Giá trị hợp đồng chuyển giao là hơn 2.004 tỉ đồng, trong thời hạn 5 năm kể từ 0 giờ ngày 1/1/2014. Số tiền chuyển nhượng quyền thu phí sẽ được thanh toán thành 3 đợt, kéo dài trong 6 tháng. Đợt 1 thanh toán 40% ngay sau khi hợp đồng được ký kết. Đây là lần đầu tiên tại Việt Nam, quyền thu phí có thời hạn một đường cao tốc thuộc về một doanh nghiệp tư nhân.

Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Yên Khánh (TP Hồ Chí Minh) cũng đang là đơn vị thu phí trên đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình cho Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam từ hơn 1 năm nay. Việc đấu giá thành công quyền thu phí đường cao tốc này sẽ là tiền đề mở ra một cách huy động vốn xã hội hóa đầu tư từ khu vực tư nhân, chung tay cùng Nhà nước xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông.

Tổng Giám đốc Điều hành Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Yên Khánh, ông Phạm Văn Diệc cho biết, các chủ phương tiện giao thông cơ giới đường bộ sẽ không phải chịu bất cứ tác động nào ngay cả khi quyền thu phí đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương được chuyển giao. Vì theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải tại hồ sơ mời đấu giá, nhà thầu không được điều chỉnh mức phí, cũng như lập thêm trạm thu phí. Sau khi nhận chuyển giao quyền thu phí, Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Yên Khánh cũng chỉ thu phí tại 4 trạm hiện có trên tuyến đường là Chợ Đệm, Tân An, Bến Lức, Thân Cửu Nghĩa.


Trạm thu phí đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương

Theo Cửu Long CIMP, tại thời điểm tháng 7/2013, bình quân một ngày trên tuyến cao tốc cửa ngõ phía Tây TP Hồ Chí Minh này có khoảng 32.830 xe quy đổi/ngày đêm... Bình quân mỗi ngày Cửu Long CIMP - đơn vị thu hộ Nhà nước từ ngày 1/1/2014 - đã thu được 1,106 tỷ đồng tiền phí. “Nếu lưu lượng xe trong 5 năm tới tăng trưởng như dự báo trong hồ sơ mời đấu giá (khoảng 8%/năm), Yên Khánh chắc chắn sẽ có lãi”, một chuyên gia phân tích.

Hồng Nhật