Tăng trưởng đạt 7% có khả năng cao

+ Trong báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2018 vừa công bố, nhóm nghiên cứu đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng (một đạt 6,83%; hai chỉ xấp xỉ 6,49%). Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Hai kịch bản này phản ánh tương đối thực chất nền kinh tế Việt Nam. Đó là, Việt Nam hội nhập rất sâu vào nền kinh tế thế giới nên có những điểm thuận để tăng trưởng khá nhanh nếu kinh tế thế giới thuận. Nhưng sẽ có những trục trặc nhất định nếu nền kinh tế thế giới có những suy thoái.

+ Ông nghiêng về kịch bản tăng trưởng 2018 nào hơn?

- Tôi nghĩ, năm nay, tăng trưởng đạt khoảng 7% có khả năng cao hơn. Vì nền kinh tế thế giới, nhất là khu vực châu Á, kể cả Bắc Á, Bắc Triều Tiên đang có những biến đổi thuận lợi.

Điều này tạo sự phấn khích hơn với nhà đầu tư và họ nghĩ rằng, khu vực châu Á thực sự là trỗi dậy hòa bình - điểm nhấn rất lớn mà Việt Nam có thể thụ hưởng. Tuy nhiên, thế giới sẽ có những biến động khác biệt hơn trong vòng 3 - 5 năm tới nên Việt Nam phải chuẩn bị.

“Phải coi thị trường trong nước là điểm tựa chiến lược”

+ Theo ông, trong bối cảnh hiện nay, sự chuẩn bị nào là hợp lý?

- Một đất nước phát triển phải dựa trên 3 động lực lớn.

Đầu tiên là động lực về tư duy, sự quyết liệt, quyết tâm, tôi thấy Việt Nam đang có chuyển động rất tốt.

Động lực thứ 2 mang tính thiết chế buộc mọi người, các chủ thế kinh tế từ cá nhân, doanh nghiệp đến các địa phương phải có hành vi kiến tạo thay vì có cơ hội là chộp giật, tạo ra những lực cản.

Động lực thứ 3 là chiến lược. Tức là, người làm chính sách chiến lược phải làm sao để các địa phương, doanh nghiệp đều cố gắng cộng hưởng, hợp tác với nhau để tạo giá trị cao hơn.

Cả động lực thứ 2 và thứ 3 chúng ta còn hạn chế.  Nếu Việt Nam vượt qua được mức cơ sở - động lực tư duy và sự quyết liệt, quyết tâm để tạo ra thiết chế cho tương lại và tầm chiến lược thì mới sẵn sàng cho thời gian sắp tới khi mà thách thức, sự cạnh tranh ở tất cả các khu vực quyết liệt hơn. Chưa kể, Samsung có thể quay trở lại Bắc Triều Tiên để đầu tư sản xuất.

Hiện Việt Nam hội nhập rất sâu vào nền kinh tế thế giới, đó là điểm thuận lợi. Nhưng từ đó phải tạo ra bàn đạp để người Việt Nam trỗi dậy chứ nếu sống theo kiểu nhà “mặt tiền” thì rõ ràng khả năng phát triển sẽ không được xa.

+ Nhìn các nước xung quanh như Trung Quốc, Ấn Độ đang tập trung robot hóa trong sản xuất, trong khi năng xuất lao động của Việt Nam vẫn rất thấp. Vậy chúng ta cạnh tranh bằng gì?

- Việt Nam có những lợi thế rất căn bản. Đó là, vị trí của Việt Nam rất chiến lược, địa phương nào cũng thâm nhập thế giới được, xuất khẩu được. Riêng lượng khách du lịch tăng rất nhanh thì rõ ràng ngành công nghiệp dịch vụ của Việt Nam có thể phát triển.

Tiếp đó, hệ thống chính trị của Việt Nam ổn định và rất nỗ lực kiến tạo thì những ngành có vốn đầu tư lâu dài như ngành hóa chất, hóa dầu… tiềm năng vẫn rất lớn.

Nhưng rõ ràng, phải có bước lùi lại để nhìn tổng thể chiến lược thay vì cứ hô để tăng trưởng mở rộng. Thậm chí, có những ngành không nên tăng trưởng nhanh nữa như gạo, tôm, cá, chúng ta có thể rút bớt lượng và đi vào chất lượng thì giá trị sẽ cao hơn rất nhiều.

Quan trọng, các ngành phải coi thị trường trong nước là điểm tựa chiến lược để khi bên ngoài có những mặc cả thì có thực lực trong nước để hỗ trợ. Nếu chúng ta bỏ hết giỏ ra nước ngoài, lúc thuận như bây giờ thì khá tốt, nhưng phải nghĩ đến thời kỳ sức kháng chịu của nền kinh tế buộc phải đối mặt với những khó khăn.

Cái tốt nữa của Việt Nam là nguồn nhân lực rất nhanh, rất nhạy bén. Vấn đề là làm thế nào để thu hút nhân tài về Việt Nam là bài toán khó.

“6 cái tài” và bài học để “hào kiệt quần tụ”

+ Vậy làm thế nào để thut hút được nhân tài trở về Việt Nam, thưa ông?

- Tôi rất ấn tượng với kinh nghiệm “6 cái tài” của Trung Quốc và họ đã có những thành công rất kính nể.

Đầu tiên là, thức tài để người tài cảm thấy rằng, cơ hội ở Việt Nam rất nhiều.

Thứ hai là ái tài - nhìn thấy người tài thì không chịu được phải mời họ về.

Thứ ba là giáo tài - người tài có khi cũng chưa sẵn sàng giải quyết được công việc ngay đâu nên cần đạo tạo, hỗ trợ thêm.

Thứ tư là dụng tài - giao cho họ những công việc rất thách thức.

Thứ năm là dung tài - tức là phải biết dung dưỡng người tài, đừng vì không đúng cơ chế là không dùng.

Cuối cùng là tụ tài - khi hào kiệt quần tụ với nhau sẽ tạo ra sự cộng hưởng vô giá. Với bản đồ của Việt Nam trên thế giới thì phải tụ được tài, nếu chỉ bằng một vài quyết sách ưu đãi thì chỉ thu hút được ở mức độ mang tính thời cơ chứ không trở thành một đất nước của những người hào kiệt vì nước, vì dân và có tài năng đẳng cấp thế giới. Việt Nam phải chú ý điều này.

+ Việt Nam đã có nhiều chính sách để thu hút nhân tài, nhưng vẫn chưa “tụ tài”, vậy cần làm gì để tốt hơn?

- Tôi thấy, Việt Nam rất giỏi là khi trong tình thế cấp bạch kêu gọi được mọi người hỗ trợ rất mạnh, nhưng khi đang mạnh, thuận lợi thì kêu gọi lại rất khó.

Cho nên, cần thấy thông điệp rõ ràng rằng, năng suất lao động của chúng ta còn quá thấp. Chúng ta cũng đã qua thời kỳ dân số vàng và chỉ trong vòng 2 thập kỷ nữa là thành dân số già.

Việt Nam đứng trước 1 nguy cơ rất lớn là già trước khi giàu. Và khi chúng ta già như Nhật Bản, năng suất lại thấp như Thái Lan bây giờ thì rất khủng khiếp. Chưa kể, Biển Đông biến động, thế giới dịch chuyển sang các vùng khác, cạnh tranh thế giới khốc liệt thì người Việt Nam sẽ lại phải đi tứ xứ làm việc.

Tôi thấy, hiện rất nhiều bạn trẻ tìm sang Úc, rồi người có tiền thì tìm thẻ xanh… tức là mọi người vẫn chưa cảm thấy Việt Nam là nơi tụ tài. Tuy nhiên, Đảng, Chính phủ Việt Nam đã có những quyết định rất quả cảm, đó là đến năm 2045 - khi kỷ niệm 100 năm ngày độc lập, nước ta phải là nước công nghiệp.

Tuyên bố đó không đơn giản mà là “cưỡi lên lưng hổ” vì thành nước công nghiệp có những tiêu chí rất rõ ràng. Mỗi năm phải đi được bao nhiêu từ năng suất lao động, đô thị hóa, môi trường… để mọi người cảm thấy nước ta đang vươn lên trở thành nước công nghiệp.

Trong quá trình phát triển đó, có hiệu quả và hiệu lực. Hiệu quả là xem làm việc có hiệu quả không, còn hiệu lực là có tiến gần đến mục tiêu đã định ra không.  

Ví dụ chúng ta đang tính xây dựng 3 đặc khu kinh tế (Phú Quốc, Vân Đồn, Bắc Vân Phong), đây là vấn đề hiệu lực chứ không chỉ đơn giản là hiệu quả. Không phải chỉ là bỏ ra tiền để thu về bao nhiêu, mà thông qua 3 đặc khu này sẽ nhìn thấy sau 30 năm nữa, hình dáng đất nước sẽ như thế này.  

Cho nên, hiệu lực rất quan trọng, khi đã có hiệu lực rồi sẽ kéo theo hiệu quả rất giá trị. Đó là, bài toàn mà lãnh đạo đất nước và toàn dân phải nghĩ đến.

+ Xin trân trọng cảm ơn ông!

Hương Giang (Thực hiện)