Linh hoạt điều hành chính sách tiền tệ, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt khó

Trong thời gian qua, dịch Covid- 19 đã tác động rất lớn đến tất cả các loại hình doanh nghiệp, những khó khăn này đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ ra và có những biện pháp giải quyết trong nhiều văn bản chỉ đạo, nhiều nghị quyết, chương trình hành động để hỗ trợ, tháo gỡ, đáp ứng mục tiêu kép vừa chống dịch bảo vệ sức khỏe của người dân, vừa đảm bảo nền kinh tế không bị gián đoạn, hạn chế giảm sút.

Để hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế, NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ một cách chủ động, linh hoạt, bám sát các diễn biến vĩ mô và tình hình thực tiễn để có những quyết sách kịp thời, phù hợp. Ngay từ khi có dịch Covid-19, một trong những giải pháp NHNN triển khai rất quyết liệt, đồng bộ đó là ban hành Thông tư 01 và sau đó là Thông tư 03 nhằm tạo cơ sở pháp lý cho các tổ chức tín dụng (TCTD) cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ cho khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, trong năm 2020, NHNN đã 3 lần thực hiện giảm lãi suất điều hành. Đến thời điểm hiện nay, nhìn chung mặt bằng lãi suất huy động, cho vay của các ngân hàng thương mại (NHTM) vẫn đang ổn định, lãi suất thị trường cũng cơ bản ổn định và phù hợp điều kiện chỉ số kinh tế.

NHNN sẽ tiếp tục nghiên cứu theo dõi rất chặt chẽ để khi nào công cụ lãi suất điều hành phát huy tác dụng thì NHNN sẽ có điều chỉnh kịp thời. Quan điểm xuyên suốt của NHNN điều hành lãi suất hợp lý theo hướng tạo điều kiện cho DN, người dân khắc phục khó khăn trước mắt, vừa có tính ổn định vĩ mô bền vững để nhanh chóng phục hồi sau khi kết thúc dịch. Bên cạnh đó, NHNN vẫn luôn quan tâm, đề phòng, đảm bảo các giải pháp điều hành hài hòa, cảnh giác với yếu tố có nguy cơ lạm phát đã và đang xuất hiện.

Đặc biệt, mới đây nhất dưới sự định hướng và chỉ đạo của NHNN, Hiệp hội Ngân hàng đã tổ chức 16 TCTD họp và tự nguyện thống nhất cam kết các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế, với nguồn lãi vay sẽ được cắt giảm khoảng 20.300 tỷ từ nay đến cuối năm, tuỳ quy mô ngân hàng. Riêng 4 NHTM Nhà nước lớn là Vietcombank, VietinBank, Agribank, BIDV đã phát huy vai trò tiên phong, ngoài gói hỗ trợ chung còn cam kết bỏ thêm khoảng 1.000 tỷ đồng mỗi ngân hàng (tổng số 4.000 tỷ của 4 ngân hàng) hỗ trợ giảm thêm lãi suất cho các DN, người dân ở TP Hồ Chí Minh, Bình Dương và các địa phương gặp khó khăn nhất do dịch COVID-19. Bốn ngân hàng này cũng sẽ triển khai miễn phí 100% tất cả các loại phí dịch vụ ngân hàng cho các địa phương bị ảnh hưởng nặng như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương…

Xây dựng kế hoạch thanh tra phù hợp với tình hình mới

Trong năm 2021, thực hiện vai trò đầu mối trong công tác thanh tra, giám sát toàn hệ thống, Cơ quan Thanh tra Giám sát Ngân hàng (TTGSNH) đã tham mưu Thống đốc NHNN chỉ đạo, hướng dẫn NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố xây dựng và triển khai kế hoạch thanh tra năm 2021 trên từng địa bàn nhằm bảo đảm phù hợp với kế hoạch thanh tra của NHNN và thực tiễn tình hình hoạt động của các TCTD; trong đó, đã chỉ đạo về các nội dung cần tập trung thanh tra, danh sách đối tượng thanh tra cần lưu ý, nguyên tắc triển khai thực hiện...

Bên cạnh đó, nhằm bảo đảm kế hoạch thanh tra tránh trùng lặp với kế hoạch kiểm toán năm 2021 của Kiểm toán Nhà nước cũng như bám sát diễn biến hoạt động của TCTD, ngày 19/5/2021, Thống đốc NHNN đã ký Quyết định số 846/QĐ-NHNN về việc sửa đổi, bổ sung kế hoạch thanh tra năm 2021. Đồng thời, NHNN cũng đã có văn bản yêu cầu các đoàn thanh tra do Cơ quan TTGSNH cũng như NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố thực hiện bổ sung nội dung thanh tra việc thực hiện Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 và các văn bản sửa đổi, bổ sung.

Căn cứ kết quả công tác thanh tra, giám sát và hồ sơ do các đơn vị liên quan thuộc NHNN, NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố, trong thời gian qua, Cơ quan TTGSNH đã tiến hành 7 cuộc thanh tra chuyên ngành, 4 cuộc thanh tra hành chính; ban hành 31 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt là 6.747 triệu đồng.

Đặc biệt, công tác giám sát tiếp tục được tăng cường nhằm kịp thời phát hiện, cảnh báo các rủi ro, sai phạm trong hoạt động của các TCTD. Trên cơ sở số liệu báo cáo cân đối tài khoản kế toán và các nguồn thông tin khác từ báo cáo thống kê, báo cáo nợ xấu... Cơ quan TTGSNH đã thực hiện phân tích, giám sát tình hình hoạt động của TCTD, chi nhánh NHNN và xây dựng các báo cáo giám sát vĩ mô, vi mô đối với các đối tượng giám sát, từ đó đề xuất các vấn đề cần quan tâm chỉ đạo để bảo đảm các TCTD hoạt động an toàn, lành mạnh, đúng quy định pháp luật.

Kết quả là, năm 2021, chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng đã có đóng góp quan trọng, góp phần vào kiểm soát lạm phát ở mức thấp, ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ và ngoại hối ổn định, an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng được đảm bảo, công cuộc tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu, xử lý ngân hàng yếu kém có tiến triển tốt, ứng dụng công nghệ vào hoạt động thanh toán, đa dạng hóa dịch vụ tiện ích cho người dân và doanh nghiệp, từng bước thực hiện chuyển đổi số…

Thị trường tiền tệ ổn định; lãi suất liên ngân hàng duy trì ở mức thấp, hỗ trợ tổ chức tín dụng (TCTD) giảm chi phí vốn để có điều kiện tiếp tục cắt giảm lãi suất cho vay. NHNN giữ nguyên các mức lãi suất điều hành, tạo điều kiện cho TCTD tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp; tiếp tục chỉ đạo TCTD chủ động cân đối khả năng tài chính, triệt để tiết giảm chi phí hoạt động, tập trung mọi nguồn lực để giảm lãi suất cho vay. Bên cạnh đó, 16 ngân hàng thương mại (chiếm 75% tổng dư nợ nền kinh tế) đã thực hiện có kết quả việc giảm lãi suất cho vay theo cam kết với Hiệp hội Ngân hàng. Điều hành tỷ giá chủ động, linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường trong và ngoài nước, các cân đối vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu CSTT. Thanh khoản thị trường thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, kịp thời.

Đồng thời, việc kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như: bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông; tăng cường quản lý rủi ro đối với cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tín dụng tiêu dùng; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.

Bên cạnh đó, nhằm tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc tiếp cận tín dụng, đáp ứng nhu cầu hợp pháp của người dân, góp phần hạn chế “tín dụng đen”, ngành Ngân hàng đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp như, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, phát triển các dịch vụ trực tuyến; mở rộng mạng lưới, đa dạng sản phẩm dịch vụ, giảm lãi suất, đơn giản hóa thủ tục cho vay đáp ứng nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp và mọi tầng lớp dân cư.

Không phát sinh vụ việc tham nhũng

Ông Tú cho biết thêm, ngành Ngân hàng cũng quan tâm quán triệt, tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách pháp luật về phòng, chống tham nhũng (PCTN) cho cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ công nhân viên chức trong toàn ngành; kịp thời chấn chỉnh đối với những cá nhân có biểu hiện sai trái hoặc có những hành vi tiêu cực, kết hợp công tác đấu tranh chống tham nhũng với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Các đơn vị đã chú trọng tăng cường chỉ đạo công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ theo định kỳ và theo chương trình công tác kiểm tra, kiểm soát. Qua đó, phát hiện, điều chỉnh kịp thời các quy định không còn phù hợp, đẩy mạnh các biện pháp chống tệ nạn quan liêu, vòi vĩnh hoặc hạch sách khách hàng, phát hiện sớm các sai phạm rủi ro tiềm ẩn để có các biện pháp khắc phục, chỉnh sửa kịp thời.

Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng đã thực hiện tốt các quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động tham mưu ban hành chính sách, cơ chế, giải pháp điều hành về tiền tệ, tín dụng. Công khai minh bạch trong việc mua sắm trang thiết bị, phương tiện đi lại, sửa chữa tài sản, công cụ làm việc, nội dung dự án, số liệu dự toán, quyết toán, đấu thầu... Công khai kết luận thanh tra, kiểm tra, kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Trong công tác phục vụ khách hàng, các TCTD thực hiện thông báo công khai tại nơi giao dịch các quy chế, quy định về thủ tục gửi tiền tiết kiệm, vay vốn, lãi suất, tỷ giá... tạo thuận lợi cho khách hàng đến giao dịch và làm căn cứ cho khách hàng giám sát việc tuân thủ các quy định của cán bộ ngân hàng.

Từ đầu năm đến nay, toàn ngành Ngân hàng đã ban hành mới 709 văn bản và sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ 289 văn bản về chế độ, định mức, tiêu chuẩn. Các đơn vị đã thực hiện 687 cuộc kiểm tra việc thực hiện các quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn.

Tại các TCTD, việc luân chuyển cán bộ được thực hiện chủ yếu đối với những bộ phận thường xuyên tiếp xúc với tiền, tài sản và cán bộ làm việc tại các lĩnh vực quản lý tài chính, tài sản; kế toán, kiểm tra, kiểm soát, kiểm toán nội bộ, định giá, thẩm định dự án.... nhằm ngăn ngừa tiêu cực, tham nhũng xảy ra.

Trong thời gian tới, NHNN tiếp tục tổ chức thanh tra theo kế hoạch hàng năm, nội dung thanh tra được lựa chọn trọng tâm, trọng điểm ở các nghiệp vụ dễ phát sinh rủi ro, vi phạm; xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm pháp luật. Giám sát chặt chẽ hoạt động của các TCTD, qua đó, ban hành các văn bản khuyến nghị, cảnh báo về các rủi ro hoạt động của các TCTD nhằm đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng. Thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kịp thời kiểm tra, xác minh, kết luận rõ đúng, sai đối với những đơn thư khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền và xử lý nghiêm minh, kịp thời các vụ việc vi phạm pháp luật.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Nguyễn Điểm