Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, với trên 120 triệu thuê bao di động (trong đó thuê bao di động 3G chiếm khoảng 30%) và trên 40 triệu người sử dụng Internet, 34% trong đó truy nhập Internet bằng các thiết bị di động, những năm qua phương thức giao dịch điện tử ở Việt Nam phát triển nhanh, được đánh giá là rất có tiềm năng.

Trao đổi tại diễn đàn, Phó Thủ tướng cho biết: Năm 2014, khi Nghị quyết 19/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, một trong những lý do, niềm tin các bộ, ngành có thể thực hiện được mục tiêu giảm hàng trăm giờ nộp thuế, bảo hiểm, thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu chính là đẩy mạnh thanh toán điện tử.

Bên cạnh đó, hiện người dân có rất nhiều giao dịch trực tiếp với Nhà nước như nộp thuế hoặc những giao dịch với những doanh nghiệp (DN) cung cấp dịch vụ công như điện, nước, thanh toán bảo hiểm, khám chữa bệnh... là thị trường rất lớn cho giao dịch, thanh toán điện tử phát triển.

Thậm chí một số nghiên cứu trên thế giới cho thấy nếu một nền kinh tế sử dụng 90% thanh toán điện tử thì GDP sẽ tăng thêm khoảng 1%.

Tuy nhiên, dù có những ưu điểm, thuận lợi, tiềm năng lớn nhưng thanh toán điện tử ở Việt Nam vẫn chưa phát triển được như kỳ vọng. “Không kể những văn bản, quy định đầu tiên về thanh toán không dùng tiền mặt từ những năm 1960, đến năm 2005 chúng ta đã có Luật Giao dịch điện tử, sau đó là quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử, cùng hàng loạt quyết định, nghị quyết, các đề án về Chính phủ điện tử, dịch vụ công  trực tuyến, về cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển thương mại điện tử... nhưng đến hôm nay nhìn lại phải thừa nhận thương mại điện tử phát triển nhanh nhưng tiềm năng còn rất lớn. Thanh toán điện tử còn thấp hơn rất nhiều so với kỳ vọng, kể cả giữa Chính phủ với DN, Chính phủ với người dân, DN với người dân”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá và đặt vấn đề: Tại sao thanh toán điện tử ở Việt Nam vẫn thấp như vậy, phải chăng do thói quen?

Khẳng định sự mong muốn, ủng hộ của Chính phủ cũng như độ sẵn sàng về điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, công nghệ, Phó Thủ tướng nhấn mạnh điểm mấu chốt đối với phát triển thanh toán điện tử ở Việt Nam chính là tuyên truyền, có cơ chế khuyến khích người dân thay đổi thói quen từ thanh toán tiền mặt sang thanh toán điện tử.

“Khuyến khích này không chỉ từ chính sách cụ thể của cơ quan chức năng để giảm thanh toán tiền mặt, hay giải pháp công nghệ, giảm phí dịch vụ mà còn bắt đầu bằng việc tuyên truyền để người dân hiểu và quen dần với thanh toán điện tử”, Phó Thủ tướng mong muốn và tin tưởng “với sự chung tay của tất cả các cơ quan, bộ ngành, DN, thanh toán điện tử sẽ trở nên quen thuộc, thuận tiện hơn. Từ đó không chỉ giúp đất nước phát triển nhanh hơn mà còn góp phần làm minh bạch, chống tham nhũng, lãng phí”.

Song Anh