Theo Tổng cục QLTT, những thông tin được công bố về kết luận xử lý vi phạm đối với Công ty Cổ phần MHA - đơn vị quản lý nhãn hàng thời trang Seven.Am dính nghi án cắt tem mác hàng Trung Quốc dãn nhãn hàng Việt Nam và Công ty TNHH Thời trang quốc tế Thư Kỳ (đơn vị thành viên của Công ty Cổ phần MHA) với mức xử lý vi phạm hành chính là 170 triệu đồng mới chỉ là kết luận những vi phạm ban đầu.

Sau khi công bố mức kết luận kiểm tra và mức xử phạt vi phạm hành chính, Tổng cục QLTT tiếp tục giám sát, kiểm tra đối với hoạt động của Công ty Cổ phần MHA và các đơn vị thành viên Công ty TNHH Thời trang quốc tế Thư Kỳ, Công ty TNHH Thời trang quốc tế Bảo Anh.

Về những nội dung mà một số thông tin và chuyên gia đặt nghi vấn về việc Tổng cục QLTT “bảo kê” cho Công ty Cổ phần MHA, Tổng cục QLTT khẳng định, lực lượng QLTT không bảo kê, bao che cho các sai phạm. Sự việc vẫn tiếp tục được xác minh, làm rõ và sẽ được xử lý đúng theo quy định của pháp luật.

Diễn viên Hải Anh là người sáng lập thương hiệu thời trang Seven.Am

Trước đó, vào ngày 30/11, Tổng cục QLTT đã thông tin kết quả việc xác minh, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với thương hiệu thời trang Seven.AM của Công ty Cổ phần MHA.

Tổng cục QLTT đã phát hiện Công ty Cổ phần MHA sản xuất, kinh doanh hàng hóa (váy, quần áo, túi, ví) có nhãn không ghi đủ nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa theo quy định và xử phạt 27,5 triệu đồng.

Kinh doanh hàng hóa có nhãn bị sửa chữa làm sai lệch thông tin về hàng hóa theo quy định (năm sản xuất của mặt hàng túi, ví) phạt 17,5 triệu đồng.

Công ty cũng không thực hiện công bố hợp quy đối với sản phẩm hàng hóa thuộc đối tượng phải công bố hợp quy phạt 35 triệu đồng.

Đồng thời, Công ty Cổ phần MHA đã sản xuất hàng hoá có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn đã công bố áp dụng (kết quả thử nghiệm tiêu chuẩn polyeste có kết quả 100% trong khi nhãn hàng hóa có ghi thành phần 60% cotton, 40% polyeste) phạt 30 triệu đồng.

Tổng các hình phạt đối với Công ty Cổ phần MHA là 110 triệu đồng.

Đối với Công ty TNHH Thời trang quốc tế Thư Kỳ, căn cứ thực tế, hồ sơ vụ việc kiểm tra công ty có những vi phạm như kinh doanh hàng hóa có nhãn không ghi đủ nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa phạt 27,5 triệu đồng; kinh doanh hàng hóa có nhãn bị sửa chữa làm sai lệch thông tin về hàng hóa theo quy định (năm sản xuất của mặt hàng túi, ví) phạt 17,5 triệu đồng; kinh doanh hàng hóa không công bố hợp quy đối với sản phẩm hàng hóa thuộc đối tượng phải công bố hợp quy phạt tiền 15 triệu đồng.

Tổng mức phạt với Công ty TNHH Thời trang quóc tế Thư Kỳ là 60 triệu đồng.

Ngoài ra, Tổng cục QLTT cũng cho biết thêm, theo kết quả xác minh, ông Nguyễn Vũ Hải Anh không phải là cổ đông, không chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với Công ty Cổ phần MHA và Công ty TNHH Thời trang quốc tế Bảo Anh.

Khi sự việc bùng phát, ông Hải Anh có giải trình không còn là đại diện của Seven.AM 

Về việc ông Hải Anh không còn liên quan cũng được ông Đặng Quốc Anh, Giám đốc, người đại diện theo pháp luật của Công ty Cổ phần MHA xác nhận.

Liên quan đến thông tin, hệ thống cửa hàng thời trang mang nhãn hiệu Seven.AM nhập, cắt mác hàng Trung Quốc dán mác Việt Nam, trong các lần trả lời phỏng vấn các cơ quan báo chí, ông Nguyễn Vũ Hải Anh, xác nhận có nhập hàng Trung Quốc nhưng đều có hoá đơn.

"Đôi khi có cắt mác cổ vì khách hàng kêu ngứa, những chỗ khác như mác sườn thì vẫn còn. Tôi khẳng định những sản phẩm nào bên tôi không sản xuất thì không gắn mác Seven.AM. Khi bán hàng nhân viên cũng nói rõ đây là hàng Trung Quốc", ông Hải Anh nói với báo giới.

Sau khi cơ quan chức năng vào cuộc, ông Nguyễn Vũ Hải Anh lại có Bản tường trình cho biết mình không còn là cổ đông của Công ty Cổ phần MHA. Do vậy những phát ngôn của ông với báo chí trong thời gian qua chỉ mang tính chất cá nhân, không đại diện cho Công ty Cổ phần MHA và thương hiệu thời trang Seven.AM.

Bình An