Theo Bản tin Thị trường và Cơ chế chính sách khu vực châu Á - châu Phi quý I/2019 do Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công Thương mới công bố, nhập khẩu quý I/2019 của Việt Nam từ Hàn Quốc đạt 11,45 tỷ USD, giảm 1,4% so với cùng kỳ năm 2018.

Trong khi đó xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc đạt 4,63 tỷ USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2018.

Các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn gồm: Điện thoại các loại và linh kiện (đạt 1,25 tỷ USD, tăng 2,8%); hàng dệt may (760,3 triệu USD, tăng 7,3%); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (714,2 triệu USD, tăng 11,2%); máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác (332,7 triệu USD, tăng 12,2%).

Tuy nhiên, sau một giai đoạn tăng trưởng rất ấn tượng, xuất khẩu điện thoại đột ngột chậm lại từ quý II/2018 mà nguyên nhân chính là do Samsung giảm sản lượng.

Điều này có thể thấy rõ qua chỉ số công nghiệp và chỉ số lao động tại 2 tỉnh có nhà máy của Samsung là Bắc Ninh và Thái Nguyên.

Theo Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, lý do Samsung giảm sản lượng tại Việt Nam không được công bố, nhưng đây có thể là sự thay đổi có tính chiến lược khi Samsung vừa khánh thành nhà máy lắp ráp điện thoại lớn tại Ấn Độ.

Điện thoại là mặt hàng quan trọng, chiếm tới 1/5 tổng xuất khẩu cũng như GDP của Việt Nam, nên xuất khẩu điện thoại giảm tốc nhanh chắc chắn sẽ có tác động lớn đến tăng trưởng kinh tế.

Cũng theo Bản tin, cùng giảm tốc như điện thoại nhưng xuất khẩu sản phẩm điện tử không gây bất ngờ bởi xu hướng này đã bắt đầu từ năm 2017 khi cả Samsung và LG đều phải tính đến việc mở nhà máy tại Mỹ sau sức ép của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Trước cuộc gặp giữa Tổng thống Hàn Quốc và Tổng thống Mỹ vào giữa năm 2017, Samsung đã tuyên bố kế hoạch đầu tư 380 triệu USD xây dựng nhà máy sản xuất máy giặt và đồ điện tử tại Mỹ.

Sang quý II/2018, đà giảm của xuất khẩu điện tử đã có phần chững lại, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng ở mức thấp 13,8%.

Bình An