Điện mặt trời là mô hình đã được áp dụng nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, những năm gần đây đã được nhiều hộ dân và doanh nghiệp lắp đặt, đưa vào khai thác chủ yếu phục vụ cho nhu cầu sử dụng hàng ngày.

Tăng thu nhập vì có điện mặt trời

Ông Nguyễn Đắc Thọ (476/19 Lê Văn Sỹ, quận 3, TP HCM) vừa được Công ty Điện lực Sài Gòn thuộc Tổng Công ty Điện lực TP HCM (EVNHCMC) thanh toán gần 5 triệu đồng tiền mua điện. Hộ của ông lắp đặt điện năng lượng mặt trời có công suất thiết kế là 7kWp.

Bà Lê Thị Minh Tâm ( 315/21 Lê Văn Sỹ, quận 3 TP HCM) cũng được Công ty Điện lực chi trả số tiền 1,2 triệu đồng. Điều đáng ghi nhận là hộ bà Tâm mới lắp đặt và đưa vào sử dụng ngày 26/3/2019; công suất 6kWp, chỉ trong vòng 1 tháng đã được hoàn trả số tiền trên.

Đó là một vài trường hợp trong những hộ dân ở TP HCM đã nhận được tiền chi trả từ ngành Điện sau khi đấu nối điện mặt trời của gia đình vào hệ thống điện của Nhà nước.

Theo tìm hiểu của phóng viên, để có được 1kWp điện từ ánh sáng mặt trời thì chi phí ban đầu khoảng 20 - 25 triệu đồng, đồng thời cần có khoảng trống diện tích tối thiểu khoảng 8m². Thông thường một gia đình sử dụng bình quân 500kWh/tháng thì cần đầu tư điện mặt trời có công suất khoảng 4kWh; chi phí để thực hiện lắp đặt khoảng từ 80 - 100 triệu đồng, diện tích trần phẳng tối thiểu là 32m². Thời gian khai thác sau 7 đến 8 năm sẽ hòa vốn, tuổi thọ của pin khoảng 20 - 25 năm.

Công nghệ này không tốn chi phí vận hành, phí bảo trì ở mức rất thấp, thân thiện với môi trường, vận hành không gây tiếng ồn và khói bụi.

Đại diện EVNHCMC cho biết, hầu hết các hộ dân đều phấn khởi vì đầu tư “điện mái nhà”, trước mắt giảm được chi phí sử dụng điện hàng tháng, ngoài ra còn có thu nhập tăng thêm từ mô hình này.

Cần cơ chế - chính sách

Theo Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích các dự án điện mặt trời tại Việt Nam; Quyết định số 02/2019/QĐ-TTg ngày 08/01/2019 và các văn bản khác liên quan đã thể hiện tính pháp lý để điện mặt trời được hưởng các chính sách ưu đãi.

Trong đó quy định rõ, điện mặt trời lắp đặt trên mái nhà hoặc gắn với công trình xây dựng và đấu nối trực tiếp vào lưới điện được hưởng những chính sách theo quy định.

Theo đó, các dự án trên được thực hiện cơ chế mua bán điện theo chiều giao và chiều nhận riêng biệt của công tơ điện đo đếm hai chiều; giá mua vào của ngành Điện từ ngày 01/01/2019 đến 31/12/2019 là 2.134 đồng/kWh, chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng (GTGT), những năm tiếp theo giá mua vào sẽ được xác định từng năm theo tỷ giá USD/VNĐ, được tính bằng Việt Nam đồng theo quy định của EVN.

Phương pháp xác định tính giá mua vào đối với tổ chức có phát hành hóa đơn thì chủ đầu tư kê khai theo phương pháp khấu trừ 10% thuế GTGT; nếu kê khai bằng phương pháp trực tiếp thì thực hiện nộp thuế theo tỉ lệ 2% doanh thu.

Đối với chủ đầu tư là hộ gia đình, cá nhân không phát hành hóa đơn, có mức doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm thìkhông phải chịu thuế.

Đây là một trong những điểm nổi bật nhằm khuyến khích và thu hút người dân, tổ chức đầu tư về sản phẩm này theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Mới đây, tại buổi tọa đàm, giao lưu trực tuyến về chủ đề “Điện mặt trời - Ích nước lợi nhà” diễn ra tại TP HCM, đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết đơn vị đang xây dựng, đề xuất nhiều cơ chế, chính sách để khuyến khích người dân lắp đặt điện mặt trời. Trong đó, phương án tài chính hướng đến các đối tượng khách hàng có nguồn thu nhập thấp vẫn có thể tiếp cận, sử dụng điện mặt trời nhằm mục tiêu khai thác tối đa nguồn năng lượng này.

Đặc biệt, các nguồn vốn không hoàn lại của các tổ chức nước ngoài sẽ được EVN trình Chính phủ, Bộ Công thương xin phép tiếp cận, sử dụng hiệu quả về các dự án điện mặt trời, góp phần hoàn thành mục tiêu phát triển điện năng lượng theo kế hoạch đã đề ra.

Bên cạnh đó, những giải pháp về sử dụng sản phẩm hiệu quả cũng được các chuyên gia phân tích, đưa ra các khuyến cáo cũng như tiêu chí về chất lượng để người dân, tổ chức an tâm khi lắp đặt và đưa vào khai thác.  

Làm thế nào để đánh giá chất lượng sản phẩm về quy cách, phẩm chất theo quy chuẩn của ngành Điện? Đó là câu hỏi mà nhiều hộ dân có nhu cầu lắp đặt đang phân vân, chưa có cơ sở cũng như sự lưa chọn vào nhà cung cấp nào.

Theo ông Trần Khiêm Tuấn, Phó Tổng Giám đốc EVNHCMC, các nhà cung cấp, nhà đầu tư phải công khai, minh bạch về mặt tiêu chuẩn, chất lượng của sản phẩm để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng cũng như tạo điều kiện thuận lợi trong việc giám sát của các cơ quan quản lý Nhà nước.

Hiện nay, mỗi ngày có hàng trăm khách hàng tìm hiểu về phương thức đầu tư về sản phẩm mới này. Trong thời gian tới, khi các quy định ưu đãi cụ thể được triển khai đi vào thực tế thì số lượng lắp đặt điện mặt trời sẽ tăng gấp nhiều lần, đại diện một nhà cung cấp sản phẩm điện mặt trời cho biết.

Để phát huy hiệu quả tối đa mô hình vừa sử dụng kết hợp kinh doanh, góp phần giảm áp lực thiếu điện trong thời gian tới, trước con số gần 20 ngàn người đang tìm hiểu để lắp đặt điện mặt trời thì các cơ quan chức năng cần sớm tìm ra giải pháp tích cực, tạo cơ chế, chính sách ưu đãi thiết thực phù hợp với từng đối tượng, từng địa phương nhằm khuyến khích toàn xã hội tham gia vào lĩnh vực mới này.

Nếu có sự thống nhất vì mục tiêu chung từ Trung ương đến địa phương, trong tương lai không xa, điện năng lượng mặt trời sẽ tăng dần tỉ lệ, là điểm sáng trong biểu đồ của ngành Điện Việt Nam.

Đinh Mười