Dần triệt tiêu tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”

- Thưa Bộ trưởng, thông điệp và chủ trương xuyên suốt của Chính phủ nhiệm kỳ này chính là đổi mới và cải cách. Khi bắt đầu công việc này, ông có thấy khó khăn?

+ Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng: Có thể nói đây là vấn đề rất lớn. Ban đầu khi thành lập Tổ Công tác của Thủ tướng, chúng tôi chỉ tập trung kiểm tra, đôn đốc thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng giao.

Nhưng từ tháng 7/2017, trên cơ sở tiếp cận với các hiệp hội, ngành hàng, chúng tôi thấy, rừng thủ tục đã bó rễ cần phải xem xét, tháo gỡ. Vì thế, chúng tôi báo cáo Thủ tướng và Tổ Công tác bắt đầu đi sâu vào kiểm tra, đôn đốc việc cắt giảm các thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh. 

Đến nay, có thể nói, cải cách trong nhiệm kỳ này là một đột phá, làm rất quyết liệt. Chúng ta đã cắt bỏ 3.645/6.196 điều kiện kinh doanh; cắt 6.776/9.926 thủ tục chuyên ngành; bỏ 30/120 bộ thủ tục hành chính; giảm thời gian thông quan mỗi lô hàng, từ đó tiết kiệm được hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. 

Ngay kiểm tra chuyên ngành, chúng ta đã tích cực hơn, thay vì tiền kiểm chuyển sang hậu kiểm, thay vì đánh giá rủi ro thì sẽ đánh giá và công nhận lẫn nhau. Ví dụ, hàng hoá ở nước tiên tiến, đi đầu trong công nghệ đã được cơ quan giám định tổ chức chứng nhận rồi thì công nhận lẫn nhau khi có Hiệp ước của 2 nước đã ký kết.

- Nỗ lực là thế, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn thấy chưa thực sự hài lòng với kết quả cải cách?

+ Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng: Chúng ta đã cải cách rất nhiều nhưng để khẳng định đã đáp ứng được kỳ vọng của người dân, doanh nghiệp chưa thì thực sự là chưa. Bây giờ, các rào cản ăn sâu, mọc rễ, luồn lách vào các văn bản. Ví dụ, khi bãi bỏ điều kiện kinh doanh ở nghị định thì lại tạo ra những quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn ở thông tư làm cho doanh nghiệp thấy chưa được cởi trói. 

Cho nên, chúng ta phải làm thường xuyên, không nản lòng, càng phải làm tốt hơn để thể hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng là xây dựng một Chính phủ kiến tạo, hành động vì người dân, doanh nghiệp.

- Nói đến xây dựng Chính phủ kiến tạo, có tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” đã được Thủ tướng nhiều lần nhắc đến. Từ kiểm tra hơn 3 năm qua, ông đánh giá tình trạng này hiện như thế nào?

+ Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng:“Trên nóng, dưới lạnh” có thể hiểu cấp trên chỉ đạo nhưng cấp dưới không thực hiện hoặc thực hiện không quyết liệt, không hiệu quả. Vấn đề này, không chỉ Thủ tướng mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đều quan tâm đến.

Cho nên, Thủ tướng rất nhiều lần nhắc nhở không để tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. Thủ tướng cũng từng nói, nếu cán bộ thi hành công vụ không có ý thức trách nhiệm thì sẽ ảnh hưởng đến tốc độ, chất lượng công việc.

Thông điệp đó đã truyền cảm hứng xuyên suốt tới cơ sở. Đến nay, so với đầu nhiệm kỳ, tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” đã được khắc phục rất nhiều. Ngay cả vấn đề sắp xếp, bố trí, bồi dưỡng cán bộ đã được các địa phương quan tâm, thực hiện rất tốt.

Tất nhiên, ở chỗ này, chỗ khác, đơn vị này, đơn vị khác vẫn còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, nhưng tinh thần sẽ dần dần triệt tiêu những chuyện như vậy.

Thủ tướng hay bất thình lình hỏi tôi “việc này đến đâu rồi”

- Vậy khi có những vấn đề đặt ra hay những vụ việc nóng, bức xúc, ông thường trao đổi với Thủ tướng bằng những phương thức nào để có thể giải quyết nhanh nhất?

+ Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng: Là người luôn sát cánh, giúp việc trực tiếp cho Thủ tướng, tôi thấy cường độ làm việc của Thủ tướng rất cao. Khi có nhiều công việc hay sự kiện nóng, có ngày Thủ tướng làm cả đêm hôm sớm tối, liên tục hỏi tiến độ giải quyết và có chỉ đạo kể cả khi đi công tác nước ngoài.

Với vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng vô cùng tâm huyết, rất có khát vọng, luôn muốn làm được thật nhiều việc. Quan trọng hơn, Thủ tướng là người truyền được cảm hứng và khát vọng.

Trong quá trình làm việc, tôi thường xuyên cập nhật công việc hàng ngày để báo cáo, xin ý kiến của Thủ tướng với nhiều hình thức rất linh hoạt như báo cáo nhanh trong giờ hoặc ngoài giờ làm việc hoặc gọi điện trực tiếp, trao đổi qua thư ký, trợ lý… Cho nên, tất cả các thông tin được phản ánh kịp thời, nhanh nhất, chính xác nhất để Thủ tướng kịp thời chỉ đạo, điều hành. 

Thủ tướng hay bất thình lình hỏi “việc này đến đâu rồi”, nếu không quan tâm, không chú ý thì sẽ không nắm được công việc. Cũng phải nói rằng, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, chắc chắn không thể hoàn hảo được nhưng chúng tôi cố gắng bảo đảm tốt nhất.

- Sự quyết liệt của người đứng đầu Chính phủ đã tạo ra động lực cũng như áp lực như thế nào, thưa Bộ trưởng?

+ Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng: Khi người đứng đầu Chính phủ quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành và xử lý công việc thì các thành viên Chính phủ, đặc biệt là các Tư lệnh ngành không thể đứng ngoài cuộc được. 

Khi đã quan tâm lĩnh vực nào, Thủ tướng đều gợi mở hướng đi, cách làm để tạo hiệu quả cao nhất. Nếu như ở đâu đó, bộ, ngành nào đó có khuyết điểm là Thủ tướng nhắc ngay. Thủ tướng như vậy thì các thành viên Chính phủ, Bộ trưởng không thể né tránh, chậm trễ hay ỷ lại, thờ ơ, thiếu trách nhiệm được. Chắc chắn không có chuyện đó!

- Với ông, vào thời điểm sắp kết thúc nhiệm kỳ Đại hội XII, nhìn lại 4 năm qua, đâu là dấu ấn của Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng? Trong thang điểm 10 thì Bộ trưởng chấm bao nhiêu điểm?

+ Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng: Nói là dấu ấn thì rất khó. Khi nhận nhiệm vụ Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP và là người phát ngôn của Chính phủ, tôi rất lo. Tôi dùng hình ảnh “ngòi ra biển” để thấy nhiệm vụ mới với tôi là một sức ép lớn. Từ sức ép đó, tôi cho rằng trước hết mình phải mẫu mực, gương mẫu. Thứ nữa là phải chân thành, cởi mở, công tâm và khách quan. 

Đến nay, với trách nhiệm là cơ quan giúp việc cho Chính phủ, mà trực tiếp là cho Thủ tướng, với trách nhiệm là Bộ trưởng, Chủ nhiệm, người đứng đầu về công tác Đảng cũng như cơ quan chuyên môn của VPCP, chúng tôi cho rằng đã tích cực giúp cho Thủ tướng trong vấn đề cải cách.

Còn về thang điểm thì chúng tôi không đánh giá được nhưng mừng là mình làm đến đâu cũng đều nhận được sự ủng hộ cao từ công luận, người dân, doanh nghiệp... Họ thấy những việc được Thủ tướng giao, Tổ Công tác có làm được hay không và đã làm như thế nào. Ngoài ra, hoạt động của Tổ Công tác cũng tạo được sức lan tỏa tốt. 

- Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

“Không để kẻ xấu lợi dụng tố cáo để bôi nhọ cán bộ tốt”

- Năm 2020 là năm trước kỳ Đại hội, nhiều ý kiến cho rằng, hiện có tâm lý “thủ thế”, không dám làm, không dám quyết ở các cơ quan quản lý Nhà nước. Chính phủ liệu có giải pháp gì để ngăn chặn, xử lý tình trạng này?

+ Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng: Chính vì những băn khoăn, tâm tư trên, trong nghị quyết về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2020, nội dung không nhắc lại công việc gắn với chức năng, nhiệm vụ thường xuyên, cụ thể của các bộ, ngành, địa phương, mà tập trung các vấn đề thật sự cần thiết, cấp bách, cần sự theo dõi, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng.

Chẳng hạn, người dân đang quan tâm đến vấn đề ô nhiễm môi trường, ô nhiễm khí thải thì nghị quyết của Chính phủ giao chỉ tiêu cụ thể cho Bộ Tài nguyên Môi trường, UBND TP Hà Nội về chỉ số bụi mịn trong không khí (năm 2019 là 140-150 thì năm 2020 giảm xuống chỉ 100). Cuối năm Chính phủ sẽ kiểm tra, xem xét và đánh giá việc thực hiện các chỉ tiêu cụ thể này.

- Một vấn đề nữa, cứ đến gần Đại hội, đơn thư khiếu nại, tố cáo lại tăng lên gây nhiễu thông tin. Là người phát ngôn của Chính phủ, ông có nhận được nhiều đơn thư vậy không? Ông xử lý thế nào trong giai đoạn đặc biệt nhạy cảm này?

+ Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng: Chúng tôi giải quyết đơn thư theo trình tự của Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo. Nếu có thông tin liên quan đến cán bộ thuộc diện Thủ tướng điều hành, quản lý như bộ trưởng, thứ trưởng thì chúng tôi hoặc các cơ quan chức năng khác khi được giao nhiệm vụ đều phải thẩm tra, tránh oan sai, bị nhóm lợi ích, kẻ xấu lợi dụng tố cáo để bôi nhọ thanh danh cán bộ tốt. Còn nếu tố cáo ấy đúng, cũng là dịp để chúng ta sàng lọc cán bộ.


Hương Giang