Thu hút 15 dự án xã hội hóa

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Tháp, thời gian qua, chính quyền đã tạo điều kiện thuận lợi, tích cực hỗ trợ nhà đầu tư giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình chuẩn bị đầu tư, triển khai thực hiện dự án. Các chính sách ưu đãi của tỉnh đã tạo điều kiện cho các dự án giảm nhẹ áp lực về tài chính trong giai đoạn đầu tư cũng như những năm đầu hoạt động.

Qua 5 năm thực hiện chính sách khuyến khích xã hội hoá thuộc các lĩnh vực: Y tế; Giáo dục và Đào tạo; Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Môi trường, tỉnh Đồng Tháp đã thu hút được 15 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 1.980 tỷ đồng. Trong đó, lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo có 7 dự án; lĩnh vực Y tế 5 dự và lĩnh vực Môi trường có 3 dự án.

Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Lâm Thái Thuận cho biết, nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân, thời gian qua các bệnh viện ngoài công đã hợp tác với các bệnh viện công lập của tỉnh trong việc chia sẻ các cận lâm sàng như: Xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, hội chẩn, cấp cứu bệnh nặng, các trang thiết bị y tế, chuyển viện bảo hiểm y tế, tăng cường bác sĩ hỗ trợ khám và điều trị; liên kết mua hoá chất kèm theo điều kiện đặt máy xét nghiệm, máy thận nhân tạo…

Theo lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, 5 dự án thuộc lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo đã đi vào hoạt động đã giúp tỉnh tiết kiệm được ngân sách. Cùng với đó, sự tham gia của khu vực tư nhân trong hoạt động giáo dục cùng với hệ thống trường công lập đã góp phần đa dạng hóa dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của xã hội ở các cấp độ khác nhau về chất lượng cũng như giá dịch vụ…

Cần đổi mới cơ chế, chính sách

Bên cạnh thuận lợi, hiệu quả của các dự án xã hội hoá, các đại biểu cũng cho rằng, mỗi lĩnh vực đều có những khó khăn nhất định. 

Các dự án ở lĩnh vực Giáo dục thường có chi phí đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn kéo dài nên khó vay vốn ngân hàng thương mại với thời hạn khoản vay phù hợp; tỉnh chưa có đề án chuyển đổi từ trường mầm non công lập sang tư thục để làm căn cứ kêu gọi đầu tư nên việc thực hiện còn lúng túng.

Lĩnh vực môi trường gặp khó do lượng rác đầu vào, đơn giá xử lý rác và phương thức điều chỉnh đơn giá chưa được quy định chi tiết và ràng buộc trách nhiệm cụ thể bằng hình thức hợp đồng giữa Nhà nước và doanh nghiệp trước khi triển khai dự án, dẫn đến việc thực hiện có nhiều rủi ro cho doanh nghiệp…

Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, cần thúc đẩy xã hội hóa mạnh mẽ hơn nữa để có thể đạt được những kết quả tốt hơn. 

Tiếp tục hoàn thiện, đổi mới các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích xã hội hóa các hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể, chi tiết hơn về các chính sách ưu đãi.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, hoàn thiện các mô hình tiên tiến về bảo vệ môi trường để triển khai nhân rộng. 

Xây dựng và thực hiện các mô hình hợp tác công tư, Nhà nước và nhân dân cùng làm trong bảo vệ môi trường, đặc biệt là trong việc khắc phục, cải tạo các điểm nóng về môi trường trên địa bàn tỉnh...

Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương đề nghị lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh phải tạo điều kiện cho nhà đầu tư tiếp cận những cơ chế, chính sách mà nhà đầu tư được hưởng; cần công khai, minh bạch các chính sách xã hội hoá cũng như chia sẻ, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhà đầu tư để kịp thời tháo gỡ khó khăn, hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư trong quá trình hoạt động dự án.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu, trong tháng 5/2018, Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng lãnh đạo các sở, ngành có liên quan rà soát lại các chính sách khuyến khích xã hội hoá, đặc biệt cần rà soát những chính sách nào phù hợp, chưa phù hợp báo cáo UBND tỉnh xem xét.

Cảnh Nhật