức chính quy.

Đồng thời, tăng cường phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại thực hiện đa dạng các hoạt động kết nối giao thương doanh nghiệp hai bên, khuyến khích doanh nghiệp hai bên giao lưu và đầu tư sang nhau; thúc đẩy hơn nữa sự phát triển hành lang kinh tế Côn Minh - Quảng Ninh - Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai.

Lê Phương