Thông tin tại buổi họp báo của Bộ Công Thương diễn ra ngay sau khi Nghị viện châu Âu bỏ phiếu chính thức phê chuẩn Hiệp định, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết: “Đây là một kết quả tốt đẹp, có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với Việt Nam và Liên minh châu Âu. Kết quả đó là nỗ lực của quá trình chia sẻ, hợp tác không ngừng nghỉ suốt 8 năm qua của hai bên, từ lúc bắt đầu đàm phán, ký kết, hoàn thiện thủ tục pháp lý và thông qua”.

Hiện nay, EU là một trong số thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này năm 2019 đạt 41,48 tỉ USD và nhập khẩu đạt 14,91 tỉ USD.

Do vậy, Hiệp định sẽ giúp Việt Nam có điều kiện thúc đẩy xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường, thu được giá trị gia tăng cao hơn thông qua việc thiết lập các chuỗi cung ứng mới.

Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ được tiếp cận công nghệ nguồn, công nghệ phụ trợ và tham gia chuỗi cung ứng để đưa vào EU. Nhưng cùng với việc phải vượt qua hàng rào tiêu chuẩn về truy xuất nguồn gốc, vệ sinh an toàn thực phẩm, các doanh nghiệp phải đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường, chất lượng cao hơn nữa.

EU có nhiều quy định không chỉ liên quan đến tiêu chuẩn sản phẩm mà cả đối với quy trình sản xuất ra sản phẩm đó, như không được dùng hải sản được đánh bắt bất hợp pháp hay không được dùng gỗ khai thác từ rừng tự nhiên mà chưa được phép - Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Trao đổi với báo chí về lộ trình EU cắt giảm các dòng thuế khi EVFTA có hiệu lực, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thông tin: Ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU.

Sau 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan (TRQ) với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%. 

Như đối với hàng dệt may, trong vòng 5 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế quan với 77,3% kim ngạch xuất khẩu của ta, 22,7% kim ngạch còn lại sẽ được xóa bỏ sau 7 năm.

Hay như với mặt hàng giày dép xuất khẩu vào EU, phía bạn cam kết giảm thuế xuống 0% đối với 42,1% kim ngạch xuất khẩu của ta ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Sau 07 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực thì tỷ lệ cắt giảm thuế sẽ là 100%. 

Ngoài ra, các sản phẩm củ quả, rau củ quả chế biến, nước hoa quả khác, túi xách, vali, sản phẩm nhựa, sản phẩm gốm sứ thủy tinh…về cơ bản sẽ được xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực. 

Tại buổi họp báo, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng khẳng định, Chính phủ Việt Nam sẽ sớm hoàn thiện thủ tục pháp lý, trình Quốc hội phê chuẩn Hiệp định trong thời gian tới.

Trước mắt, theo quy định của EU, Hiệp định EVFTA sẽ cần được Hội đồng châu Âu phê duyệt để có hiệu lực. Hiệp định sẽ có hiệu lực vào ngày đầu tiên của tháng thứ hai sau khi hai bên thông báo cho nhau về việc đã hoàn tất thủ tục trong nước hoặc vào một thời điểm khác do hai bên thống nhất.

Về phía Việt Nam, Chính phủ cũng đang đẩy nhanh việc thực hiện các quy trình, thủ tục trong nước để hai Hiệp định này sớm được Quốc hội phê chuẩn. Song song với việc hoàn tất các thủ tục phê chuẩn, công tác chuẩn bị cho việc thực thi Hiệp định cũng đã được tiến hành.

EVFTA mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập vào thị trường đầy tiềm năng với 508 triệu dân và tổng sản phẩm nội địa (GDP) khoảng 18.000 tỷ USD. EU là một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam, với kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2018 đạt 55,8 tỷ USD (trong đó xuất khẩu đạt 41,9 tỷ USD, nhập khẩu đạt 13,9 tỷ USD).

Bình Yên