Khác với các năm trước, ngay trong ngày đầu tiên của năm mới 2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021.

Dứt khoát phải thực hiện được thanh toán điện tử

Trao đổi với báo chí, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam năm 2018 so với năm 2017 theo báo cáo Doing Business 2018 của Ngân hàng Thế giới bị hạ 1 bậc.

“Sau khi có đánh giá, Thủ tướng rất suy nghĩ”, Bộ trưởng Dũng thông tin, chúng ta tăng điểm, giữ hạng, song so với cải cách của các nước trong khu vực thì không bằng, “bước đi của họ dài hơn, nên chúng ta tụt hạng”.

Các vấn đề liên quan đến tiếp cận tín dụng, giải quyết phá sản, giải thể doanh nghiệp (DN), bảo vệ DN cũng chưa được quan tâm đúng mức. DN vẫn phàn nàn rất nhiều.

Cho nên, cùng với Nghị quyết 01 về phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ ban hành luôn Nghị quyết về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; đồng thời đổi tên thành Nghị quyết 02.

“Nếu năm 2019, Nghị quyết 19 vẫn được ra đời theo cách cũ, mãi tháng 5 mới ban hành, vậy đầu năm chúng ta cải cách cái gì? Hóa ra cải cách theo Nghị quyết chỉ làm mấy tháng thôi”, Người phát ngôn của Chính phủ nói và nhấn mạnh, chính sách phải có hiệu quả thực tế, thực chất chứ không thể làm tuần tự, theo bài được nữa, đây là điều mà DN, người dân cần.

Theo Bộ trưởng Dũng, lần này, cải thiện môi trường kinh doanh sẽ được đánh giá bằng thang điểm, chỉ số so sánh mà cụ thể là cắt giảm được bao nhiêu ngày công, tương đương với đó là bao nhiêu tiền, chứ không phải chỉ “tiếp tục đẩy mạnh, tăng cường, nâng cao”.

Ông ví dụ, các bộ, ngành phải định lượng, định hóa và biết được các lĩnh vực cải cách đang đạt chỉ số bao nhiêu, để sau này có so sánh nếu chúng ta xuống hạng.

“Nghị quyết 02 rất quan tâm đến vấn đề thanh toán điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 và dứt khoát chúng ta phải làm bằng được”, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết thêm.

“Không tạo sức ép mạnh, không thể lay động”

Liên quan đến phát triển kinh tế tư nhân, theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, lãnh đạo Đảng, Nhà nước coi đây là nền tảng quan trọng.

Năm 2018, có hơn 131.000 DN mới thành lập, nhưng số DN đóng cửa, tạm dừng, khó khăn khi tiếp cận với đất đai, tín dụng… còn cao. Chúng ta cũng có 5 triệu hộ kinh doanh, nhưng, hành lang pháp lý, chính sách chưa đủ sức hấp dẫn để hộ kinh doanh chuyển sang DN.

Từ đó, cần phải có chính sách rõ hơn, mạnh hơn. Việc này, Thủ tướng đã giao cho Bộ Kế hoạch Đầu tư và các cơ quan nghiên cứu cơ chế chính sách.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nhấn mạnh thêm, chúng ta nói nhiều đến DN khởi nghiệp sáng tạo nhưng nếu không có chính sách cụ thể thì sẽ không đạt được mục tiêu đề ra, nhất là chúng ta đặt ra mục tiêu đến năm 2020 có 1 triệu DN.

"Chắc chắn, thời gian tới đây, Thủ tướng sẽ có những chỉ đạo đi vào những quyết sách rất cụ thể để xây dựng Nghị định hỗ trợ cho các DN khởi nghiệp sáng tạo", ông Mai Tiến Dũng cho biết.

Cũng theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, một đất nước phát triển phải có sự cạnh tranh quyết liệt, không có cạnh tranh thì không thể phát triển. “Không tạo sức ép mạnh từ trên xuống thì không thể lay động bởi tự giác chỉ ở mức độ. Để tạo thay đổi suy nghĩ truyền thống sang sáng tạo thì phải có sức ép, sự quyết liệt từ lãnh đạo, từ người đứng đầu”, ông Mai Tiến Dũng nêu ý kiến.

Chi phí không chính thức vẫn còn nhiều

Theo đánh giá của Chính phủ, thời gian qua, đổi mới phương thức thực hiện quản lý nhà nước, nhất là từ tiền kiểm sang hậu kiểm và quản lý rủi ro ở một số ngành, cơ quan còn chậm, thiếu chủ động, chưa quyết liệt; mới tập trung vào các chỉ số nhằm tháo gỡ vướng mắc khi có sức ép mạnh từ cộng đồng DN hoặc chỉ đạo trực tiếp của cấp trên.

Những chỉ số ảnh hưởng gián tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh chưa được quan tâm đúng mức. Một số hành động cải cách chưa thực chất, còn hình thức. Chi phí cơ hội, chi phí không chính thức của DN trong khởi sự DN, trong hoạt động cũng như chi phí về thời gian, tiền bạc của người dân trong tiếp cận các dịch vụ công đã giảm nhưng vẫn còn nhiều. Không ít nơi, ít lúc DN, người dân vẫn bị gây khó, nhũng nhiễu bởi những quy định còn nặng tính cục bộ của một số cơ quan công quyền và một bộ phận công chức, viên chức.


Phấn đấu xếp hạng môi trường kinh doanh tăng 5-7 bậc

Nghị quyết 02 đặt mục tiêu phấn đấu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh nước ta thuộc nhóm ASEAN 4

- Nâng xếp hạng Môi trường kinh doanh - EoDB (của WB) lên 15 - 20 bậc; trong năm 2019 tăng 5 - 7 bậc.

- Nâng xếp hạng Năng lực cạnh tranh - GCI 4.0 (của WEF) tăng 5 - 10 bậc; trong năm 2019 tăng 3 - 5 bậc.

- Nâng xếp hạng Đổi mới sáng tạo - GII (của WIPO) lên 5 - 7 bậc; trong năm 2019 tăng từ 2 - 3 bậc.

- Nâng xếp hạng Hiệu quả logistics (của WB) lên 5 - 10 bậc.

- Nâng xếp hạng Năng lực cạnh tranh du lịch (của WEF) lên 10 - 15 bậc; trong năm 2019 tăng 7 - 10 bậc.

- Nâng xếp hạng Chính phủ điện tử (của UN) lên 10 - 15 bậc năm 2020.


Hương Giang