Đối thoại là giải pháp để thu hút đầu tư

Ông Phạm Duy Hùng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Nguyên cho biết, để tiếp tục quan tâm đến môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh, ngày 29/3/2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), trong đó đưa ra nhiều giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, xây dựng bộ máy chính quyền kỷ cương, liêm chính, hành động và phục vụ của các cấp, các ngành trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đồng thời, tỉnh cũng rất chú trọng tăng cường đối thoại để nắm bắt, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp vừa là yêu cầu, vừa là giải pháp để thu hút đầu tư.

“Đó là một kênh thông tin hết sức quan trọng để chúng ta kịp thời nắm bắt tâm tư, cũng như giải quyết các vướng mắc, đề xuất kiến nghị và có sự trao đổi giữa doanh nghiệp với các cơ quan Nhà nước, với các lãnh đạo tỉnh. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc tiếp xúc với nhân dân, với doanh nghiệp và chỉ đạo các địa phương trong tỉnh đều tổ chức nội dung này”, ông Hùng cho hay.

Bên cạnh đó, Thường trực các huyện phải tiếp xúc với người dân và doanh nghiệp, một năm ít nhất phải có 4 cuộc tiếp xúc và đối thoại chính thức, ngoài ra còn có các cuộc tiếp xúc khác. Còn đối với các sở, ngành, hiện các sở như: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư... cũng thường xuyên có cuộc tiếp xúc trao đổi với doanh nghiệp, thông qua các cuộc trao đổi đã đem lại hiệu quả rõ rệt với tinh thần trao đổi cởi mở, thẳng thắn. Có rất nhiều nội dung doanh nghiệp thắc mắc, kiến nghị của doanh nghiệp được giải quyết.

Tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp đầu tư

Năm 2019, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh, khu vực đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng lên tới 92,87%, trong khi công nghiệp trong nước chỉ chiếm tỷ trọng 7,13%. Thực tế cho thấy, công nghiệp trong nước chiếm tỷ trọng nhỏ, đây cũng là điều lo ngại của các doanh nghiệp địa phương.

Do đó, tỉnh Thái Nguyên rất quan tâm đến các doanh nghiệp phụ trợ thông qua việc hỗ trợ thủ tục pháp lý, giải phóng mặt bằng, nâng cao chỉ số PCI để mời gọi các doanh nghiệp khác.

Còn các doanh nghiệp địa phương, tỉnh cũng tạo điều kiện tối đa về trình tự thủ tục cũng như đào tạo lao động, có cơ chế hỗ trợ vốn để hỗ trợ cho các lĩnh vực đang quan tâm như: Nông nghiệp công nghệ cao, giáo dục, y tế... để các doanh nghiệp nhanh chóng tiếp cận được. Bản thân doanh nghiệp cũng tiếp cận được các nguồn lực để tham gia vào thị trường, chuỗi giá trị với doanh nghiệp nước ngoài, để tỷ trọng doanh nghiệp địa phương dần cao hơn, tương xứng với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, hiện nay khó khăn lớn nhất trong việc triển khai các dự án đầu tư là công tác giải phóng mặt bằng. Để tháo gỡ vấn đề này, tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo trách nhiệm bồi thường giải phóng mặt bằng là trách nhiệm của cấp huyện, còn các sở, ngành tham mưu giải pháp tháo gỡ những cơ chế về quy hoạch, về giá bồi thường và những cơ chế đặc thù trong bồi thường giải phóng mặt bằng.

Chính vì vậy, trong thời gian qua công tác giải phóng mặt bằng của tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính trong giải phóng mặt bằng như việc xây dựng kế hoạch sử dụng đất, xác định giá đất để bồi thường làm sao vừa đảm bảo quyền lợi cho nhân dân vừa đẩy nhanh tiến độ.

“Tuy nhiên, công tác giải phóng mặt bằng cũng là công việc khó, trong một số trường hợp còn vướng mắc về đất đai, thủ tục pháp lý, hay một số trường hợp người dân, tổ chức chưa tích cực hay cản trở trong thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng. Với những trường hợp này, tỉnh đã đẩy mạnh vận động, tuyên truyền và có biện pháp cưỡng chế để thực hiện giải phóng mặt bằng cho dự án”, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thái Nguyên cho hay.

Sự tham gia của doanh nghiệp có vai trò rất quan trọng

Mặt khác, để cải thiện chỉ số PCI, bên cạnh những quyết tâm, vào cuộc của hệ thống chính trị, thì sự đồng hành, tham gia của các doanh nghiệp, doanh nhân có vai trò rất quan trọng. Việc quản lý Nhà nước và hệ thống chính trị tạo điều kiện tối đa, tháo gỡ khó khăn, cũng như tạo môi trường thông thoáng nhất để các cá nhân, doanh nghiệp có điều kiện khởi nghiệp, kinh doanh. Bên cạnh đó, vai trò nâng cao năng lực trình độ, nguồn lực, khả năng tiếp cận pháp luật và hiểu quy định củaNhà nước đối với các doanh nghiệp và cá nhân, nhân dân khi tham gia kinh doanh cũng hết sức quan trọng.

Ông Hùng cho biết thêm, trong thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp, thông qua hiệp hội doanh nghiệp tỉnh đã luôn sẵn sàng đồng hành với tỉnh, tuyên truyền, vận động và phổ biến chính sách đến các doanh nghiệp và các doanh nghiệp đã cơ bản chấp hành tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước, vận dụng các cơ chế ưu đãi của Nhà nước áp dụng đối với doanh nghiệp mình.

“Với nỗ lực quyết tâm của tỉnh, chỉ số PCI của tỉnh Thái Nguyên đã cải thiện, chúng tôi cũng rất mong muốn trong thời gian tới, các doanh nghiệp trong quá trình sản xuất kinh doanh có vấn đề vướng mắc sẽ trao đổi trực tiếp với tỉnh, đồng thời nâng cao trách nhiệm trong thực thi pháp luật và thực hiện tốt trách nhiệm với địa phương; đóng góp các ý kiến, đề xuất các cơ chế, chính sách vì sự phát triển chung của tỉnh”, ông Hùng nói.

Bảo Anh