Người tiêu dùng phải chịu giá cao ngất ngưởng

Những tưởng sau hơn hai tháng nỗ lực đưa giá thịt lợn về mức hợp lý, người tiêu dùng sẽ được ăn thịt lợn đúng giá. Song, giá mặt hàng này chẳng những không giảm mà còn bật tăng lên mức cao chưa từng có. Người tiêu dùng vẫn phải bấm bụng mua thịt lợn giá đắt đỏ từ 140 - 350 đồng/kg.

Một chủ lò mổ ở Hà Nội cho biết, với giá lợn hơi khu vực Hà Nội khoảng 95 nghìn đồng/kg, trung bình giết mổ mỗi con 1 tạ sẽ cho ra khoảng 75 kg thịt móc hàm với giá khoảng 125 nghìn đồng/kg. Từ khối thịt móc hàm bán lại này, các tiểu thương pha lóc ra các loại thịt ba chỉ, thịt nạc mông, chân giò, sườn, mỡ, xương… với các mức giá khác nhau.

Khảo sát của chúng tôi tại một số chợ dân sinh trên địa bàn quận Hà Đông, huyện Hoài Đức, quận Đống Đa của Hà Nội, giá thịt lợn thành phẩm vẫn ở mức rất cao. Thịt nạc vai có giá từ 160 - 180 nghìn đồng/kg, sườn non bỏ cục có giá từ 180 - 200 nghìn đồng/kg, thịt sấn có giá từ 150 đồng/kg, mỡ khoảng 100.000 đồng/kg… Còn thịt lợn các doanh nghiệp lớn bán trong siêu thị lên mức 150 - 350 đồng/kg.

Tại các tỉnh, thành miền Bắc, giá lợn hơi vẫn ở mức 89 - 95 nghìn đồng. Còn các tỉnh, thành miền Trung - Tây Nguyên, dao động từ 88 - 95 nghìn đồng/kg.

Như vậy, so với việc mục tiêu điều hành giá lợn hơi về mức 70 nghìn đồng của Chính phủ thì giá lợn hơi vẫn đang cao hơn từ 15 - 20 nghìn đồng. Giá thịt thành phẩm ở thị trường khi đến tay người tiêu dùng đã cao gấp đôi, thậm chí gấp ba.

Bà Lê Thị Lan, chủ trang trại nuôi lợn ở Thanh Hóa còn gần 500 con cho biết, những ngày qua, nhiều thương lái thường xuyên thương thảo để mua được đàn lợn của gia đình. Đến ngày hôm qua, có thương lái trả giá lợn hơi lên tới 95 nghìn đồng/kg. Với mức giá này, gia đình sẽ cân nhắc để xuất bớt vì thời gian qua, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi cũng tăng, dịch Covid-19 cũng ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế của gia đình.

Bà Lan cho biết, đây là mức giá cao chưa từng có, thậm chí còn cao hơn cả thời điểm tháng 12 năm ngoái, khi thời điểm giá thịt lợn đạt đỉnh. Dù giá lợn tăng từng ngày, song thương lái vẫn tranh nhau mua.

Cũng theo bà Lan, không chỉ giá lợn hơi thương phẩm mà giá lợn giống cũng tăng cao. Một con lợn giống 6 - 7kg giá tăng lên trên 3 triệu đồng song vẫn khó mua. Bên cạnh đó, giá cám công nghiệp, giá nguyên liệu thức ăn cũng tăng mạnh nên giá lợn hơi rất khó giảm, thậm chí sắp tới còn tăng cao nữa.

Còn một doanh nghiệp chăn nuôi có vốn đầu tư nước ngoài cho rằng, đàn lợn của các doanh nghiệp chăn nuôi lớn chiếm khoảng 35% tổng đàn lợn cả nước nên việc điều chỉnh giá thịt lợn trên thị trường là nhiệm vụ bất khả thi. Việc giảm giá lợn hơi xuất chuồng thời gian qua là do chỉ đạo từ các cơ quan chức năng, nhưng không thể kéo dài được lâu vì giá bên ngoài thị trường vẫn ở mức cao.

Bộ NN&PTNT bất lực trong việc giảm giá thịt lợn

Thời điểm giữa tháng 2, khi giá thịt lợn hơi dao động quanh mốc 80 nghìn đồng/kg, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường đã yêu cầu, khuyến nghị các doanh nghiệp chăn nuôi lớn giảm xuống mức giá 75 nghìn đồng/kg.

3 ngày sau, một vài doanh nghiệp chăn nuôi lớn đã hạ giá lợn hơi xuất chuồng về mức 72 - 75 nghìn đồng/kg. Thế nhưng, chỉ vài ngày sau, giá mặt hàng này lại tăng mạnh lên 80 - 85 nghìn đồng/kg, thậm chí có nơi lên tới 88 nghìn đồng/kg.

Đến giữa tháng 3, trong chuyến đi thực tế tại các trang trại chăn nuôi ở Phú Thọ, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp giảm giá thịt lợn về mức 75 nghìn đồng/kg.

Ngày 16 - 19/3, lãnh đạo Bộ NN&PTNT tiếp tục tổ chức 2 cuộc họp với các đơn vị về nguồn cung và tăng cường nguồn cung để bình ổn giá. Tuy nhiên, lời kêu gọi này của Bộ trưởng cũng như những cố gắng họp bàn của lãnh đạo Bộ NN&PTNT như “muối bỏ bể”.

Trước thực trạng trên, chiều 20/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ bàn giải pháp bình ổn giá thịt lợn. Thủ tướng đã giao Bộ NN&PTNT cùng Bộ Công thương triển khai các biện pháp kịp thời với tinh thần quyết liệt, đưa giá thịt lợn hơi xuống dưới 60 nghìn đồng/kg.

Tiếp đó, ngày 30/3, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường có buổi làm việc với 15 doanh nghiệp chăn nuôi lớn (gồm DABACO Việt Nam, Mavin, C.P Việt Nam, Masan, Xuân Mai Hà Nội, CP Greenfeed VN, CP Masan Nutri-Science, Japfa Comfeed Việt Nam, Hòa Phát, CJ, Emivest Feedmill Việt Nam, Thiên Thuận Tường (Quảng Ninh), Việt Đức, BAF (Tân Long), Amafarm và Trung tâm Nghiên cứu Lợn Thụy Phương, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi heo Bình Thắng) tìm biện pháp mạnh đưa giá thịt lợn hơi xuống 60 nghìn đồng/kg.

Tại cuộc họp này, 15 doanh nghiệp cam kết, bắt đầu từ 1/4 sẽ giảm giá lợn hơi xuất chuồng về mức 70 nghìn đồng/kg. Tuy nhiên, trên thực tế, giá thịt lợn trên thị trường không giảm mà người tiêu dùng vẫn đang phải mua thịt lợn với mức giá cao gần như kỷ lục, từ 140 - 350 nghìn đồng/kg.

Theo chân những tiểu thương đi lấy thịt lợn tại các lò mổ, nhận thấy, giá thịt lợn móc hàm vẫn ở mức giá 100 đến 110 nghìn đồng/kg. Một chủ lò mổ cho biết, một số doanh nghiệp lớn đang bán cho khu vực phía Bắc mỗi ngày hàng ngàn con lợn. Tuy nhiên, mua được trực tiếp với giá 70 nghìn đồng/kg từ các doanh nghiệp này là điều không tưởng, mà phải mua qua các cò trung gian khác với giá bằng giá thị trường, trên 90 nghìn đồng/kg hơi.

Theo phản ánh, có doanh nghiệp chỉ bán tượng trưng nhỏ giọt, 10 con đầu với mức giá 70 nghìn đồng/kg, từ con thứ 11 người mua phải mua theo giá thị trường do doanh nghiệp này ấn định. Hoặc nếu có mua được giá 70 nghìn đồng/kg, người mua phải nộp ngoài rất nhiều khoản... phí. Cộng các khoản phí lại, giá mua lợn hơi lên cả chục giá.

Thậm chí, có doanh nghiệp, khi xuất lợn khỏi trang trại là có ngay các trung tâm thu mua lớn khiến giá lợn bị đẩy lên tới 90 nghìn đồng/kg rồi mới tới lò mổ, tới chợ dân sinh hoặc hệ thống siêu thị. Từ lò mổ, các tiểu thương phải mua với giá 100 đến 110 nghìn đồng/kg lợn móc hàm. Rồi đến tay người tiêu dùng đã tăng khoảng 43%.

Một tiểu thương ở khu vực Hà Đông, Hà Nội, cho biết, chỉ loại thịt như ngon ba chỉ, sườn non, mới bán giá tới 170 - 180 nghìn đồng/kg, còn như xương cũng chỉ mấy chục nghìn/kg. Tính ra, trung bình mỗi kg bán được khoảng 140 nghìn đồng/kg. Lãi được khoảng 20 nghìn đồng/kg. Do vậy, khâu lưu thông phân phối là khâu cuối cùng nên giá tăng rất ít mà chủ yếu là từ trang trại tới lò mổ. Như vậy, mức chênh lệch giá với cam kết của Chính phủ tới 20 nghìn đồng/kg, thì đội cò trung gian đã ăn chênh hơn hàng tỷ đồng/ngày.

Từ cuối năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tìm giải pháp giảm giá thịt lợn, trong đó có tái đàn. Bộ NN&PTNT cũng tổ chức gần 20 cuộc họp bàn giải pháp tái đàn, thúc đẩy chăn nuôi trong đó có 4 cuộc bàn về việc bình ổn giá và tăng cường nguồn cung.

Tuy nhiên, hàng loạt giải pháp đưa ra tại các cuộc họp này của Bộ NN&PTNT… dường như chưa mang lại kết quả như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ khi giá thịt lợn trên thị trường vẫn ở mức rất cao. Câu hỏi đặt ra là, có hay không sự liên kết các doanh nghiệp phân phối để giữ giá lợn cao? Việc các doanh nghiệp cam kết đưa mức giá lợn xuất chuồng về 75 nghìn đồng/kg chỉ là chiêu “che mắt” và những khâu trung gian đẩy giá thịt lợn lên cao có phải là “sân sau” các doanh nghiệp? Bao giờ người dân được ăn thịt lợn với giá hợp lý và vì sao giá thịt lợn tăng bất chấp lệnh giảm giá của Chính phủ? Vai trò của Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương ở đâu trong việc giải bài toán giá lợn? Họp nhiều, xuất hiện nhiều trong câu chuyện giảm giá thịt lợn, Bộ NN&PTNT bất lực trong thực hiện chỉ đạo của Chính phủ?

Thiết nghĩ, Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương cần có biện pháp quyết liệt hơn nữa để thực hiện bằng được chỉ đạo của Chính phủ về giảm giá thịt lợn.

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục trở lại nội dung này.

Lê Nguyên