Trước tin vui này, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh khẳng định, Hiệp định EVFTA sẽ mở ra nhiều cơ hội lớn cho các doanh nghiệp (DN) Việt Nam thâm nhập vào thị trường đầy tiềm năng với 508 triệu dân và tổng sản phẩm nội địa (GDP) khoảng 18.000 tỷ USD của EU. Tất nhiên, cùng với các cơ hội đặt ra thì việc thực thi Hiệp định EVFTA cũng đặt ra không ít thách thức, đặc biệt khi Việt Nam là nền kinh tế có trình độ phát triển thấp nhất so với các nước trong khu vực đã ký FTA với EU.

+ Bộ Công thương đã chuẩn bị như thế nào để có thể tận dụng tối đa ưu thế khi EVFTA chính thức được thông qua, thưa Bộ trưởng?

- Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh: Bộ Công thương đã dự thảo các nội dung chính của Kế hoạch hành động để chuẩn bị cho việc thực thi Hiệp định EVFTA. Trong đó, các nhiệm vụ chủ yếu bao gồm 5 nhóm chính: Công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về Hiệp định EVFTA và thị trường của các nước EU; công tác xây dựng pháp luật, thể chế; nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn nhân lực; chủ trương và chính sách đối với tổ chức công đoàn và các tổ chức của người lao động tại cơ sở DN; và chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Nhằm phổ biến Hiệp định EVFTA tới đông đảo quần chúng nhân dân, đặc biệt là đối tượng DN và cán bộ quản lý Nhà nước ở Trung ương cũng như địa phương, Bộ Công thương thiết lập trang điện tử chuyên sâu về Hiệp định EVFTA tại địa chỉ evfta.moit.gov.vn, để cung cấp thông tin, giải thích cam kết cũng như kết nối với người dân và DN về EVFTA. Ngoài ra, Bộ cũng đã đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền về Hiệp định thông qua việc tổ chức các hội thảo, khóa tập huấn chuyên sâu (tập huấn tra cứu cam kết về thuế, tra cứu cam kết về quy tắc xuất xứ…). Thông qua các hội thảo tuyên truyền và khóa tập huấn, các cán bộ quản lý Nhà nước tại Trung ương cũng như địa phương sẽ hiểu đúng và đầy đủ các cam kết của Hiệp định để đảm bảo việc tổ chức thực thi Hiệp định, các DN sẽ nắm bắt được quy định cam kết, đối chiếu với thực tiễn sản xuất tại từng DN, từng địa phương để chủ động điều tiết nguồn nguyên liệu phù hợp, đạt được thuế quan nhập khẩu ưu đãi.

Ngoài ra, công tác nghiên cứu thị trường cũng đang được đẩy mạnh nhằm hỗ trợ DN có tâm thế sẵn sàng để có thể tận dụng ngay các ưu đãi về thuế quan khi Hiệp định được chính thức đưa vào thực thi.

+ Bên cạnh những cơ hội lớn, một số ý kiến cho rằng Hiệp định EVFTA có thể cũng tạo ra một số thách thức mà DN trong nước sẽ phải đối mặt khi Hiệp định chính thức có hiệu lực. Quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề này như thế nào và DN Việt Nam cần có những chuẩn bị gì để vượt qua những thách thức này?

- Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh: Hiệp định EVFTA sẽ mở ra nhiều cơ hội lớn cho các DN Việt Nam thâm nhập vào thị trường đầy tiềm năng với 508 triệu dân và tổng sản phẩm nội địa (GDP) khoảng 18.000 tỷ USD của EU. Tất nhiên, cùng với các cơ hội đặt ra thì việc thực thi Hiệp định EVFTA cũng đặt ra không ít thách thức, đặc biệt khi Việt Nam là nền kinh tế có trình độ phát triển thấp nhất so với các nước trong khu vực đã ký FTA với EU.

Thứ nhất, sức ép cạnh tranh là vấn đề đầu tiên đối với nền kinh tế và các DN Việt Nam. Tuy nhiên, cạnh tranh luôn có tính hai mặt rõ ràng. Một mặt, cạnh tranh sẽ rất tiêu cực đối với các DN yếu kém, nhất là các DN vẫn dựa vào sự bao cấp của Nhà nước, các DN có công nghệ sản xuất và kinh doanh lạc hậu. Mặt khác, cạnh tranh mang lại động lực cho các DN liên tục đổi mới và sáng tạo, đồng thời tạo ra thêm nhiều sự lựa chọn cho người tiêu dùng. Quan trọng hơn cả, chúng ta cần nhìn nhận đây là con đường mà sớm hay muộn cũng phải đi qua để đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành công, theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, chất lượng và hiệu quả của tăng trưởng kinh tế.

Thứ hai, các cam kết nhiều lĩnh vực mới trong Hiệp định EVFTA cũng đặt ra yêu cầu điều chỉnh, sửa đổi các quy định pháp luật. Trong thời gian qua, Quốc hội đã chủ động đưa ra lộ trình sửa đổi nhiều văn bản quy phạm pháp luật quan trọng như Bộ Luật Lao động, Luật Sở hữu trí tuệ... Đây chính là các bước đi chủ động để chuẩn bị cho quá trình hội nhập, trong đó có việc thực hiện Hiệp định EVFTA.

Cuối cùng, thị trường EU là một trong những thị trường có đòi hỏi cao nhất trên thế giới. Việc bước qua được các rào cản thuế quan không có nghĩa là hàng hóa và dịch vụ của ta sẽ được thị trường EU chấp nhận. EU có nhiều quy định không chỉ liên quan đến tiêu chuẩn sản phẩm mà cả đối với quy trình sản xuất ra sản phẩm đó (ví dụ không được dùng hải sản được đánh bắt bất hợp pháp hay không được dùng gỗ khai thác từ rừng tự nhiên mà chưa được phép). Hay các đòi hỏi về lao động, môi trường của EU cũng thuộc hàng cao nhất thế giới. Chính vì vậy, doanh nghiệp cũng như các cơ quan quản lý Nhà nước của ta phải không ngừng vươn lên thì mới có thể vượt qua được các thách thức, khai thác được các cơ hội do Hiệp định EVFTA đem lại.

+ Về phía các cơ quan quản lý Nhà nước, để tận dụng cơ hội của Hiệp định EVFTA, theo Bộ trưởng cần điều chỉnh cơ chế chính sách gì để thích ứng?

- Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh: Tham gia các FTA thế hệ mới như Hiệp định EVFTA có nghĩa là Việt Nam bước vào sân chơi lớn, chấp nhận đương đầu với các khó khăn, thách thức mới để cạnh tranh với các nước lớn. Để thích ứng được với bối cảnh này, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp như:

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật theo yêu cầu của hội nhập quốc tế và các cam kết trong các FTA thế hệ mới một cách toàn diện, đồng bộ cả về kinh tế, chính trị. Nhanh chóng rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện khung khổ pháp lý cho phù hợp với điều kiện áp dụng hiện hành, đặc biệt chú trọng đến các nội dung phi truyền thống như mua sắm chính phủ, sở hữu trí tuệ, lao động, môi trường... Chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến cho cộng đồng DN và đội ngũ cán bộ Nhà nước tại địa phương để đảm bảo hiểu rõ và thực hiện đúng cam kết trong các FTA thế hệ mới;
Triển khai hoạt động cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) theo hướng đơn giản hóa, hiện đại hóa; đẩy mạnh việc cấp C/O qua Internet;

Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh với thể chế ổn định, minh bạch; đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, tận dụng cơ hội chuyển giao công nghệ;

Tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh của từng ngành hàng, phát huy vai trò của các hiệp hội ngành hàng, khuyến khích DN liên kết theo chuỗi sản xuất, tăng cường chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm. Giải pháp này cần sự nỗ lực đồng bộ từ cả Nhà nước lẫn DN bằng kế hoạch dài hạn, bài bản;

Cần có cơ chế cảnh báo sớm để DN có thể chủ động phòng tránh các vụ kiện phòng vệ thương mại. Song song với đó, cần đẩy mạnh việc xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, thương hiệu, nhãn hiệu quốc gia; phát triển và nhân rộng việc thực hiện cấp mã số vùng sản xuất, truy xuất nguồn gốc, đáp ứng khả năng cạnh tranh trong xu thế hội nhập quốc tế;

Cần có các chính sách xúc tiến thương mại theo từng thị trường, trong cả trung và dài hạn. Tiếp tục đẩy mạnh và chủ động hợp tác với các đối tác nước ngoài, tham gia vào dây chuyền sản xuất cung ứng toàn cầu.

+ Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Ngay khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với gần 86% số dòng thuế và hơn 99% dòng thuế của Việt Nam được gỡ bỏ sau bảy năm, 1% còn lại sẽ được tự do hóa thông qua hạn ngạch thuế quan. Ngược lại, Việt Nam cũng cam kết bỏ ngay 48,5% số dòng thuế cho hàng hóa EU, sau bảy năm xóa bỏ 91,8% số dòng thuế và 98,3% số dòng thuế sau 10 năm.

Người tiêu dùng Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận các sản phẩm của châu Âu với giá cạnh tranh. Các DN Việt Nam sẽ có thêm nhiều lợi thế so với DN các nền kinh tế có trình độ phát triển tương tự tại thị trường rộng lớn EU, đẩy mạnh xuất khẩu và thâm nhập thị trường, thúc đẩy đa dạng hóa thị trường và đối tác trong bối cảnh căng thẳng thương mại gia tăng.

Hiệp định EVIPA với những cam kết toàn diện và cân bằng về bảo hộ đầu tư sẽ góp phần củng cố niềm tin của nhà đầu tư EU về tính hấp dẫn, an toàn, thân thiện và cạnh tranh cao hơn của môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, và ngược lại.

Nguyễn Thu (Thực hiện)