Thời điểm này, miền Trung và miền Nam thiếu nguồn cung, dẫn đến tình trạng phải cắt điện luân phiên hoặc đột xuất tất cả các ngày trong tuần. Trước tình hình đó, công trình đường dây siêu cao áp 500kV Bắc-Nam được Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ra Quyết định số 61/CT ngày 25/2/1992 phê duyệt Luận chứng Kinh tế - Kỹ thuật với dự kiến thời gian hoàn thành dự án trong vòng 2 năm.

Ngày 5/4/1992, tại các vị trí móng số 54, 852, 2702, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã phát lệnh khởi công xây dựng công trình đường dây 500kV Bắc-Nam với mục tiêu truyền tải trên 2 tỷ kWh/năm từ miền Bắc vào miền Trung và miền Nam. Sau 2 năm đầy nỗ lực công trình đường dây 500kV Bắc-Nam đã hoàn thành và đóng điện vào lúc 19 giờ 7 phút ngày 27/5/1994 đáp ứng kịp thời nhu cầu điện năng phục vụ công cuộc đổi mới của đất nước.

Tiếp theo đó, ngày 23/9/2005, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tiếp tục đóng điện đường dây 500kV Bắc - Nam mạch 2, lúc này 2 mạch đường dây 500kV Bắc - Nam đã thực sự trở thành trục “xương sống” của hệ thống truyền tải điện quốc gia theo cả hai chiều.

Kế thừa những thành quả phát triển lưới điện truyền tải từ EVN, trải qua 11 năm kể từ ngày Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) được thành lập, EVNNPT không chỉ đảm bảo vận hành an toàn lưới điện truyền tải mà còn tập trung đầu tư phát triển hệ thống điện truyền tải 220 - 500 kV.

Trong giai đoạn này, EVNNPT đã đầu tư xây dựng với khối lượng hết sức ấn tượng, tổng giá trị đầu tư trên 157 nghìn tỷ đồng; đưa vào vận hành 503 công trình lưới điện truyền tải.

Trong đó, có thể kể đến các công trình trọng điểm có ý nghĩa hết sức quan trọng như các đường dây 500kV: Phú Mỹ - Sông Mây - Tân Định - Phú Lâm - Nhà Bè; Sơn La - Hiệp Hòa; Sơn La - Hòa Bình – Nho Quan; Quảng Ninh - Thường Tín - Nho Quan; Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông; Vĩnh Tân - Sông Mây; Phú Mỹ - Sông Mây, Sông Mây - Tân Định… giải tỏa công suất của các nhà máy điện (NMĐ) lớn như Sơn La, Lai Châu, Duyên Hải, Vĩnh Tân, các dự án đảm bảo cấp điện cho miền Nam, TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Hoàn thành khép kín các mạch vòng 500kV tại các khu vực miền Bắc và miền Nam; kết nối đường dây 500kV giữa miền Đông Nam bộ và Tây Nam bộ, Đông Bắc bộ và Tây Bắc bộ.

Đến nay, hệ thống truyền tải điện Quốc gia đã vươn tới tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước và kết nối với lưới truyền tải điện của các nước trong khu vực với trang thiết bị, công nghệ ngày càng hiện đại như đường dây nhiều mạch, nhiều cấp điện áp, cáp ngầm 220kV, trạm GIS 220kV, trạm biến áp không người trực, hệ thống điều khiển tích hợp bằng máy tính, thiết bị định vị sự cố, giám sát dầu online, hệ thống SCADA…

Tính đến thời điểm hiện tại, EVNNPT quản lý vận hành tổng số 25.034km đường dây 500kV và 220kV, tăng 2,27 lần so với ngày đầu thành lập; quản lý vận hành 153 trạm biến áp 500kV và 220kV với tổng dung lượng MBA là 87.488MVA, tăng 2,47 lần về số TBA và tăng 3,95 lần về tổng dung lượng so với ngày đầu thành lập. Quy mô hệ thống điện truyền tải của EVNNPT đã đứng thứ 3 trong các nước ASEAN; đứng thứ 8 trong 24 tổ chức truyền tải điện của châu Á về chiều dài đường dây, đứng thứ 4 các nước ASEAN và đứng thứ 11 trong 24 tổ chức truyền tải điện của châu Á về dung lượng MBA.

Bên cạnh đó, lưới điện truyền tải của EVNNPT còn một số khó khăn đó là phải vận hành trong tình trạng đầy và quá tải. Khắc phục những khó khăn đó, trong những năm qua, EVNNPT đã quyết liệt triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như: Thường xuyên kiểm tra, theo dõi quá trình vận hành để xử lý kịp thời các khiếm khuyết, bất thường trên lưới điện; từng bước trang bị, đảm bảo điều kiện làm việc cho người lao động; nâng cao chất lượng công tác quản lý vận hành, quản lý kỹ thuật; thực hiện tốt công tác sửa chữa, thí nghiệm định kỳ, đảm bảo thiết bị vận hành an toàn; phối hợp chặt chẽ cùng lực lượng công an và chính quyền địa phương các cấp bảo vệ an toàn lưới điện truyền tải.

Nhờ vậy, EVNNPT đã truyền tải an toàn hơn 1.300 tỷ kWh, với tốc độ tăng trưởng bình quân 10,95%/năm; tỷ lệ tổn thất điện năng trên hệ thống điện truyền tải trong những năm qua giảm từ 3,14% năm 2010 xuống còn 2,44% năm 2018. Với kết quả này, tổn thất điện năng của EVNNPT đã giảm về mức tương đương với tổn thất điện năng của các tổ chức truyền tải điện tiên tiến trên thế giới như RTE (Pháp), Elia 50 HZ (Đức), REE (Tây Ban Nha), PSE SA (Ba Lan), Transgrid (Australia), KEPCO (Hàn Quốc), TEPCO (Nhật Bản).

Thời gian tới, để hoàn thành sứ mệnh "Đảm bảo truyền tải điện an toàn, liên tục, ổn định cho các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng", EVNNPT quyết tâm phát huy những thành quả đã đạt được, tích cực, chủ động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tranh thủ sự quan tâm, ủng hộ của Chính phủ, các bộ, ngành, EVN và các địa phương, hợp tác chặt chẽ với các đối tác. Các mục tiêu, giải pháp cụ thể EVNNPT cần phải thực hiện đó là:

Tập trung mọi nỗ lực vận hành an toàn hệ thống truyền tài điện trên cả nước; đặc biệt quan tâm và tìm mọi giải pháp để tăng công suất truyền tải và giảm chỉ tiêu sự cố và tỷ lệ tổn thất điện năng.

Tiếp tục đầu tư mở rộng, cải tạo, nâng cấp, đầu tư chiều sâu để có một hệ thống lưới điện truyền tải hiện đại và thông minh; đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng, liên kết với lưới điện truyền tải các nước trong khu vực.

Phấn đấu trong giai đoạn 2018 -2020, hoàn thành đưa vào vận hành 172 công trình (gồm 38 công trình 500kV và 134 công trình 220kV) với tổng dung lượng MBA tăng thêm là 35.262MVA và số đường dây tăng thêm là 6.976km. Tổng vốn đầu tư là 66.332 tỷ đồng. Xây dựng lưới điện liên kết với các nước trong khu vực với mục tiêu đến năm 2020 nhập khẩu khoảng 1.000MW, năm 2025 khoảng 3.000MW và đến năm 2030 khoảng 5.000MW…

Đảm bảo nguồn tài chính cho các hoạt động của EVNNPT, xây dựng giá truyền tải điện đạt tới mức hợp lý để có thể bảo toàn và phát triển được phần vốn Nhà nước đầu tư trong lĩnh vực truyền tải điện, đảm bảo các chỉ tiêu tài chính theo quy định, có đủ vốn phục vụ cho công tác đầu tư xây dựng và có lợi nhuận.

Xây dựng mô hình tổ chức, quản trị chuyên nghiệp, hiệu quả và minh bạch; Thực hiện tốt văn hóa EVNNPT, xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ thuật và chuyên gia hàng đầu khu vực trong lĩnh vực truyền tải điện.

Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất lao động, ứng dụng công nghệ 4.0, giảm chi phí trong quá trình đầu tư xây dựng; thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin, tin học hóa các lĩnh vực quản lý, điều hành nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý và tăng năng suất lao động.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập trung phục vụ công tác bảo vệ an toàn hành lang lưới điện; bồi thường giải phóng mặt bằng; nâng cao vị trí, vai trò, tầm quan trọng của hệ thống truyền tải điện Quốc gia đối với sự phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng; Đảm bảo đời sống và thu nhập ổn định cho cán bộ công nhân viên, cải thiện môi trường và điều kiện làm việc cho người lao động, tạo ra môi trường làm việc tốt để cán bộ công nhân viên luôn tự hào và tin tưởng vào EVNNPT; thực hiện tốt công tác an sinh và trợ giúp xã hội, tổ chức tốt phong trào tương thân, tương ái.

Đường dây 500kV mạch 1 đã là bản hùng ca của cả ngành Điện và cũng là sự khởi đầu thúc đẩy EVNNPT tiếp tục vượt qua khó khăn, thách thức để đảm bảo tiến độ các công trình điện, quản lý vận hành an toàn hệ thống lưới điện truyền tải Quốc gia trong mọi điều kiện, góp phần tích cực trong quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước.

Nguyễn Tuấn Tùng