Cụ thể, 9/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính đã tăng giá so với tháng trước đó, theo đó nhóm giao thông có mức tăng cao nhất 2,64%, nhóm nhà ở, điện nước và vật liệu xây dựng tăng 1,28%  và nhóm có mức tăng thấp nhất là giáo dục tăng 0,05%. Riêng, nhóm thuốc và dịch vụ y tế giảm 0,06% và bưu chính viễn thông giảm 0,05%.

Ổn định kinh tế vĩ mô

Theo bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ phó Vụ Thống kê, Tổng cục Thống kê, trên thị trường giá xăng dầu tăng theo xu hướng thế giới, giá điện cũng tăng do sản lượng tiêu thụ của khách hàng nhiều hơn, thêm vào đó là sự ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, song Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kiên định chính sách tiền tệ linh hoạt giữ vững mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô.

Bà Ngọc dẫn ra một số yếu tố tác động đến đà tăng của CPI trong tháng, trong đó phải kể đến kỳ nghỉ lễ dài ngày (30/4 và 1/5) với nhu cầu ăn uống bên ngoài gia đình và du lịch của người dân gia tăng, điều này đã khiến giá cả nhiều các mặt hàng bị đẩy lên cao hơn so với tháng trước đó.

Một điểm nhấn khác, việc giá xăng dầu điều chỉnh 2 đợt (tăng trong ngày 2/5 và giảm vào ngày 17/5) tổng cộng giá xăng A95 nhích lên 360 đồng/lít, trong khi xăng E5 cộng thêm đến 780 đồng/lít và dầu diezen tăng 230 đồng/lít, do đó tính bình quân giá xăng dầu đã tăng 5,93% so với tháng trước và làm tăng CPI chung 0,25%.

Ngoài ra, giá điện tăng do tác động của việc điều chỉnh tăng giá điện trong tháng Ba cộng thêm yếu tố thời tiết nắng nóng khiến nhu cầu tiêu dùng điện và nước lớn hơn, cụ thể giá điện sinh hoạt tăng 6,86% và giá nước sinh hoạt tăng 1,17%.

Thêm vào đó, giá gas tăng 0,6%, giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,66%, giá sách giáo khoa năm học 2019 - 2020 làm cho chỉ số giá nhóm sách giáo khoa tăng 0,65% cũng góp phần làm tăng CPI tháng qua.

CPI binh quan 5 thang tang 2,74%, muc tang thap nhat trong 3 nam qua hinh anh 1

Vàng và tỷ giá biến động trái chiều

Theo bà Ngọc phân tích, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc kéo dài đã làm tăng giá trị của USD, cụ thể chỉ số bình quân của đồng tiền này (tính đến ngày 24/5) đã lên ở mức 97,5% và tăng khoảng 5% so với mức bình quân của tháng Tư.

Theo đó, tỷ giá giữa VND và USD trong nước đã có thời điểm tăng khá cao. Tuy nhiên, do lượng dự trữ ngoại hối dồi dào cùng với hiệu quả của việc điều hành tỷ giá theo cơ chế tỷ giá trung tâm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam với 8 đồng tiền chủ chốt đã giúp tỷ giá VND/USD không bị tăng đột biến và tăng 0,45% so với tháng trước. Cụ thể, bình quân trong tháng Năm, giá USD ở thị trường tự do xoay quanh mức 23.351 VND/USD.

Ở chiều ngược lại, giá vàng thế giới có mức giảm do áp lực từ đồng USD đi lên cộng thêm tâm lý các nhà đầu tư ngày càng tin tưởng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ không cắt giảm lãi suất cơ bản trong năm nay. Nhưng mấy ngày gần đây, sự bất ổn trên thị trường tài chính quốc tế đã hỗ trợ giá vàng hồi phục, do đó bình quân giá vàng thế giới (đến ngày 24/5) chỉ giảm nhẹ 0,09% so với tháng Tư.

Trong nước, giá vàng cũng biến động theo xu hướng quốc tế, theo đó giá vàng bình quân tháng Năm đã giảm 0,5% so với tháng trước, giá vàng dao động quanh mức 3,366 triệu đồng/chỉ vàng SJC.

Với những diễn biến  trên, báo cáo của Tổng cục Thống kê chỉ ra, lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) trong tháng Năm đã tăng 0,13% so với tháng trước, tăng 1,9% so với cùng kỳ và 5 tháng đầu năm so cùng kỳ tăng 1,85%.

“Tháng Năm, lạm phát chung có mức tăng cao hơn lạm phát cơ bản, điều này phản ánh biến động giá chủ yếu do giá xăng dầu, điện tăng. Lạm phát cơ bản 5 tháng đầu năm so với cùng kỳ ở mức 1,85% phản ánh chính sách tiền tệ vẫn đang điều hành ổn định,” bà Ngọc cho biết./.

(Theo Hạnh Nguyễn (Vietnam+)