Mất dần bóng dáng taxi truyền thống 

Ngày 30/9, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM cho biết, số lượng các hãng taxi truyền thống tiếp tục giảm qua các năm. Tính đến tháng 6/2018, trên địa bàn TP HCM chỉ còn 17 hãng taxi, giảm 4 hãng taxi so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể 4 hãng taxi truyền thống ngưng hoạt động gồm: Công ty Trầm Thanh, Công ty Minh Đức Tân Phú, Công ty Cổ phần Sài Gòn sân bay với thương hiệu Saigon Air taxi và Công ty Savico với thương hiệu Savico taxi.

Trong 4 công ty này, khá có tiếng trên thị trường là thương hiệu Savico taxi, đơn vị tiên phong đưa ra mô hình xe taxi 7 chỗ, có mặt tại thị trường Việt Nam gần chục năm qua. Savico taxi tiền thân là Xí nghiệp taxi du lịch Savico, được thành lập vào từ năm 2005 theo hình thức liên doanh giữa Savico và ComfortDelGro - một tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực vận tải hành khách công cộng của Singapore. Báo cáo hợp nhất năm 2017, Savico đạt doanh thu 13.661 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 173,8 tỷ đồng, nhưng hoạt động taxi chỉ mang về 235 triệu đồng lợi nhuận sau thuế, trong khi năm 2016 đạt gần 3,3 tỷ đồng và năm 2015 đạt 7 tỷ đồng. Đến đầu năm 2018, Savico taxi đã thông báo lỗ và ngưng hoạt động.

Theo thông báo của Sở GTVT, chỉ trong vòng 8 năm, 17 hãng taxi truyền thống tại TP HCM đã biến mất. Từ 36 hãng taxi nay chỉ còn 19 hãng taxi với số lượng từ 14.934/xe giảm còn 12.654/xe.

Tương tự tại thị trường Hà Nội, theo thống kê của Sở GTVT Hà Nội, số lượng các hãng taxi truyền thống liên tục giảm qua từng năm. Tính đến tháng 6/2017, Hà Nội chỉ còn 77 hãng taxi, so với 5 năm trước là 177 hãng.

Theo một chuyên gia trong lĩnh vực vận tải, Hà Nội đã từng có giai đoạn số lượng hãng taxi lên tới trên 700-800, nhưng mỗi hãng chỉ có vài ba chục chiếc. Trong bối cảnh mới, với nền công nghệ 4.0, các ứng dụng gọi xe công nghệ ra đời đang dần làm đảo lộn ngành taxi truyền thống. Trên thực tế, nhiều hãng taxi truyền thống đã buộc phải ngồi lại với nhau để đưa ra giải pháp, tái cơ cấu và sáp nhập.

Tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2018 của Tracodi (TCD) mới đây, đại diện Vinataxi một lần nữa khẳng định doanh nghiệp này đang có kế hoạch sáp nhập với ComfortDelgro Savico taxi, nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh taxi của hãng tại TP HCM. Thậm chí, thương vụ còn được tính vào kế hoạch kinh doanh của Vinataxi ngay trong năm nay.

“Còn những hãng taxi nhỏ lẻ, bằng cách tìm đối tác để bán là có thật. Bởi hơn ai hết ông chủ của những hãng taxi nhỏ lẻ này biết chắc, nếu tiếp tục duy trì sẽ còn lỗ nặng, bán thì may ra còn có chút “giá”, để lại thì sẽ phá sản”, vị chuyên gia này cho biết.

Tại nhiều tỉnh lân cận địa bàn Hà Nội, một số hãng taxi cũng đã tự động sáp nhập với nhau. Cụ thể, tháng 5/2018, Taxi Long Biên đã sáp nhập thêm thương hiệu Taxi Phú Thụy sang thương hiệu Taxi Long Biên trên địa bàn tỉnh Hưng Yên.

Trước đó, vào năm 2010, Taxi Group ra đời với sự hợp nhất của 5 hãng taxi thành viên tại Hà Nội, trong đó có sự tham gia của Hà Nội taxi, taxi CP… và 1 đơn vị taxi tại Bắc Ninh. 

Loay hoay với lợi nhuận giảm

Nhiều doanh nghiệp taxi truyền thống, lợi nhuận sa sút, việc kinh doanh lao đao vì Uber, Grab.

Điển hình, Vinasun hay Taxi Mai Linh cùng báo lợi nhuận sụt giảm nghiêm trọng nhiều quý liền, thậm chí phải sa thải lượng lớn nhân viên và bán xe nhằm cân đối dòng vốn. 

Báo cáo mới nhất của Vinasun, quý I/2018, doanh thu mảng kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi đã giảm tới 80% so với cùng kỳ năm trước. Riêng đối với vận tải hành khách theo hợp đồng cũng giảm từ 68,9 tỷ đồng xuống còn 58,9 tỷ đồng so với cùng kỳ.

Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu VNS của Vinasun liên tục sụt giảm và giảm mạnh so với đầu năm, từ mức giá hơn 16.000 đồng/cổ phiếu xuống còn khoảng trên 13.000 đồng hiện nay. Vinasun đưa ra kế hoạch dự kiến từ đầu năm, năm 2018 công ty chỉ đầu tư thêm khoảng 700 chiếc các loại và đưa ra thanh lý bớt khoảng 662 chiếc duy trì lượng xe sở hữu đến cuối năm 2018 là 5.873 chiếc. Trong đó, riêng công ty mẹ sở hữu 5.503 chiếc. Vinasun đưa ra một thông tin kinh khủng, chỉ trong quý I/2017, đã có 4.239 lao động nghỉ việc và 300 đầu xe phải nằm bãi, mà nguyên nhân chính chịu ảnh hưởng từ cạnh tranh, theo Vinasun là "thiếu lành mạnh" của Uber và Grab.

Mai Linh cũng đang chật vật với doanh thu, lợi nhuận giảm. Trong năm 2017, công ty này đã phải cắt giảm hơn 3.000 nhân sự. Doanh thu của công ty chỉ đạt 1.039 tỷ đồng, thấp nhất trong vòng 4 năm trở lại đây, và nguồn thu đến chủ yếu từ bán xe.

Để bù đắp cho khoản thua lỗ trong kinh doanh, Mai Linh tích cực bán xe. Ban lãnh đạo công ty cho biết, một trong những mục tiêu trọng tâm đã thực hiện là thanh lý 500 phương tiện và xây dựng lại chế độ nguồn nhân lực lái xe nhằm ổn định công tác điều hành, đẩy mạnh phát triển khu vực Tây Bắc.

Nghiêm Lan