Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: “Ở các nước, chỉ khi nào doanh nghiệp thành công ở thị trường nội địa rồi thì mới nghĩ đến việc vươn ra thị trường thế giới. Kinh nghiệm ở các nước như Nhật, Hàn Quốc đều đã chứng minh, nền công nghiệp của họ mạnh phần lớn đều nhờ xuất phát điểm từ các doanh nghiệp nội địa, lại không bị quá lệ thuộc vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nắm giữ, hay chi phối. Nhìn lại Việt Nam, có mấy doanh nghiệp nội địa chiếm lĩnh và giữ được thị phần lớn ở thị trường nước từ những lĩnh vực công nghiệp cốt lõi của mình? Tôi e là không nhiều. Và những doanh nghiệp như Vinamilk thì càng quá ít ỏi”.

Ngành Sữa là một trong những ngành bị tác động tiêu cực nhất khi Việt Nam tham gia TPP. Khi hiệp định này có hiệu lực vào năm 2018, nhiều dự đoán rằng việc sữa nước ngoài sẽ ồ ạt vào Việt Nam. Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc kế hoạch phát triển của Vinamilk có bị chậm lại, bà Mai Kiều Liên – Tổng Giám đốc Vinamilk cho biết: Đúng là sẽ gặp khó khăn nhưng Vinamilk vẫn có giải pháp để giải quyết.

Ví dụ ở các nước, khí hậu lạnh, khô rất thuận tiện cho bò sữa, tạo điều kiện rất tốt cho năng suất sữa. Còn ở Việt Nam thì ngược lại, vừa nóng, vừa ẩm, không thuận lợi cho quá trình phát triển sinh lý của con bò. Cho nên, Vinamilk buộc phải áp dụng công nghệ mới để thay đổi các điều kiện mình không thuận lợi. Tất nhiên, phải có tiềm lực tài chính mạnh mới có thể đầu tư vào việc áp dụng công nghệ mới. Nhưng bù lại, việc hoàn vốn cũng rất nhanh vì năng suất bò nuôi tại trang trại Vinamilk cho sữa không hề kém với nước ngoài khi áp dụng công nghệ nuôi tiên tiến.

Đàn bò có chất lượng tốt nhất của Vinamilk 

Cũng theo bà Mai Kiều Liên, một cái khó nữa cần giải quyết là vấn đề chăn nuôi nhỏ lẻ ở các hộ nông dân. Ở nước ngoài, người ta nuôi từ 100 con bò trở lên, còn ở Việt Nam bây giờ vẫn còn cảnh mỗi hộ chỉ nuôi có 2-3 con. Chúng tôi đã rất vất vả quản lý mô hình này nên rất hiểu mình phải cải tổ, thay đổi nó. Dự kiến đến năm 2018, hơn 8.000 hộ dân đang hợp tác với Vinamilk sẽ có đàn bò có chất lượng một cách tốt nhất, từ hỗ trợ kỹ thuật nuôi cho đến cung cấp con giống.

“Tôi mong trong 3 năm tới, kế hoạch này sẽ được thực hiện và sẽ loại bỏ hoàn toàn việc phát triển đàn tự phát có năng suất thấp ở các nông hộ bấy lâu nay. Chưa kể, chúng tôi cũng đã xây dựng kế hoạch chủ động nguồn cung nguyên liệu bằng cách đầu tư vào nhà máy ở New Zealand. Hay đầu tư xây dựng mới các nhà máy chế biến sữa với quy mô rất lớn, sử dụng công nghệ hiện đại để giảm được giá thành về mức hợp lý nhất. Còn hiện nay, dù đã xuất khẩu được trên 40 nước với kim ngạch từ 250-270 triệu USD/năm nhưng tôi nghĩ Vinamilk cần phải làm tốt hơn nữa so với điều đã thực hiện được nếu muốn giữ được thị trường, nhất là khi TPP “chạy”. Và cách duy nhất chính là chất lượng không được thua kém, nhưng giá thì phải cạnh tranh” - bà Mai Kiều Liên cho biết.

Bị thôn tính bởi các thương hiệu mạnh cũng là một nỗi lo của doanh nghiệp khi bước vào TPP. Tuy vậy, lo âu này ở Vinamilk cũng không hiện diện. Bởi lẽ, theo lãnh đạo Vinamilk, đơn vị là thương hiệu quốc gia, trong đó 49% là của nước ngoài, 6% là của các tổ chức, nhà đầu tư cá nhân trong nước nắm giữ, 45% do Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) quản lý. Trong tỉ lệ nước ngoài đang nắm giữ cổ phiếu của Vinamilk thì không có ai có đủ tỉ lệ nắm quyền chi phối mà chủ yếu thuộc về các quỹ đầu tư. Còn với tỉ lệ mà SCIC đang nắm giữ thì lại thuộc quyền của Nhà nước. Khi nào Nhà nước thoái vốn, thoái cho ai, như thế nào để nhà nước đạt được mức thu ngân sách lớn nhất nhưng vẫn đảm bảo sự phát triển sau này của Vinamilk , thì trách nhiệm thuộc về SCIC. Còn cá nhân tôi không nghĩ “ai đó” khi  muốn thâu tóm Vinamilk thì sẽ có ý định xóa bỏ thương hiệu này.

“Hiện nay, chúng tôi vẫn đang xây dựng các kế hoạch phát triển cho Vinamilk trong tương lai nên chưa thể thông tin được. Tuy nhiên, cốt lõi xuyên suốt cho việc phát triển của Vinamilk chắc chắn phải kiên trì với mục tiêu đã được thống nhất từ lúc khởi đầu cho đến nay: phải giữ được thị phần và phát triển được thị phần ở tất cả các ngành hàng Vinamilk đã tham gia thị trường. Nếu chúng tôi vẫn làm tốt được điều này thì sẽ không có vấn đề gì xảy ra” - bà Mai Kiều Liên nhấn mạnh.

Trang Quỳnh