Sản phẩm ăn liền Phở Việt do Thái Lan sản xuất đang bán chạy tại Mỹ, nước mắm ghi bằng chữ Việt nhưng sản xuất tại Thái Lan tràn ngập siêu thị châu Âu... Đó là 2 trong số nhiều ví dụ cho thấy nhiều sản phẩm thế mạnh của Việt Nam chưa được các doanh nghiệp quan tâm đúng mức và mất thương hiệu ở nước ngoài.

Theo các chuyên gia, sự quan tâm của các doanh nghiệp Việt Nam trong vấn đề bảo hộ sở hữu trí tuệ, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hiện vẫn còn rất hạn chế. Điều này dẫn đến việc trong những năm qua có đã có nhiều doanh nghiệp phải điêu đứng, thậm chí phải trả giá rất đắt vì mất thương hiệu, nhãn hiệu vào tay thương gia nước ngoài.

doanh nghiep viet phai quan tam hon den bao ho quyen so huu tri tue hinh 1
Cần phải quan tâm hơn đến bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm của doanh nghiệp.

Thời gian qua, khá nhiều nhãn hiệu hàng hóa nổi tiếng của Việt Nam bị các thương gia nước ngoài đánh cắp và tiến hành đăng ký bảo hộ ở nước ngoài gây nên tổn hại về kinh tế cho các doanh nghiệp. Kẹo dừa Bến Tre; cà phê Trung Nguyên; cà phê Buôn Ma Thuột; nước mắm Phú Quốc, nước mắm Phan Thiết… những thương hiệu nổi tiếng của Việt Nam từng bị chiếm đoạt khiến doanh nghiệp phải điêu đứng, mất rất nhiều công đòi lại song gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí trong nhiều trường hợp không thể đòi lại được.

Vì vậy, bảo hộ kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu cho doanh nghiệp là yêu cầu song hành với việc mở rộng thị trường của các doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay. Thực tế là vậy nhưng hiện số lượng đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu so với số lượng doanh nghiệp Việt Nam còn khá khiêm tốn, nhiều doanh nghiệp còn chưa chú trọng về vấn đề này.

Ông Nguyễn Xuân An, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần quốc tế OJ Việt Nam nêu thực tế: “Do các doanh nghiệp của chúng ta ở quy mô nhỏ và siêu nhỏ, do đó vấn đề về thương mại hóa về sản phẩm chưa được nhiều, các kênh tiêu thụ còn là vấn đề  hạn chế khi không tìm được các kênh tiêu thụ mà chủ yếu tiêu thụ theo con đường thương lái. Do đó các doanh nghiệp thường không chú ý đến việc xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp ngay từ ban đầu.”

doanh nghiep viet phai quan tam hon den bao ho quyen so huu tri tue hinh 2
Hoạt động bảo hộ sở hữu trí tuệ của Việt Nam phải được tiến hành hiệu quả hơn, thực chất hơn.

Theo ông Denis Croze - Giám đốc Văn phòng Singapore của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới, việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là chỉ dấu quan trọng phản ánh chất lượng hoạt động của doanh nghiệp, cũng như khẳng định được thương hiệu của chính các doanh nghiệp trên thương trường.

Lấy một ví dụ doanh nghiệp sở hữu kem Tràng Tiền khi cổ phần hóa máy móc thiết bị cũ kỹ lạc hậu không đáng là bao, nhưng thương hiệu lại vô cùng giá trị. Điều này cho thấy một thương hiệu quý giống như một tài sản trí tuệ quý giá mà doanh nghiệp phải hiểu để giữ gìn và phát huy nó.

“Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt giữa các doanh nghiệp trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực, quốc gia như hiện nay, thì quyền sở hữu trí tuệ, giờ không chỉ được coi là những tài sản vô hình, mà nó ngày càng được các ông chủ, nhà quản lý, coi đó là những tài sản có giá trị mang lại sự thịnh vượng tài chính cho từng đơn vị kinh doanh. Bởi đây chính là các giá trị gia tăng tạo ra lợi nhuận, uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp trên thương trường” - ông Denis Croze nói.

Các chuyên gia khuyến nghị, việc tham gia vào các Hiệp định quốc tế cũng đòi hỏi hoạt động bảo hộ sở hữu trí tuệ của Việt Nam phải được tiến hành hiệu quả hơn, thực chất hơn.

Do đó, các doanh nghiệp Việt cần nhận thức sâu sắc hơn nữa tầm quan trọng, sức mạnh của việc bảo hộ tài sản sở hữu trí tuệ nói chung và kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu hàng hóa nói riêng nhằm giúp doanh nghiệp đủ sức cạnh tranh trên thương trường và hội nhập quốc tế. Đồng thời, phải hoạt động thận trọng hơn để không xâm phạm về sở hữu trí tuệ của người khác, đặc biệt là của công ty nước ngoài.

Ông Lê Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cho rằng, các doanh nghiệp phải nắm vững các quy định để bảo vệ hữu hiệu quyền sở hữu đối với các sản phẩm.

“Hiện nay, một số hệ thống đăng ký quốc tế được thiết lập nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu và đối với kiểu dáng công nghiệp. Việc đăng ký này được đăng ký ở nước ngoài một cách đơn giản dễ dàng, giảm thời gian, chi phí. Việc nắm vững được cách vận hành của các hệ thống quốc tế để từ đó sử dụng thành thạo và hiệu quả các hệ thống này bảo vệ hữu hiệu quyền sở hữu của doanh nghiệp ở nước ngoài là điều các doanh nghiệp nên làm” - ông Lê Ngọc Lâm nói.

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực cũng cho rằng, hiện nay trên thế giới đang bùng nổ mạnh mẽ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Theo đó, một trong những nhiệm vụ quan trọng đặt ra là phải được xây dựng và vận hành thật sự hiệu quả, kiến tạo cho đổi mới sáng tạo, thúc đẩy thương mại hóa tài sản trí tuệ, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Song để làm được như vậy cần hoàn thiện và đổi mới cơ chế bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các đối tượng mới được tạo ra từ Cách mạng công nghiệp 4.0.

Bảo hộ sáng chế trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật, in 3D, công nghệ nano, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới… Để làm được điều này cần hoàn thiện cơ chế và nâng cao năng lực thực thi quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt trên môi trường internet./.

Theo Nguyễn Hằng/VOV.VN