Chiều 22/4, Tổ công tác Chính phủ làm việc với các bộ, ngành nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về mặt thể chế, cơ chế, chính sách, quy định pháp luật cho doanh nghiệp (DN). Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, những quy định thuộc trách nhiệm của Chính phủ, Tổ công tác sẽ tiếp thu, trình Thủ tướng xem xét, tháo gỡ tại cuộc họp Chính phủ đầu tháng 5 tới.

Khách sạn có sao sẽ không cần xin giấy phép bán rượu

Đi vào vấn đề cụ thể, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho hay, Hiệp hội Bia, rượu, nước giải khát Việt Nam kiến nghị bãi bỏ quy định, cơ sở lưu trú du lịch đã được công nhận xếp hạng sao hoặc hạng sao cao cấp phải xin cấp giấy phép bán rượu tiêu dùng tại chỗ. Thay vào đó, cơ sở lưu trú chỉ cần có thông báo cho cơ quan quản lý Nhà nước là có bán rượu.
Khách sạn làm du lịch được công nhận xếp hạng sao, xếp hạng cao cấp thì có cần phải xin cấp giấy phép bán rượu tiêu dùng không? Nếu không cần giấy phép thì thế nào?, Tổ trưởng Tổ công tác đặt vấn đề.

Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An nêu quan điểm, giấy phép không cần thiết thì nên bỏ. Tới đây, Nghị định 105 về kinh doanh rượu phải sửa đổi để bảo đảm phù hợp với Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia nếu được Quốc hội thông qua.

Theo ông An, quy định cấp giấy phép bán rượu tiêu dùng tại chỗ có mục đích để kiểm soát rượu có nguồn gốc không, có ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng không. Với khách sạn 5 sao không lý gì họ bán rượu lậu, nhưng không chắc không bán rượu lậu, nên vẫn cần biện pháp quản lý để kiểm soát.

Nghe vậy, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, các cơ sở lưu trú du lịch đã được xếp hạng, xếp sao là đã được đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật. Vấn đề đặt ra là có quản lý không chứ không phải có giấy phép hay không? Cần xem lại 1 năm đã kiểm tra bao nhiêu cơ sở lưu trú, phạt bao nhiêu DN liên quan đến bán rượu không có giấy phép?

“Càng có tem càng không phải rượu chính phẩm, rượu thật, mà giờ người ta uống rượu không tem”, ông Dũng nêu thực tế và đặt ra yêu cầu, làm sao để vẫn kiểm tra, kiểm soát được nhưng giảm bớt thủ tục, tiếp cận theo cách xử lý thuận lợi cho DN.

Hơn nữa, luật cũ, theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, luật không quy định cơ sở lưu trú phải có giấy phép, nghị định hướng dẫn lại quy định cơ sở lưu trú phải có giấy phép bán rượu là không cần thiết.

“Chỉ cần thông báo cho cơ quan có thẩm quyền về việc bán rượu, có hợp đồng với cơ sở, sản xuất kinh doanh rượu đạt yêu cầu. Chúng tôi sẽ báo cáo Chính phủ theo hướng như vậy. Nếu chỉ đặt vấn đề quản lý mà không tạo điều kiện cho phát triển thì chỉ đạt được một mục tiêu thôi”, Tổ trưởng Tổ công tác cho biết và nêu quan điểm, “quản lý không buông lỏng nhưng cần tháo thủ tục cho doanh nghiệp”.

Toàn cảnh buổi làm việc 

 

Đề nghị bãi bỏ quy định cấm bán rượu trên internet

Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam còn đề nghị, bãi bỏ quy định cấm bán rượu trên internet tại Nghị định 105/2017/NĐ-CP về kinh doanh rượu và Điều 20 của dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Theo Hiệp hội này, việc cho phép bán rượu trên internet giúp cho việc kiểm soát tiêu thụ rượu trên thị trường tốt hơn, hạn chế người chưa đủ tuổi, giáo dục và cung cấp các thông tin về sản phẩm, ngăn chặn việc kinh doanh các sản phẩm bất hợp pháp, tăng thu ngân sách.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho rằng, việc kiểm soát bán hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng trên mạng điện tử đang rất khó khăn.

"Nếu Quốc hội thông qua Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia bỏ quy định này đi thì vẫn cần kiểm soát bán rượu bia trên mạng Internet. Đã mở ra thì phải giám sát vì nó phức tạp", ông An cho biết thêm.

“Nếu trường hợp Quốc hội thông qua Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia mà bỏ điều khoản này trong dự thảo thì sẽ sửa Nghị định 105. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng vẫn phải tiếp tục xây dựng chương trình kiểm soát bán rượu trên internet để kiểm soát được thực sự”, ông An nói và lưu ý, trên mạng Internet, tên người bán, tuổi của người mua đều là ảo.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, dự thảo luật đang trình Quốc hội cho ý kiến, thông qua, Tổ công tác xin ghi nhận ý kiến của Hiệp hội. “Chúng tôi sẽ tham gia theo hướng làm sao thuận lợi nhưng vẫn quản lý được, không đặt vấn đề không quản lý được thì cấm”, ông nói.

Rào cản DN phải rà soát cắt bỏ

Một vấn đề nữa, theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Thông tư 21/2017 ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mức giới hạn hàm lượng Formaldehyt và các amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may do Bộ Công thương ban hành giao DN công bố hợp quy hàng hoá nhập khẩu, nhưng đang yêu cầu cung cấp nhiều thông tin, gây khó khăn cho DN.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An cho hay, để tháo gỡ các vướng mắc, lãnh  đạo Bộ đã làm việc với các DN và đã có hướng dẫn cụ thể. Theo ông An, Formaldehyt ảnh hưởng tới sức khỏe con người, cho nên kiểm soát cả chuỗi là việc nên làm.

“Chúng tôi sẽ ngồi lại với DN xem giấy tờ nào thừa thì sẽ xem xét để bãi bỏ”, Thứ trưởng Bộ Công thương nói.

Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam nhấn mạnh, cần ngồi lại với nhau để làm rõ hơn vấn đề, nhất là thủ tục giấy tờ không cần thiết nên rà lại để đơn giản hoá cho DN.

“Bộ Công thương đã tích cực lắng nghe DN liên quan tới vướng mắc này”, Tổ trưởng Tổ Công tác đánh giá và đặt vấn đề, hàm lượng Formaldehyt trong sản phẩm may mặc phải hiểu xuất phát từ nguyên liệu. Cho nên, phải xem công bố danh mục như vậy đã đúng chưa. Có cách gì để DN không mất nhiều thời gian kê khai mà vẫn kiểm soát được không?

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, khi rà soát lại thấy cái gì không cần kê khai thì phải lược bỏ cho DN. Ông cũng nhắc lại tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là tháo gỡ ngay những khó khăn, ảnh hưởng tới mục tiêu tăng trưởng năm 2019. Những thủ tục không cần thiết, tạo ra chi phí, rào cản cho DN thì thống nhất đề xuất Thủ tướng cắt bỏ.

Hương Giang