Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Nguyễn Anh Cương, sản lượng nông sản hàng năm của tỉnh khá lớn, đa dạng chủng loại, chất lượng ngày càng cao. Những năm gần đây, tỉnh đã và đang hình thành nhiều khu vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung. Cùng với việc đẩy mạnh sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm theo hướng hàng hóa, Hải Dương đã liên kết, hợp tác, trao đổi, kết nối tiêu thụ nông sản.

Hải Dương hiện có 120.000 ha gieo trồng lúa, cho sản lượng 700.000 tấn/năm, diện tích rau các loại đạt trên 31.000 ha, sản lượng đạt 720.000 tấn/năm, trong đó có nhiều vùng tập trung như: hành, tỏi (huyện Kinh Môn), cà rốt (huyện Cẩm Giàng), bắp cải, súp lơ (các huyện Gia Lộc, Tứ Kỳ, Thanh Miện). Bên cạnh đó, diện tích cây ăn quả các loại ở Hải Dương khoảng 21.000 ha, trong đó đã hình thành các vùng cây ăn quả đặc sản như vải, ổi, na, bưởi đào…

Toàn tỉnh có 15 khu chăn nuôi hàng hóa quy mô từ 3ha trở lên, có 732 trang trại, trong đó có 521 cơ sở chăn nuôi đáp ứng tiêu chí sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, 11.000 ha nuôi trồng thủy sản với sản đạt 74.000 tấn/năm. Tỉnh hiện có khoảng 7.000 cơ sở chế biến lương thực, thực phẩm và 1.000 cơ sở chế biến rau, củ, quả nhưng số cơ sở quy mô doanh nghiệp chưa nhiều.

Ngoài ra, tỉnh còn có số lượng gia súc, gia cầm, thủy sản lớn được quy vùng sản xuất tập trung với sản lượng thịt hơi đạt 120.000 tấn và 65.000 tấn thủy sản/năm. Những năm qua, dựa trên lợi thế sẵn có Hải Dương đã định hướng phát triển nông nghiệp hàng hóa, tập trung, áp dụng quy trình VietGAP để tạo ra sản phẩm an toàn.

Theo ông Cương, việc tổ chức hội thảo lần này sẽ là cơ hội để Hải Dương nhìn lại thực tiễn phát triển nông nghiệp, nhận diện rõ hơn những lợi thế cũng như khó khăn để tìm ra giải pháp thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế.

Đây cũng là dịp để kết nối giao thương, thu hút cộng đồng doanh nghiệp đầu tư và sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản. Từ đó, nâng cao vị thế của nông sản Hải Dương tại thị trường trong nước và quốc tế.

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: LP

Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng khi hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng thì với những tiềm năng trong sản xuất nông nghiệp, Hải Dương đang đứng trước cơ hội lớn để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững sản phẩm nông nghiệp.

Đồng thời, mong muốn Bộ NN & PTNT sẽ tiếp tục tạo điều kiện, hỗ trợ để tỉnh thu hút được nhiều doanh nghiệp lĩnh vực nông nghiệp, chế biến nông sản về đầu tư xây dựng, đưa Hải Dương trở thành trung tâm của vùng Đồng bằng sông Hồng về bảo quản, chế biến nông sản.

Thứ trưởng Bộ NN & PTNT Trần Thành Nam ghi nhận những nỗ lực của Hải Dương trong việc xúc tiến, tiêu thụ nông sản. Song tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế khi chưa thực hiện chế biến sâu đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.

Chính phủ đã có những chính sách về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, về phát triển nông nghiệp hữu cơ và đặt mục tiêu, Việt Nam sẽ phấn đấu là 1 trung tâm chế biến sâu của nông nghiệp thế giới.

Đây là cơ hội và cũng là thách thức cho Hải Dương. Với những thế mạnh hiện có, đặc biệt là vị trí địa lý Dương nằm giữa tam giác kinh tế Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh, tỉnh Hải Dương có đủ điều kiện để xây dựng trung tâm chế biến sâu về nông nghiệp.

Theo ông Nam, Hải Dương cần tập trung thu hút đầu tư vào lĩnh vực chế biến và bảo quản nông sản để có thể trở thành trung tâm kết nối và chế biến sâu của Đồng bằng sông Hồng; đẩy mạnh quảng bá thương hiệu nông sản trong nước và thế giới.

Đồng thời, cần đầu tư các cơ sở bảo quản, thu mua đóng gói tại các vùng sản xuất để giảm tổn thất sau thu hoạch; áp dụng công nghệ hiện đại vào chế biến; chủ động phối hợp với các tỉnh trong vùng để xây dựng vùng hàng hóa lớn và kết nối tiêu thụ với các thành phố lớn; tăng cường ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tích tụ đất đai để mở rộng sản xuất; phát triển nông nghiệp hữu cơ...

Lê Phương