Theo ông Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách, bất kỳ sản phẩm, hàng hóa tiêu dùng hay văn hóa được nhập về Việt Nam có lồng yếu tố chính trị, vi phạm chủ quyền lãnh thổ quốc gia, thì phải cương quyết xử lý.

"Những hàng hóa vi phạm về chính trị, chủ quyền lãnh thổ của chúng ta, cần phải cương quyết thu hồi hoặc thậm chí hủy bỏ. Những cơ quan đã đưa hàng hóa vào, để sót, để lọt thì phải chịu trách nhiệm.

Chúng ta cần đưa ra biện pháp cứng rắn, làm nghiêm thì mới ngăn được kẻ xấu lợi dụng quan hệ thương mại, ngoại giao văn hóa… lồng yếu tố xuyên tạc không đúng về chủ quyền, lãnh thổ đất nước", ông Cường nói.

ĐB Cường dẫn chứng trường hợp của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã giáng chức quyền Cục trưởng Cục Điện ảnh Việt Nam khi để xảy ra tình trạng một bộ phim có chứa đựng thông tin về “đường lưỡi bò”.

Theo ông Cường, xử lý như vậy là "kịp thời, xử lý đúng người, đúng tội và với các trường hợp khác cũng nên xem xét xử lý trách nhiệm như vậy".

Với trường hợp chiếc xe ô tô Volkswagen Việt Nam mượn xe của đối tác Trung Quốc có định vị bản đồ đường lưỡi bò, được trưng bày ở Triển lãm Ôtô 2019, theo ông Cường "dứt khoát phải tiêu hủy phần mềm bản đồ định vị, còn việc có tiêu hủy chiếc xe hay không thì xem xét".

Cùng đó, cũng cần xử lý, truy trách nhiệm các đơn vị đã tiếp tay cho kẻ xấu truyền văn hóa, thông tin không đúng sự thật về chủ quyền, lãnh thổ Việt Nam. Cụ thể là doanh nghiệp đã nhập chiếc xe này, đơn vị kiểm duyệt cho phép nhập, thông quan xe về Việt Nam.

Bởi theo lý giải của Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách, thì đây là vấn đề liên quan an ninh, chủ quyền quốc gia, vốn đã được quy định trong Hiến pháp.

"Chúng ta có quy định cao nhất là Hiến pháp, vấn đề gì vi phạm Hiến pháp phải xử lý. Song mức độ xử lý đến đâu, chế tài cụ thể ra sao cần xem xét cho phù hợp, phải căn cứ vào vi phạm", ông Cường nói.

Phó Ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng. Ảnh: Hương Giang

Phó Ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng cũng cho rằng, có thể không nhất thiết tiêu hủy chiếc xe Volkswagen, nhưng dứt khoát phải tiêu hủy phần ứng dụng bản đồ chứa đựng “đường lưỡi bò”.

Về trách nhiệm cá nhân, tổ chức liên quan khi để lọt sản phẩm này vào Việt Nam, theo ông Nhưỡng, phải đánh giá xem đây là lỗi vô ý hay cố ý. Cụ thể, là cần xác định lỗi do đơn vị nhập khẩu hay đơn vị kiểm định. "Phải xem xét lỗi thế nào, lỗi đến đâu, lỗi của ai thì đến đâu xử lý đến đấy", ông Nhưỡng nêu quan điểm.

Chiếc Volkswagen Touareg có bản đồ đường lưỡi bò trong ứng dụng điều hướng, được khách tham quan Vietnam Motor Show phát hiện mới đây. Theo tờ khai hải quan, chiếc xe này được tạm nhập từ Trung Quốc tháng 10 và sẽ tái xuất vào tháng 2/2020.

Volkswagen Việt Nam cho biết, xe được đặt hàng hãng mẹ tại Đức theo diện tạm nhập tái xuất để phục vụ triển lãm. Sau đó, hãng mẹ chỉ định cho đại lý Việt Nam nhập chiếc Touareg từ Trung Quốc. Đại diện hãng thừa nhận, đã sơ suất khi không kiểm tra kỹ trước khi mang xe đi triển lãm.

Theo lãnh đạo Tổng cục Hải quan, ứng dụng, màn hình hiển thị bản đồ có "đường lưỡi bò" trong xe Volkswagen không thuộc diện phải kiểm tra khi làm thủ tục nhập khẩu theo Nghị định 116 quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ôtô.

Còn theo Bộ Công thương, đây là vấn đề phát sinh mới, nên sẽ xem xét đề xuất Bộ Giao thông Vận tải sửa thông tư quy định về kiểm định với xe sản xuất, lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu, theo hướng bổ sung quy định kiểm tra phần mềm đi kèm.

Tuy nhiên, đây không phải trường hợp đầu tiên ôtô ở Việt Nam xuất hiện bản đồ có "đường lưỡi bò". Trước đó, nhiều mẫu xe Trung Quốc như Zotye, BAIC do Công ty Kylin nhập khẩu cũng có tình trạng tương tự.

Hương Giang