Dấu ấn nhà đầu tư lớn

Năm 2007, đếm mỏi mắt cả Đà Nẵng mới có vài khu resort, mấy khách sạn 4 sao, du lịch Đà Nẵng vẫn chỉ loanh quanh tắm biển, leo Ngũ Hành Sơn, thăm làng đá Non Nước…

Một thập kỷ sau đó, Đà Nẵng có khu nghỉ dưỡng 3 năm liên tiếp được vinh danh sang trọng hàng đầu thế giới InterContinental Danang Sun Peninsula Resort, có khu du lịch hàng đầu Việt Nam ba năm liền Sun World Ba Na Hills với triền miên lễ hội, có Sun World Danang Wonders - công viên giải trí được ví như Châu Á thu nhỏ, có những khách sạn đẳng cấp như Novotel Premier Han River … Đà Nẵng đã  trở thành điểm đến của những doanh nhân, tỷ phú, thành địa điểm tổ chức APEC 2017, với sự tham dự của những nguyên thủ hàng đầu thế giới.

Sự phát triển ngoạn mục của du lịch Đà Nẵng có một phần không nhỏ đóng góp của các nhà đầu tư như Sun Group, Vingroup… và nhiều thương hiệu khác. 

Tại Hội thảo chuyên nghiệp hoá và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch diễn ra ở Hà Nội cuối tháng 8/2017, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn liên tục khẳng định vai trò quan trọng của các nhà đầu tư chiến lược trong sự phát triển du lịch của các địa phương. Trong những ví dụ điển hình mà ông đưa ra có Đà Nẵng, Quảng Ninh, Sa Pa…

Hạ Long, theo ông Tuấn, trước đây là “một nỗi quan ngại của du khách khi tình trạng đeo bám, chặt chém lừa đảo khách diễn ra phổ biến. Nhưng gần đây, nhờ sự tham gia mạnh mẽ của các nhà đầu tư chiến lược, diện mạo du lịch Hạ Long đã thay đổi. 

Đặc biệt, sự xuất hiện của các sản phẩm du lịch mới hiện đại, hấp dẫn như cáp treo Nữ hoàng, tổ hợp giải trí Sun World Halong Complex do Sun Group đầu tư, Vinpearl do Vingroup đầu tư, Khu đô thị du lịch giải trí đảo Tuần Châu (Quảng Ninh) của Tập đoàn Tuần Châu… đã thực sự đưa du lịch Hạ Long bước sang trang mới”.


Thống kê 9 tháng đầu năm 2017, TP Hạ Long ước đón 5,14 triệu lượt du khách, tăng 23% so với cùng kỳ; trong đó, lượng khách quốc tế là 2,13 triệu lượt, đạt mức tăng kỷ lục 32% so với cùng kỳ. Đây là mức tăng trưởng ấn tượng sau 22 năm kể từ khi Vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới.

Ngược về vùng cao Tây Bắc, du lịch Lào Cai cũng đang vươn lên mạnh mẽ với sự xuất hiện của các sản phẩm tiêu biểu như công trình thế kỷ - hệ thống cáp treo ba dây hiện đại nhất thế giới đưa du khách lên thăm nóc nhà Đông Dương tại khu du lịch Sun World Fansipan Legend. 

Cùng với đó, những sản phẩm văn hóa du lịch được tổ chức quy mô hơn, chuyên nghiệp hơn; những công trình nghỉ dưỡng 5 sao đang dần hoàn thiện nhằm đón đầu dòng khách lớn đang hướng về Tây Bắc.

“Có thể nói, Vingroup, Sun Group… đã viết nên câu chuyện mới cho sự phát triển của ngành du lịch Việt Nam. Ở đâu có những tập đoàn này đầu tư, ở đó có những sản phẩm chất lượng, quy mô, tạo ra tính khác biệt, tính chuyên nghiệp và khả năng cạnh tranh” - Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn nói.

Sứ mệnh người kiến tạo

Nhắc đến vai trò của nhà đầu tư chiến lược trong sự phát triển của du lịch, nhiều người sẽ nhớ câu chuyện doanh nhân Lim Goh Tong - “cha đẻ” thành phố giải trí Genting Highlands Resort - người đã biến vùng đồi núi hoang vu rộng hơn 6.000 ha ở độ cao 1.800 mét thành khu phức hợp giải trí - resort dành cho tất cả mọi người.

Thời gian đầu, không ít người đã can ngăn ông Lim bởi họ cho rằng đây là ý tưởng điên rồ, khó có chuyện “sỏi đá cũng thành cơm”. Trong quá trình làm dự án, bản thân ông Lim cũng từng suýt mất mạng trong một trận lở đất trên công trường.


50 năm sau, Tập đoàn Genting đã hình thành, phát triển trên đa dạng các lĩnh vực du lịch giải trí, bất động sản, dầu, gas, thương mại điện tử… trở thành Tập đoàn đa quốc gia lớn nhất tại Malaysia.

Và dù đã yên nghỉ một thập kỷ nhưng đến nay, sức ảnh hưởng và vai trò của doanh nhân Lim Goh Tong vẫn luôn được chính phủ và nhân dân Malaysia ghi nhận - như lời cựu thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad từng cảm thán: “Nếu có nhiều doanh nhân như ông Lim thì Malaysia đã đạt được nhiều thành tựu hơn trong việc phát triển kinh tế”.

Nhờ có Walter Elias Disney (1901-1966), thế giới mới có những “thiên đường” Disneyland. Nhờ có những doanh nhân táo bạo, Singapore đã biến “hòn đảo chết” Sentosa trở thành “cỗ máy in tiền” cho ngành du lịch của đảo quốc...

Quay trở lại với Việt Nam, công thức “chính quyền trải thảm đón chào, nhà đầu tư chung vai góp sức làm du lịch” chưa bao giờ được các địa phương áp dụng mạnh mẽ và hiệu quả như hiện nay. 

Tương lai, với những doanh nghiệp làm du lịch bài bản, tâm huyết, chúng ta sẽ có những thiên đường du lịch chẳng kém Maldives, Bali hay Phuket… những thiên đường du lịch của châu Á. Đó không phải là sự kỳ vọng, mà sẽ là hiện thực.