Đây là một trong những hoạt động của Bộ Công Thương nhằm kiểm tra khả năng cung ứng và dự trữ vận chuyển hàng hóa, nhất là những hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống của người dân và phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Theo báo cáo của đại diện siêu thị Co.opmart Hà Nội và siêu thị Big C, lượng khách đến mua hàng trong mấy ngày gần đây có tăng nhưng không quá nhiều, hiện nguồn cung hàng hóa tại các điểm bán hàng của các siêu thị vẫn đáp ứng đủ nhu cầu.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương và đánh giá nhu cầu mua hàng của người dân có thể sẽ tăng đối với loại hình phân phối bán lẻ hiện đại khi dịch bệnh có diễn biến xấu nên các doanh nghiệp đã chủ động tăng lượng dự trữ hàng hóa gấp 2-3 lần so với trước để bảo đảm cung cấp cho người dân.

Các doanh nghiệp cũng đã tái lập áp dụng các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trên toàn hệ thống các cửa hàng trực thuộc như tăng lượng dự trữ hàng hóa, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch cho nhân viên, khách hàng, nhà cung cấp như đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn trước khi vào khu vực siêu thị, cửa hàng… Đồng thời các doanh nghiệp cũng tăng cường việc giao hàng tại nhà nhằm tạo thuận lợi cho công tác mua sắm của người dân.

Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, những ca nhiễm ngoài cộng đồng vừa qua đã cho thấy tính chất phức tạp của đại dịch Covid-19. Trong bối cảnh đó, cần thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Chính phủ về phòng chống dịch, không được có tâm lý chủ quan; cần tăng cường các biện pháp bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho người dân, đồng thời làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh.

Trước những thông tin về dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn một số tỉnh, thành phố đã xuất hiện trở lại và có diễn biến phức tạp, để bảo đảm nguồn cung hàng hóa, nhu yếu phẩm phục vụ tiêu dùng của người dân, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi các doanh nghiệp có hệ thống phân phối lớn trên địa bàn các tỉnh thành phố tăng cường nguồn cung, nhất là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu của người dân; có phương án điều tiết nguồn hàng từ các nhà cung cấp, từ các vùng sản xuất, tăng lượng cung ứng cho địa bàn các tỉnh, thành phố có dịch bệnh, cần cách ly hoặc giãn cách xã hội.

Đồng thời, có văn bản gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố bám sát tình hình thị trường, trực tiếp kiểm tra đôn đốc các doanh nghiệp phân phối trên địa bàn triển khai các phương án bảo đảm nguồn cung hàng hóa cho thị trường theo các phương án, kịch bản đã xây dựng, giữ ổn định tâm lý thị trường.

Sở Công Thương các tỉnh, thành có người mắc bệnh như Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh… đã triển khai lực lượng xuống các địa bàn, các điểm bán hàng của các siêu thị để chỉ đạo việc tăng nguồn cung, kiểm tra việc cung ứng hàng hóa; đồng thời phối hợp với các nhà phân phối, các quận, huyện tuyên truyền để người dân an tâm và hạn chế mua hàng hóa tích trữ.

Bộ Công Thương và Sở Công Thương các tỉnh, thành phố sẽ tiếp tục theo dõi, bám sát tình hình giá cả, thị trường hàng hóa tại các địa phương để kịp thời chỉ đạo, ứng phó trong trường hợp thị trường có biến động; tiếp nhận các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của các hệ thống phân phối và các đơn vị có liên quan trong việc bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu phục nhu cầu người dân trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến ngày càng phức tạp.

Hiện nay, việc kiểm soát dịch bệnh Covid-19 và bảo đảm nguồn cung hàng hóa đang được Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương triển khai sát sao, quyết liệt nên người dân tại các tỉnh, thành trên địa bàn toàn quốc không nên quá hoang mang, lo lắng và cần thực hiện nghiêm các chỉ đạo, hướng dẫn của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và các cấp có thẩm quyền.

Lê Phương