Hiệp định TPP khi có hiệu lực, sẽ hình thành một khu vực mậu dịch tự do chiếm tới 40% kinh tế và 30% thương mại toàn cầu với 800 triệu dân được dự báo sẽ bổ sung cho GDP thế giới thêm gần 300 tỷ USD mỗi năm. Cho đến thời điểm này, mặc dù nội dung của Hiệp định TPP chưa được công bố chi tiết, quốc hội 12 nước tham gia đàm phán TPP vẫn chưa phê chuẩn. Nhưng sức “nóng” của TPP đã lan rộng đến cộng đồng doanh nghiệp Việt, cũng như đón nhận nhiều ý kiến đánh giá của các chuyên gia kinh tế, cùng sự thu hút mạnh mẽ từ phía dư luận.

Thực tế, TPP tác động tới doanh nghiệp Việt như thế nào? Ngành nào được hưởng lợi? Ngành nào chịu tác động? Việc Việt Nam vào TPP được cho là sẽ tác động trực tiếp tới các vấn đề việc làm, tiền lương, thu nhập của người lao động, mô hình công đoàn, rủi ro pháp lý… Doanh nghiệp Việt Nam cần và phải làm gì để sẵn sàng thích ứng với các tác động này? Cơ chế chính sách trong quản lý Nhà nước cần có những thay đổi và điều chỉnh gì sau khi Việt Nam vào TPP, để có thể hỗ trợ tốt nhất cho hoạt động của các doanh nghiệp?

Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, Hiệp định TPP tạo thuận lợi cho Việt Nam trong việc thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp, các tập đoàn kinh tế trong các nước tham gia TPP, nhất là những lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn.

Về mặt kinh tế, Bộ trưởng cho rằng, TPP sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 23 tỷ USD vào năm 2020 và 33,5 tỷ USD vào năm 2025. Xuất khẩu sẽ tăng thêm được 68 tỷ USD vào năm 2025. Các ngành kinh tế mũi nhọn như dệt may, giày dép, thủy sản...sẽ có bước phát triển vượt bậc về kim ngạch xuất khẩu sang những thị trường này.

Về nông nghiệp, Việt Nam sẽ phải nỗ lực, biến thách thức thành cơ hội để đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế. "Lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam còn yếu, nhất là chăn nuôi, do tính chất sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, năng suất lao động thấp. Chính vì thế trong đàm phán không chỉ riêng trong đàm phán Hiệp định TPP mà trong cả các hiệp định khác trước đây, chúng ta bao giờ cũng cố gắng để các nước chấp nhận cho Việt Nam có một lộ trình tương đối dài, bảo hộ một cách hợp lý những sản phẩm mà chúng ta còn đang yếu." - Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng lưu ý.

Tuy nhiên, theo nhận định đánh giá của ông Trần Duy Khanh, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam thì bên cạnh những khó khăn phải đối mặt, doanh nghiệp, hộ chăn nuôi trong nước vẫn có những lợi thế nhất định trong ngành này. Nhất là nuôi gà lông màu và gà thả vườn. Xu thế của thế giới là tận dụng sử dụng sản phẩm gà sạch, tự nhiên. Như gần đây nhất, Tập đoàn KFC thông báo sẽ hạn chế mua trứng gà của gà công nghiệp, chuyển sang mua trứng của gà thả tự do. Về thủy cầm, Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về sản lượng thủy cầm, chỉ đứng sau Trung Quốc. Vấn đề là doanh nghiệp cần tổ chức sản xuất như thế nào để nắm bắt cơ hội. Xu thế con người là cần thêm sản phẩm có chất lượng, như vậy doanh nghiệp phải chuyển sang mô hình chăn nuôi không tiêm phòng, chăn nuôi thức ăn sạch. Doanh nghiệp phải nắm bắt được nhu cầu thị trường đang cần gì, thì doanh nghiệp đáp ứng nhu cầu đó.

Bên cạnh mảng màu sáng về tăng trưởng xuất khẩu, sức ép cạnh tranh đối với các doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia Hiệp định TPP cũng rất lớn. Việc đưa thuế nhập khẩu về 0% trong các thành viên chịu tác động của TPP sẽ làm cho hàng hóa nhập khẩu từ các nước vào Việt Nam ngày càng nhiều. Khi đó các doanh nghiệp sản xuất trong nước sẽ gặp không ít khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm và sẽ chịu sức ép cạnh tranh nhiều hơn, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ngược lại, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày, thủy sản, đồ gỗ…sẽ được miễn hoặc giảm thuế đáng kể khi tiếp cận thị trường Mỹ, Australia và các nước đối tác khác.

Mặc dù được hưởng lợi nhiều từ hiệp định này, song các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần chuẩn bị “tâm thế” để cạnh tranh với hàng nước ngoài chất lượng cao, giá thành phải chăng, cũng như thích nghi với các điều kiện khắt khe khi xuất khẩu sang các nước thành viên TPP. Cùng với đó là sự đổi mới về công nghệ, sáng tạo trong sản xuất nhằm đáp ứng được những yêu cầu cao nhất của thị trường các nước. Đây sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp Việt tự “làm mới” mình, tạo sức bật để hội nhập thương trường quốc tế.

Quang Đông