Năm 2021, với bối cảnh dịch Covid-19 diễn ra phức tạp, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đã tích cực phát triển thị trường tài chính thông qua phát triển thị trường vốn, thị trường chứng khoán nhằm khơi thông nguồn vốn trung và dài hạn cho đầu tư, phát triển; phát triển toàn diện thị trường bảo hiểm an toàn, bền vững, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu bảo hiểm đa dạng của các tổ chức, cá nhân, bảo đảm an sinh xã hội; hoàn thiện chế độ tài chính đối với tổ chức tài chính vi mô, chế độ tài chính đối với các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và phát triển dịch vụ xếp hạng tín nhiệm.

Những giải pháp trên đã góp phần phát triển thị trường vốn ngày càng hoàn thiện về cấu trúc và quy mô, đóng vai trò quan trọng trong việc huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển nền kinh tế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Thị trường tài chính ngày càng phát triển theo hướng cân bằng giữa thị trường tiền tệ và thị trường vốn, giữa thị trường cổ phiếu và thị trường trái phiếu, giữa thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP) và thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN).

Tính đến ngày 17/12/2021, mức vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 7.658 nghìn tỷ đồng, tăng 44,7% so với cuối năm 2020, tương đương 121,7% GDP. Tính chung từ đầu năm đến nay, giá trị giao dịch bình quân đạt 26.211 tỷ đồng/phiên, tăng 253,2% so với bình quân năm trước. Đến cuối tháng 11/2021, thị trường có 761 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ (CCQ) niêm yết trên 2 Sở giao dịch chứng khoán (GDCK) và 890 cổ phiếu đăng ký giao dịch (ĐKGD) trên UPCoM với tổng giá trị niêm yết, ĐKGD đạt 1.727 nghìn tỷ đồng, tăng 14,1% so với cuối năm 2020.

leftcenterrightdel
Thị trường chứng khoán là một trong những kênh thu hút vốn đầu tư hiệu quả. Ảnh: TQ 

Đối với thị trường TPCP, trong năm 2021, Bộ Tài chính thực hiện đúng các chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ về khối lượng huy động và tỷ lệ phát hành TPCP có thời hạn 5 năm trở lên. Theo đó, tính đến 20/12/2021, khối lượng huy động TPCP là 313.243 tỷ đồng, bằng 89,5% kế hoạch huy động năm 2021 (350.000 tỷ đồng) và bằng 83,98% kế hoạch điều chỉnh (373.000 tỷ đồng); Đã phát hành 100% TPCP có kỳ hạn từ 5 năm trở lên, trong đó 91,62% khối lượng phát hành có kỳ hạn từ 10 năm trở lên. Kỳ hạn phát hành bình quân đạt 13,90 năm, giảm 0,04 năm so với cuối năm 2020.

Đối với trái phiếu Chính phủ bảo lãnh (TPCPBL) và trái phiếu chính quyền địa phương (TPCQĐP), tính đến 20/12/2021, tổng khối lượng phát hành của 2 ngân hàng chính sách (NHCS) là 21.524 tỷ đồng, trong đó NHCSXH huy động được 11.024 tỷ đồng, ngân hàng phát triển (NHPT) phát hành 10.500 tỷ đồng; không có địa phương nào huy động vốn từ phát hành TPCQĐP.

Đối với TPDN, tính đến cuối tháng 11/2021 các DN phát hành 495.029 tỷ đồng (trong đó phát hành riêng lẻ đạt 467.583 tỷ đồng, phát hành ra công chúng đạt 27.436 tỷ đồng), tăng 23,6% cùng kỳ năm 2020. Quy mô thị trường TPDN riêng lẻ tính đến cuối tháng 11/2021 tương đương 20,4% GDP năm 2020, tăng 27,5% so với cuối năm 2020.

Đối với thị trường bảo hiểm, tính đến năm 2021, thị trường bảo hiểm có 76 doanh nghiệp (DN) kinh doanh bảo hiểm (trong đó có 31 doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) phi nhân thọ, 19 DNBH nhân thọ, 02 DN tái bảo hiểm, 24 DN môi giới bảo hiểm) và 1 chi nhánh DNBH phi nhân thọ nước ngoài. Tổng tài sản của các DNBH năm 2021 ước đạt 710.002 tỷ đồng (tăng 23,86% so với năm 2020), trong đó các DNBH phi nhân thọ ước đạt 104.653 tỷ đồng, các DNBH nhân thọ ước đạt 605.349 tỷ đồng...

Bộ Tài chính cho biết, mục tiêu phát triển thị trường vốn trong năm 2022 và nhưng năm tiếp theo là trở thành kênh huy động vốn và thị trường giao dịch công khai minh bạch, phản ánh đúng đắn, trung thực hoạt động của nền kinh tế; đồng thời tạo ra các công cụ bảo vệ các tổ chức, cá nhân, bảo đảm an sinh xã hội và tăng năng lực cạnh tranh của thị trường.

Để triển khai mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 và phục vụ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ các DN huy động vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, việc phát triển thị trường vốn cần được triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp, từ hoàn thiện khung pháp lý, phát triển toàn diện các cấu phần thị trường, đa dạng sản phẩm, mở rộng cơ sở nhà đầu tư, nâng cao chất lượng hạ tầng và dịch vụ thị trường đến tăng cường quản lý giám sát, đảm bảo thị trường hoạt động minh bạch, an toàn, hiệu quả.  

leftcenterrightdel
 TPDN giữ vai trò quan trọng trong trong kênh thu hút vốn. Ảnh: TQ

Tập trung tổ chức triển khai Luật Chứng khoán năm 2019 và Luật Doanh nghiệp năm 2020 để vận hành thị trường vốn, TTCK theo hướng an toàn, công khai, minh bạch; đồng thời, hoàn thiện Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi và các văn bản hướng dẫn để phát triển thị trường bảo hiểm bền vững...

Sắp xếp lại các thị trường bộ phận, thị trường cổ phiếu, nâng cao chất lượng hàng hóa, thúc đẩy cổ phần hóa, thoái vốn DN Nhà nước gắn với niêm yết trên TTCK; tăng cường kiểm tra, giám sát, tránh hiện tượng thao túng, làm giá; phát triển thị trường TPDN theo hướng bền vững để trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho các DN, trong đó tập trung phát triển thị trường thứ cấp minh bạch, khuyến khích áp dụng xếp hạng tín nhiệm khi phát hành trái phiếu, xây dựng chuẩn mực thị trường, tách bạch rõ giữa trái phiếu phát hành ra công chúng và phát hành riêng lẻ;

Thúc đẩy phát triển TTCK phái sinh phù hợp với nhu cầu và mức độ phát triển của thị trường; phát triển thị trường TPCP trở thành thị trường chuẩn trên thị trường tài chính đáp ứng nhu cầu huy động vốn cho NSNN và tái cơ cấu danh mục nợ TPCP để tái cơ cấu ngân sách và nợ công theo hướng an toàn, bền vững; tập trung triển khai các giải pháp hoàn thiện đồng bộ hạ tầng công nghệ thông tin cho TTCK đảm bảo TTCK hoạt động thông suốt, hiệu quả.

Trần Quý