Tính chung 8 tháng năm 2019, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) ước tính tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng 10,8% của cùng kỳ năm 2018 nhưng cao hơn mức tăng 8,2% và 7,2% của cùng kỳ năm 2017 và năm 2016.

Dự báo kim ngạch hàng hóa xuất khẩu những tháng cuối năm nhiều khó khăn. Ảnh: TQ

Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu 8 tháng năm 2019 ước tính đạt 169,98 tỷ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2018. Mặc dù đây là mức tăng thấp hơn so với cùng kỳ của năm 2017 - 2018 (tăng tương ứng 19,9% và 16,7%) nhưng cho thấy nỗ lực rất lớn và là xu hướng tích cực trong bối cảnh thương mại toàn cầu diễn biễn phức tạp.

Đáng chú ý, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu 8 tháng của khu vực kinh tế trong nước tăng 13,9% (đạt 52,04 tỷ USD), cao hơn nhiều tốc độ tăng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 117,94 tỷ USD, tăng 4,6%, qua đó tỷ trọng của khu vực kinh tế trong nước tiếp tục xu hướng tăng lên, chiếm 30,6% tổng kim ngạch xuất khẩu (cùng kỳ năm trước là 28,8%).

Lũy kế 8 tháng năm 2019, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam ước đạt 166,58 tỷ USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 70,43 tỷ USD, tăng 13,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 96,15 tỷ USD, tăng 4,8%.

Cán cân thương mại, tính chung 8 tháng năm 2019 Việt Nam ước tính xuất siêu 3,4 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 4,85 tỷ USD), trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 18,4 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 21,8 tỷ USD.

Bộ Công thương dự báo, trong những tháng cuối năm 2019, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng với động lực chính là các nhóm ngành truyền thống như dệt may, giày dép và đồ gỗ... 

Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại với các yếu tố rủi ro gia tăng, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang leo thang kết hợp với sự xung đột thương mại giữa Nhật Bản và Hàn Quốc đang làm gia tăng những lo ngại về sự suy giảm của nền kinh tế toàn cầu, xuất khẩu hàng hóa trong ngắn hạn khó có thể tăng mạnh như năm 2017 và 2018.

TQ