Mới đây, đơn vị này tiếp tục có đề xuất làm trạm biến áp và đường dây 110kV trong khi thực tế quy hoạch thủy điện đòi hỏi phải làm đường dây 220kV. Đề xuất này bị coi là đi ngược chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và ngược xu hướng phát triển.

Đề xuất không hợp lý

Ngày 19/8 vừa qua, Sở Công Thương Lai Châu đã tổ chức cuộc họp giải quyết khó khăn, vướng mắc liên quan đến một số dự án điện.

Trước đó, ngày 3/7/2019, Công ty Cổ phần thủy điện Pắc Ma (Công ty Pắc Ma thuộc Tập đoàn Hưng Hải - một trong những đơn vị đầu tư nhiều dự án thủy điện nhất trên địa bàn tỉnh Lai Châu) đã có Văn bản số 126/2019/TĐPM-NL kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sớm triển khai đầu tư hệ thống đường dây 110kV để đấu nối dự án Nhà máy thủy điện Pắc Ma, Nậm Củm 4 hoặc tách dự án đường dây 110kV trên giao cho doanh nghiệp đầu tư, sau khi hoàn thành EVN tiếp nhận và hoàn trả vốn đầu tư cho doanh nghiệp.

Trên cơ sở kiến nghị trên, Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 6354/VPCP-CN ngày 17/7/2019 truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo Bộ Công Thương phối hợp với các bộ rà soát thủ tục điều chỉnh bổ sung quy hoạch, đồng thời xem xét đề nghị của Công ty Pắc Ma tại văn bản nêu trên.

Tại hội nghị, Công ty Pắc Ma tiếp tục có ý kiến cho rằng đã đầu tư nguồn tài chính lớn vào hai dự án thủy điện, theo kế hoạch sẽ hoàn thành phát điện vào quý IV/2019, nếu để kéo dài doanh nghiệp có nguy cơ phá sản.

Tự tin hơn, đại diện Hưng Hải trong cuộc họp còn tuyên bố tập đoàn này đã làm việc với Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và trong văn bản Phó Thủ tướng chỉ đạo Lai Châu rà soát lại các dự án thủy điện chính là để theo hướng chấp thuận làm đường dây và trạm biến áp 110kV cho kịp tiến độ, để đảm bảo quyền lợi doanh nghiệp. Tuy nhiên, ý kiến này chưa được hội nghị chấp thuận vì trên thực tế, Phó Thủ tướng không có nội dung nào chỉ đạo như vậy.

Phối cảnh Thủy điện Pắc Ma. Ảnh: Minh Anh

 

Chính phủ đã chỉ đạo điều chỉnh biến áp và đường dây 220kV

Tuy nhiên, đây là một kiến nghị khó có thể thực hiện bởi đường dây và trạm biến áp 110kV theo quy hoạch cũ đã trở thành một chiếc áo quá chật so với thực tế phát triển các dự án điện trên địa bàn tỉnh Lai Châu. Kiến nghị này cũng đi ngược lại với chính chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ gần đây và chính quy hoạch, kiến nghị của Bộ Công Thương.

Theo báo cáo của EVN gửi Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ ngày 29/1/2019 thì tỉnh Lai Châu chiếm tỷ trọng lớn công suất các nguồn thủy điện vừa và nhỏ của khu vực Tây Bắc với 1.164MW trong tổng số 2.900MW của khu vực.

Trong bối cảnh hệ thống đường dây truyền tải điện hiện có đều đã đầy tải, để giải tỏa hết công suất các nguồn thủy điện tỉnh Lai Châu, EVN kiến nghị bổ sung vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh các công trình lưới điện có trạm biến áp 220kV Pắc Ma và đường dây 220kV Pắc Ma - Mường Tè.

Trước đó, tháng 12/2018, tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Lai Châu, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chỉ đạo và giao cho Bộ Công Thương, EVN khẩn trương làm việc với tỉnh thống nhất điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch đầu tư nâng cấp hệ thống kết nối đường dây truyền tải phù hợp với tình hình địa phương. Trong đó, nâng cấp đường dây 110kV Mường Tè - Pắc Ma lên 220kV, bổ sung trạm 220kV Pắc Ma để hoàn thành trong năm 2019.

Lý giải về vấn đề lựa chọn phương án quy hoạch đường dây, trạm biến áp 220kV Pắc Ma - Mường Tè, trong tờ trình gửi UBND tỉnh, Giám đốc Sở Công Thương Lai Châu Nguyễn Sỹ Chín phân tích: Theo quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Lai Châu giai đoạn 2016-2025 có xét đến 2035 đã được Bộ Công Thương phê duyệt năm 2018, huyện Mường Tè được quy hoạch 1 trạm biến áp 220kV tại xã Vàng San và tuyến đường dây 220kV đến trạm biến áp 550kV thủy điện Lai Châu; 1 trạm biến áp 110kV tại xã Pắc Ma và tuyến đường dây 110kV Pắc Ma, Nậm Cúm đi trạm biến áp 220kV tại xã Vàng San để truyền tải công suất các nhà máy thủy điện khu vực Mường Tè lên lưới điện quốc gia.

Tại thời điểm quy hoạch, Bộ Công Thương chỉ cho cập nhật vào quy hoạch phát triển điện lực đối với các nhà máy đã được phê duyệt quy hoạch nguồn, trong đó huyện Mường Tè có 25 công trình với tổng công suất 556MW. Do đó, đơn vị tư vấn chỉ đưa ra phương án quy hoạch 1 trạm biến áp 220kV Mường Tè tại xã Vàng San và 1 trạm biến áp 110kV tại xã Pắc Ma.

Tuy nhiên, đến nay, Bộ Công Thương đã bổ sung quy hoạch trên địa bàn huyện Mường Tè và một phần huyện Nậm Nhùn 39 dự án thủy điện với tổng công suất khoảng 772MW.

Ngoài ra, còn 29 dự án thủy điện tiềm năng với tổng công suất khoảng 300MW, nâng tổng công suất của các dự án lên khoảng 1.072MW. Do đó, nếu không bổ sung quy hoạch trạm biến áp 220kV Pắc Ma và đường dây 220kV Pắc Ma - Mường Tè thì sẽ không truyền tải hết công suất của các dự án thủy điện trên địa bàn.

Để giải tỏa hết công suất các nhà máy thủy điện đã được phê duyệt quy hoạch và các dự án thủy điện tiềm năng dự kiến bổ sung quy hoạch, ngày 21/5/2019, Bộ Công Thương đã có Văn bản số 3544/BCT-ĐL trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh, bổ sung quy hoạch trạm biến áp 220kV Pắc Ma (2X250MVA) và đường dây 220kV Pắc Ma - Mường Tè (2X36km).

Thủy điện Pắc Ma thời điểm tháng 4/2019. Ảnh: Minh Anh

 

Không thể lựa chọn cái lạc hậu vì lợi ích cục bộ

Tại cuộc họp do Sở Công Thương Lai Châu tổ chức sáng 19/8/2019, hầu hết ý kiến của lãnh đạo địa phương, sở, ngành, các doanh nghiệp đều thống nhất phải tìm ra phương án khả thi, giải quyết hài hòa lợi ích của nhà đầu tư và yêu cầu phát triển lâu dài.

Theo đó, phương án bổ sung quy hoạch trạm biến áp 220kV Pắc Ma và đường dây 220kV Pắc Ma - Mường Tè là cần thiết. Phương án tiếp tục đầu tư đường dây, trạm biến áp 110kV theo quy hoạch cũ sẽ có thể tạo ra hệ lụy phải đầu tư mới thêm một hệ thống đường dây và trạm biến áp song song, vừa tốn kém vừa không khả thi vì không còn quỹ đất để thực hiện.

“Phải quy hoạch theo tư duy phát triển, chứ không thể đi lùi. Nếu chúng ta tiếp tục đầu tư theo quy hoạch cũ thì ai sẽ chịu trách nhiệm về sự lãng phí. Phải vì sự phát triển của tỉnh, có khó khăn cho nhà đầu tư thì phải tháo gỡ chứ không thể lựa chọn cái lạc hậu chỉ vì lợi ích cục bộ?” - ông Nguyễn Sỹ Chín phát biểu.

Chung quan điểm trên, ông Tống Văn Dương, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Tè khẳng định: “Phải vì tương lai sau này. Người ta sẽ nói gì về tỉnh Lai Châu, về tầm nhìn của lãnh đạo nếu quy hoạch kém?”.

Được biết, Sở Công Thương Lai Châu đã tham mưu UBND tỉnh Lai Châu tiếp tục kiến nghị Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ Đề án điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển điện lực các công trình lưới điện truyền tải phục vụ giải tỏa công suất thủy điện khu vực Tây Bắc và lân cận. Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương trước mắt cho phép Công ty Pắc Ma, Công ty cổ phần thủy điện Nậm Củm đầu tư đường dây 110kV Pắc Ma - Mường Tè với yêu cầu đầu tư xây dựng móng, cột, dây dẫn và các thiết bị điện phải đảm bảo tiêu chuẩn cấp điện áp 220kV để khi trạm biến áp 220kV Pắc Ma (2X250MVA) và đường dây 220kV Pắc Ma - Mường Tè (2X36km) được điều chỉnh, bổ sung quy hoạch sẽ tận dụng được cơ sở vật chất đã đầu tư cho tuyến đường dây 110kV Pắc Ma - Mường Tè, tránh lãng phí...

Mặt khác, nếu đầu tư đường dây và trạm biến áp 110kV thì sẽ chỉ khai thác được 50-70% công suất các dự án đã đầu tư, gây ra hệ lụy và lãng phí hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm.

Theo Bộ Công Thương, cả nước có thể đối mặt nguy cơ thiếu điện từ năm 2020 do một loạt dự án bị chậm tiến độ. Do đó, việc phát triển đầu tư, khai thác tiềm năng điện ở các vùng miền có tiềm năng như tỉnh Lai Châu là đòi hỏi cấp bách.

Trong văn bản thông báo ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về tình hình cung ứng điện của hệ thống điện quốc gia và các giải pháp đảm bảo cung ứng điện đến năm 2025, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phát triển điện “luôn phải đi trước một bước”. Với tinh thần đó thì rõ ràng câu chuyện rà soát lại quy hoạch các dự án điện ở tỉnh Lai Châu hiện nay phải được thực hiện theo hướng cập nhật các quy hoạch mới, giải tỏa các nguồn điện tại những dự án đã được phê duyệt, tránh đầu tư chồng chéo, lãng phí và gây nhiều hệ lụy nếu phải triển khai hai hệ thống đường dây, trạm biến áp 110kV và 220kV song song.

Câu chuyện đã rõ ràng nhãn tiền như vậy nhưng hiện nay lãnh đạo tỉnh Lai Châu, UBND tỉnh Lai Châu vẫn còn lúng túng chưa có quyết định một cách rõ ràng và cụ thể.

Minh Anh